"Nó" đến với chị em tôi

23/06/2024 - 16:06

PNO - Nếu biết chị em tôi cãi nhau vì tiền, hẳn ba mẹ sẽ đau lòng biết mấy. Nghĩ đến điều này nên tôi thôi, mặc kệ toan tính của em mình.

Tôi là chị Hai, là đứa con đầu tiên trong gia đình về thành phố học đại học. Hồi đó, mấy lần lên thăm, thấy tôi và 2 đứa bạn ở trong phòng trọ chật chội không có cửa sổ, cũng không có chỗ nấu ăn, ba mẹ quyết định bán 2 sào đất rẫy được 200 triệu đồng và vay mượn thêm 100 triệu đồng để mua căn hộ 50m2 có 1 phòng ngủ.

Thấy tôi vui sướng tíu tít chọn màu sắc cho rèm cửa sổ và tấm trải giường, mẹ vuốt tóc tôi, nói: “Bây giờ được ở một mình thì rộng rãi, mai mốt mấy đứa em về đây thì chị em nhường nhau đùm bọc nhau nghe chưa!”.

Tôi biết ba mẹ rất cố gắng cho chị em tôi được về thành phố học hành nên dù mẹ nói vậy, tôi cũng không tận hưởng sự rộng rãi một mình. Tôi rủ mấy đứa bạn cùng trọ trước đây về nhà, thân thiết thì tiền trọ lấy rẻ hơn một chút mà cũng đủ cho tôi chi tiêu ăn uống hằng ngày, đỡ cho ba mẹ một khoản lo.

2 năm sau, Kim - em kế tôi - cũng về thành phố học. Cùng là con gái với nhau nên chung đụng cũng không sao, càng vui. 2 năm sau nữa, em trai tôi về ở cùng. Có đứa con trai khiến việc sinh hoạt bất tiện, các bạn tôi lần lượt ra đi, còn lại 3 chị em tôi.

Dù không còn thu nhập từ tiền trọ của các bạn nhưng lúc này tôi đã đi làm nên cũng chăm sóc được 2 đứa em, ba mẹ tôi chỉ còn lo dành dụm trả nợ mua căn nhà.

***

Cuộc sống thành phố có nhiều cơ hội và cũng nhiều hấp dẫn phù phiếm khiến tôi sợ mình không chu toàn trách nhiệm làm chị. Nhận việc làm thêm để có tiền lo cho các em ăn học thì tôi đủ sức nhưng khi Kim đưa người yêu về ra mắt, tôi không biết làm sao. Ngăn cản thì sợ bị lên án là lạc hậu, mà dễ dàng tán thành thì sợ Kim chểnh mảng học hành.

Thêm những khuya chờ cửa rồi em trai điện thoại về: “Tối nay em ngủ lại nhà bạn”. Ai đó nói con trai đi chơi thì mình không phải lo như con gái, mà tôi không thể không lo. Tối nào ba mẹ cũng gọi điện thoại hỏi han: “Bữa nay mấy chị em có chuyện gì không?”, tôi luôn cười vui trả lời: “Tụi con ổn mà”.

Nhưng có lúc câu hỏi cụ thể hơn, như: “Mấy đứa đang làm gì đó?”. Với ba mẹ tôi ở quê, 10 giờ rưỡi đêm thì còn làm gì khác ngoài học bài. Mà thực tế thì em trai tôi đang ở nhà bạn, còn Kim đi xem phim với người yêu chưa về.

Ngày Kim tốt nghiệp đại học, có thể nói tôi là người nhẹ nhõm nhất.

Người yêu tôi mấy lần ngỏ ý cưới, tôi hẹn lần lữa, mong anh thông cảm để tôi phụ giúp ba mẹ thêm một thời gian. Sang năm em út học xong cấp III rồi cũng về với tôi, hãy đợi tôi lo cho út được 1, 2 năm đầu tiên cho cứng cáp.

Chẳng biết anh nói gì với Kim mà trong bữa cơm mừng tốt nghiệp, Kim nói với tôi: “Chị lấy chồng đi. Bây giờ em thay chị được rồi”. Tuyên bố ngon lành vậy mà rồi Kim phải cưới chạy bầu.

Trưa đó, tôi kho cá, Kim bật nôn thốc tháo và rên rỉ: “Chết rồi, hình như em dính bầu”. Điều tôi lo sợ đã đến, cũng may là Kim đã học xong. Tôi thúc hối cưới nhanh, càng sớm càng tốt, sao cho em bé ra đời có thể được phân bua là sinh thiếu tháng. Thật tình là ngay khi đó, tôi chỉ nghĩ được vậy thôi.

Cả hai đều mới tốt nghiệp và chưa có việc làm ổn định, tiền thuê nhà là một khoản lo trong khi Kim cần được chăm sóc bồi bổ. Bàn bạc một hồi rồi thì chồng Kim ở rể, tức là ở với chị em tôi.

Nhường căn phòng duy nhất cho vợ chồng Kim, tôi ra phòng khách với em trai. Em trai lấy cớ chật chội, xin ra ở trọ với mấy đứa bạn. Phần tôi cũng thấy bất tiện nên vài tháng sau lấy cớ công ty mở chi nhánh mới ở xa, tôi phải tìm chỗ ở gần chi nhánh cho tiện. Rồi tôi đón em út về với mình.

***

10 năm trôi qua. Chị em tôi ai cũng nghề nghiệp ổn định, có vợ có chồng và có nơi chốn riêng tư. Tôi ngoài việc công ty còn hùn với bạn mở điểm tập yoga, Kim là giáo viên dạy toán, em trai là kỹ sư xây dựng, em út là hướng dẫn viên du lịch.

Món nợ mua căn hộ đã trả xong, con cái ổn định ở thành phố, ba mẹ tôi mãn nguyện lắm. Mỗi dịp lễ tết, chị em tôi kéo nhau về quê, hàng xóm nhìn qua nhà tấm tắc khen ba mẹ tôi có phước.

***

Dịch COVID-19 ập đến. Giãn cách rồi phong tỏa. Muôn vàn khó khăn… Công ty tôi tạm thời đóng cửa, tôi hưởng lương cơ bản, điểm tập yoga không hoạt động được mà tiền thuê mặt bằng đã đóng trước 2 năm. Em trai nằm nhà vì công việc xây dựng đình đốn. Em út cũng vậy, du lịch là một trong những ngành nghề tê tái nhất.

Chỉ mình Kim được ổn định với việc dạy học online, chồng Kim cũng dạy toán. Môn học này có nhiều mối cần luyện thi nên trong khi nhiều người thất nghiệp, vợ chồng Kim làm không xuể.

Khi dịch bệnh đi qua, tôi, em trai và em út chật vật xoay xở để bắt đầu lại thì Kim khoe sắp mua căn hộ mới rộng 100m2, căn hộ cũ đã nhận tiền cọc của người muốn thuê.

“Căn hộ cũ” tức là căn hộ ba mẹ mua cho mấy chị em.

Em út thủ thỉ với tôi, từ khi nghe chị Kim sắp có nhà mới thì út đã nghĩ đến phần của mình trong “căn hộ cũ”. Trước đây làm ăn có tiền rủng rỉnh thì chẳng nghĩ ngợi gì nhưng nay quá kẹt. Với các ngành nghề khác thì việc hồi sinh sau dịch bệnh được hỗ trợ nhiều mặt nhưng du lịch thì vẫn còn phải cân nhắc vì sự an toàn của du khách là trên hết.

Út tính chuyển việc mà không dễ xin được việc như ý trong lúc này. Trước mắt là không có lương không có tiền, lại còn nợ chỗ này chỗ kia vì mấy năm nằm dài không làm được gì.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cuộc họp mặt mấy chị em ban đầu diễn ra nhẹ nhàng. Chúng tôi đều đồng ý chia giá trị căn hộ làm 4 phần. Trong mấy chị em, bất kỳ ai muốn sở hữu “căn hộ cũ” thì trả 3 phần cho những người còn lại.

Kim vui vẻ nói đang dồn tiền cho căn hộ mới nhưng sẵn sàng vay ngân hàng để trả ngay lập tức cho mỗi người 75 triệu đồng. Kim nói hồi đó ba mẹ mua giá 300 triệu đồng thì chia 4 phần ra chừng đó là đúng rồi.

Em út phẫn nộ: “Giá hiện nay là hơn 2 tỉ đồng”.

Em trai giận dữ: “Chị Kim đừng đóng kịch ngây thơ”.

Tôi đau lòng nhìn các em của mình lớn tiếng sừng sộ nhau. Không ngờ Kim tham lam và vô tình đến vậy. Nếu kể ra rạch ròi thì từ trước tới nay, Kim là người được hưởng lợi nhiều nhất từ căn hộ. Nay em út khó khăn, lẽ ra Kim nên nhường cho em út phần hơn. Vậy mà Kim còn tính tiền căn hộ theo giá mua cách đây 16 năm.

***

Tôi sợ chị em mình bất hòa và sợ nhất là ba mẹ buồn. Niềm vui lớn nhất của ba mẹ tôi là niềm tự hào về con cái.

Nếu biết chị em tôi cãi nhau vì tiền, hẳn ba mẹ sẽ đau lòng biết mấy. Nghĩ đến điều này nên tôi thôi, mặc kệ toan tính của Kim. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc như từ trước tới nay, khó khăn rồi sẽ qua thôi. Tôi nói với em trai và em út như vậy.

2 đứa cũng sợ ba mẹ buồn nên không nói gì nữa, mà cũng không chịu nhận 75 triệu đồng.

Sự việc cứ lơ lửng vậy suốt 2 năm nay. Trong thời gian đó, Kim cho thuê “căn hộ cũ”.

Hôm qua, em trai tới nhà chơi và nói: “Út lại hỏi mượn tiền em”. Tôi im lặng. Em út hỏi mượn tiền không còn là chuyện lạ nữa. Em trai lại nói: “Tiền cho thuê căn hộ lẽ ra chị Kim nên hỗ trợ cho út”. Tôi tiếp tục im lặng vì không muốn đổ thêm dầu vô lửa.

Em trai thở dài: “Út nó nói sẽ làm đơn kiện ra tòa phân xử. Em không muốn vậy đâu. Nhưng nếu phải có ý kiến trước tòa thì em sẽ ủng hộ út. Chị nghĩ sao?”.

Nghĩ sao à? Tôi chỉ biết rùng mình hoảng sợ. Mỗi khi đọc những bài báo kể chuyện người cùng một nhà kéo nhau ra tòa vì tranh giành miếng đất hoặc căn nhà, tôi đã nghĩ sao ruột thịt mà như vậy.

Nào ngờ, nó đến với chị em tôi.

Biết làm sao bây giờ?

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI