Nô lệ thời hiện đại

01/03/2014 - 07:10

PNO - PN - Qatar là một trong những quốc gia thuê lao động nước ngoài nhiều nhất. Dân số chỉ hơn hai triệu nhưng lao động nước ngoài ở đây chiếm đến khoảng 600.000 người, phần lớn là công nhân xây dựng và người giúp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tờ Guardian hồi đầu năm 2014 đã cử một nhóm phóng viên đến Doha để tìm hiểu về cuộc sống của người lao động nước ngoài tại Qatar. Những gì tờ báo Anh này phát hiện khiến mọi người phải giật mình. Làm việc tại một trong những nước giàu nhất thế giới, nhưng người lao động nhập cư tại Qatar đang phải sống trong điều kiện tệ hại nhất.

Theo Văn phòng Quản lý người Philippines lao động ở nước ngoài (POLO), chỉ trong sáu tháng đầu năm 2013 đã có hơn 600 người giúp việc bỏ trốn vì không chịu nổi điều kiện làm việc khắc nghiệt, dù biết họ sẽ mất trắng tiền lương. “Tôi không thể không trốn” là câu trả lời dứt khoát của những người tháo chạy với lý do là nhiều tháng liền họ không được nhận lương, làm việc liên tục không có ngày nghỉ, bị chủ thường xuyên đánh đập, nhục mạ, thiếu cái ăn, phải làm những việc khác hẳn với hợp đồng đã ký. Đặc biệt, họ không được quyền thay đổi chỗ làm.

“Chúng tôi đều rất sợ hãi. Tôi không biết điều gì sẽ đến với mình, nhưng dù sao cũng phải tìm cách tồn tại”, cô gái Philippines 28 tuổi, tự nhận tên Jane cho biết. Cô hiện giúp việc “chui” bán thời gian cho một gia đình ở Doha, sau khi bỏ trốn khỏi nhà chủ cũ. Nếu bị phát hiện vi phạm hợp đồng, cô sẽ bị giam nhiều tháng trước khi bị trục xuất.

No lẹ thòi hiẹn dại

Người làm nghề giúp việc nhà ở Qatar theo chủ đi dạo - Ảnh: Guardian

Tuy nhiên, điều tệ nhất có thể đến với các cô gái giúp việc nhà là bị chủ nhà bạo hành tình dục. Nếu cô gái báo cảnh sát, nhiều khả năng bản thân cô sẽ bị khép vào tội “quan hệ bất hợp pháp” chứ không phải người chủ đã bạo hành.

François Crépeau, người được Liên Hiệp Quốc cử đến Qatar tìm hiểu tình hình lao động nhập cư hồi cuối năm trước, cho biết có trường hợp người chủ đã làm cho người giúp việc bị giam bằng cách báo cảnh sát là cô trộm đồ của mình. Chính mắt ông Crépeau chứng kiến, khoảng 100 phụ nữ Philippines được đưa vào trại tập trung dành cho những người chờ trục xuất, nơi đã có sẵn hơn 1.000 người khác cũng bị trục xuất khỏi Qatar.

Ông Crépeau cũng đã đến nhà tù trung tâm Doha, nơi đang có nhiều phụ nữ Philippines ngồi tù vì tội “quan hệ bất hợp pháp” mà chứng cứ là đứa con nhỏ phải ở trong tù cùng mẹ. Thật mỉa mai, bố của đứa bé nhiều khi chính là ông chủ của cô, nhưng người phạm tội lại là cô chứ không phải người đã gây ra sự việc.

Khi chấp nhận làm nghề giúp việc nhà ở Qatar có nghĩa là người phụ nữ ấy chấp nhận giao số phận của mình vào tay chủ. Theo quy định ở Qatar, người làm thuê không được phép rời khỏi nước này, dù với bất cứ lý do gì, trước khi có sự đồng ý của chủ. Họ có muốn về nước cũng không được vì giấy tờ tùy thân đã bị nơi sử dụng lao động cất giữ.

“Đó là những nô lệ thời hiện đại”, tổ chức Ân xá quốc tế nói về tình cảnh của phần lớn phụ nữ nước ngoài làm nghề giúp việc nhà ở Qatar như thế. Nhưng, Bộ trưởng Lao động Qatar bác bỏ điều này: “Chúng tôi có luật lệ và quy định hợp đồng rõ ràng để bảo vệ mọi người lao động ở Qatar, ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm khắc”. Trên thực tế, luật pháp nước này có vẻ như chỉ bảo vệ người bản xứ.

THIỆN NGA (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI