Nợ con

03/11/2015 - 10:39

PNO - Cuộc sống nơi quê nhà túng khó, nhiều cặp vợ chồng đành gửi lại con thơ cho ông bà nuôi dưỡng để tha phương lập nghiệp.

Hành trình của họ, ngoài nỗi nhớ con còn là món nợ đã không cho con làn hơi ấm gia đình…

Đứt ruột xa con

Chập tối, cơn mưa nặng hạt bất ngờ đổ ập khiến xóm trọ công nhân trên đường Lê Thị Hoa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trở nên đìu hiu, vắng lặng. Rúc mình trong căn phòng xập xệ chừng 12m2 , dưới ánh sáng vàng vọt tỏa ra từ chiếc bóng đèn cũ kỹ, chị Trần Thị Chinh (quê H.Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thẫn thờ ngồi bó gối, đôi mắt đăm đăm hướng lên những bức ảnh treo tường.

Trái với giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt chị, trong từng bức ảnh, các con chị đỏm dáng tươi cười. Cạnh đó là lá thư đã hoen bụi thời gian dán trang trọng trên bức tường loang lổ. Chị Chinh lau mắt, mỉm cười: “Thư con tôi gửi đó!”.

Chị bần thần kể, nhận lá thư cách đây mấy năm, chị òa khóc nức nở khi thấy nét chữ con tròn đẹp, lời lẽ đầy yêu thương gửi cho bố mẹ. Ngày chị đi, con gái chỉ mới bi bô tập nói! Chồng chị - anh Nguyễn Văn Hưng, bình thường mạnh mẽ mà hôm ấy cũng rưng rức khóc khiến xóm trọ mủi lòng, bắt gặp mình trong nỗi niềm nhớ thương con của anh chị.

No con
Chị Trần Thị Chinh thẫn thờ bên bức tường dán hình ảnh các con

Tay trắng đến với nhau, cuộc sống của vợ chồng chị Chinh - anh Hưng là tháng ngày bươn bả đi làm thuê làm mướn. Hai con gái lần lượt chào đời, miếng ăn càng trở nên chật vật. Nghĩ đời mình biết bao giờ khá nổi, huống hồ còn tương lai các con; năm 2007, vợ chồng chị dắt díu nhau vào Nam tìm kế sinh nhai, để lại quê nhà hai đứa trẻ vừa lên hai, lên ba cho ông bà nội chăm sóc.

Nhắc lại chuyện cũ, nước mắt ngắn dài chị Chinh kể, trước ngày đi, đêm nào cũng ôm hai con khóc, không nỡ xa nên lịch đi phải liên tục dời lại. Thấy chị chần chừ, anh Hưng cũng đứt từng đoạn ruột, rồi lẳng lặng lên tàu một mình.

Nhưng rồi không thể để chồng một mình bôn ba xứ người, sau bốn tháng nấn ná chị khăn gói ra đi. Đó cũng là chuyến đi xa đầu tiên trong cuộc đời chị. Khuya ấy, dỗ giấc cho hai con ngủ say chị lặng lẽ lên tàu, nước mắt thương con không ngừng rơi trên suốt hành trình, tàu đến nơi, mắt chị sưng húp, giọng đặc cứng. Vắng mẹ, ngày nào hai đứa trẻ cũng khóc, không ngừng hỏi mẹ đâu, mấy tháng sau mới nguôi ngoai và “quên” được mẹ.

Chung xóm trọ, anh Phạm Quốc Hương (H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết 16 năm xa quê, làm công nhân tại khu công nghiệ p Sóng Thần, anh đã chứng kiến không biết bao nhiêu gương mặt nhạt nhòa vì nhớ con của các ông bố bà mẹ.

Có người khóc nức nở sau cuộc điện thoại về thăm con, có người bật khóc ngon lành ngay khi vừa nghe tiếng con bi bô nói cười. Anh Hương và vợ - chị Nguyễn Thị Hằng cũng chịu cảnh xa con gái đầu khi bé đang ẵm ngửa.

Những ngày mới xa con, vợ chồng chẳng thiết tha ăn uống, sợ nhất buổi tối về không biết nói gì với nhau, bởi vòng vo một hồi sẽ lại nhắc đến con, lại thấy lòng nặng trĩu.

No con
Căn phòng trọ 12m2 là nơi cư ngụ suốt mười mấy năm qua của vợ chồng anh Phạm Quốc Hương

Khi có thêm bé thứ hai, bà nội gần 70 tuổi già yếu không trông được hai cháu, buộc lòng vợ chồng chị phải vừa chăm con vừa đi làm. Ngặt nỗi, hai chị em ít gặp nhau nên cũng không thân thiện. Chị Hằng hỏi bao nhiêu lần rằng thương chị Hai không, đứa con trai bốn tuổi rưỡi đều hét thật lớn “không!”, hỏi tên của chị Hai là gì, cũng không nhớ.

May sao, Hoài Như - con gái đầu của anh chị dù nhỏ vẫn ý thức hoàn cảnh của mình: “Con không giận khi em nói không thương con, vì chị em con ít gặp nhau, con cũng lạ lẫm em thì làm sao em thương con được”. Với vợ chồng chị Hằng, đây không chỉ là những lời an ủi mà còn là sự thấu hiểu, cảm thông đầy ấm áp con gái mang lại cho mình.

No con
Bức ảnh chụp chung hiếm hoi của bé Hoài Như và em trai Gia Bảo, hai con của anh Hương - chị Hằng

Tương lai đoàn viên mờ mịt...

Theo thống kê, đội ngũ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM có đến 70% là người nhập cư. Phần lớn họ phải sống cảnh cha mẹ một nơi, con một chốn. Đồng lương công nhân ít ỏi, chắt chiu lắm cũng phải hai đến ba năm họ mới dành dụm đủ tiền về thăm con một lần.

Mỗi lần về luôn phải tránh các ngày lễ tết do giá cả đắt đỏ, vì vậy hiếm khi họ được đón tết bên con. Chấp nhận xa con tha phương, với họ không chỉ là đi tìm miếng cơm manh áo mà còn mang theo khát vọng, ước mơ cho con một tương lai tươi sáng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI