“Nợ chữ nghĩa” từ báo chí đến văn chương

21/06/2023 - 06:20

PNO - Gần 300 tác phẩm của các nhà báo trong cả nước được trưng bày, giới thiệu ở Tuần lễ Sách của người làm báo cho thấy nhà văn viết báo hay nhà báo viết văn đều để lại cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị. Đó đều là những cuộc “dấn thân” vào chữ bằng đam mê, với nhiều trải nghiệm, cảm xúc và nhiệt huyết của người cầm bút.

Một số tác phẩm của các nhà báo vừa ra mắt
Một số tác phẩm của các nhà báo vừa ra mắt

Sách của người làm báo 

Lần đầu tiên, Tuần lễ Sách của người làm báo được tổ chức nhằm tôn vinh người cầm bút. Hoạt động do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức diễn ra tại Đường sách TPHCM từ ngày 17 - 22/6, nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Cùng với việc trưng bày, giới thiệu gần 300 tác phẩm của các nhà báo trong cả nước, nhiều chương trình giao lưu, trò chuyện với các nhà báo, nhà văn được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện ý nghĩa này. 

Đây cũng là lần đầu bạn đọc được cùng nhìn lại những tác phẩm của người làm báo với đủ thể loại, đề tài, trong đó có nhiều tác phẩm đã được trao các giải thưởng của thành phố và trung ương. Cuộc hội tụ của những người làm báo nhiều thế hệ cùng tác phẩm của họ cho thấy sự đóng góp to lớn của người làm báo trong cả lĩnh vực văn chương và báo chí. Bên cạnh sách của những tên tuổi nhà báo giàu kinh nghiệm: Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Công Khế, Ngọc Trân, Trần Ngọc Châu, Cù Mai Công, Trần Thế Tuyển, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Tô Minh Nguyệt… còn có nhiều tác phẩm của những người cầm bút trẻ. 

Sách của người làm báo bao gồm cả 2 lĩnh vực: báo chí và văn chương. Nhà báo Dương Thành Truyền nói, người làm báo viết sách bằng các thể loại báo chí hay gần với báo chí (tạp văn, du ký) đều là kể những câu chuyện cuộc sống, ghi chép hiện thực. Ở góc độ này, có thể nhìn thấy qua nhiều tác phẩm: Mảnh mai sợi chỉ lưng trời (bút ký, Đặng Ngọc Khoa), phóng sự điều tra Những “sứ quân” lộng hành (Cao Ngọ), Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương boléro (Nguyễn Tập), Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl (Trung Nghĩa), Trên những dặm đường (Đức Liên)… Bên cạnh đó còn có nhiều tác phẩm viết về nghề báo, các nhân vật lịch sử, ghi chép về Sài Gòn xưa và TPHCM hôm nay cùng các tác phẩm về đề tài COVID-19…

Từ phải sang: Nhà báo, nhà thơ Hồ Huy Sơn; nhà văn, nhà báo Nguyễn Khắc Cường; nhà báo Dương Thành Truyền và nhà báo Trung Nghĩa giao lưu với bạn đọc tại sự kiện chủ đề Nhà báo viết sách mới đây - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Từ phải sang: Nhà báo, nhà thơ Hồ Huy Sơn; nhà văn, nhà báo Nguyễn Khắc Cường; nhà báo Dương Thành Truyền và nhà báo Trung Nghĩa giao lưu với bạn đọc tại sự kiện chủ đề Nhà báo viết sách mới đây - Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Các tác phẩm của người làm báo cho thấy sự đa chiều trong cách tiếp cận, khai thác đề tài đồng thời là sự dấn thân, lăn xả vào thực tế. Họ mang đến cho bạn đọc những câu chuyện về cuộc sống, con người mà chỉ nhà báo mới biết, mới được tiếp cận; những thông tin, tư liệu nghiên cứu quý giá về lịch sử - văn hóa - con người cùng những trải nghiệm, cảm xúc sâu sắc mà những người làm nghề tâm huyết đã lựa chọn “dấn thân” trên trang viết. 

Sứ mệnh của người cầm bút

Bên cạnh các tác phẩm báo chí, sách của người làm báo có rất nhiều tác phẩm thuộc các thể loại văn chương (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết…). Nổi bật có bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa (nhà báo, nhà văn Lại Văn Long, tác phẩm được xác lập Kỷ lục Việt Nam năm 2022), trường ca Những ngọn khói về trời (nhà báo, nhà thơ Bùi Phan Thảo, giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2022 và giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm 2022), Chào thế giới bây giờ con đã đến (nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2020)…; cùng nhiều tác phẩm có giá trị, được bạn đọc yêu thích trong nhiều năm qua.

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - nhận định: đại đa số nhà văn đều là nhà báo và ngược lại, nhà báo có sách đến với bạn đọc đều là nhà văn. Những tên tuổi nhà văn - nhà báo xuất hiện trong lịch sử báo chí hay lịch sử văn học Việt Nam đã cho thấy điều này hoàn toàn đúng. Cuộc “điểm danh” những tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn hiện nay đều đang (hoặc đã từng) gắn với 2 vai trò là nhà văn, nhà báo: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Đình Tú, Lê Minh Quốc, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Xuân Thủy, Lê Đức Dương, Phong Điệp, Lữ Mai…

Cả 2 lĩnh vực văn chương và báo chí đều có sự cộng hưởng, bổ trợ lẫn nhau. Chia sẻ chung của nhiều nhà báo viết văn, những trải nghiệm từ nghề báo đã cho họ nhiều chất liệu quý cho văn chương. Ngược lại, sự rung cảm của một nhà văn cho người làm báo sự nhạy bén và cảm xúc sâu sắc trên trang viết.

Nhà báo Lại Văn Long (hiện công tác tại chuyên trang Công an TPHCM) nói anh có thể thực hiện bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa (6 tập) chính là nhờ những năm tháng lăn lộn, dấn thân vào thực tế của một nhà báo điều tra. “Nghề báo cho tôi cơ hội thâm nhập vào thực tế khốc liệt, tiếp cận những nhân vật lẫy lừng của thế giới ngầm, vào trại giam gặp tử tù, ra pháp trường ghi hình, đến những vùng xa xôi, biên giới hay ra nước ngoài thực hiện điều tra về tệ nạn, tội phạm… Đó đều là những chất liệu quý giá mà nếu không có trải nghiệm thật sẽ không thể hoàn thành Hồ sơ lửa” - nhà báo Lại Văn Long nói.

Nhà báo Bùi Phan Thảo (hiện công tác tại Báo Người Lao Động, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM) tâm tình, nghề báo cho người cầm bút nhiều vốn sống, có tư duy sắc sảo, phản biện, biết tôn trọng sự thật và chứng cứ; còn nghề văn đem lại sự nhân hậu và nhân văn. “Sự phân thân” và “sự nhập thân” là điều anh nhấn mạnh khi nói về vai trò của người cầm bút khi lựa chọn dấn bước vào chữ nghĩa với cả văn chương và báo chí. 

Báo chí với tính khách quan, chính xác, ghi chép hiện thực và tôn trọng sự thật. Còn văn chương bay bổng, lãng mạn cùng trí tưởng tượng và được thể hiện trên trang viết bằng cảm xúc, với nhiều chiều kích, hàm chứa những thông điệp và diễn ngôn khác nhau. Các tác phẩm của nhà báo viết văn đã cho thấy họ đã đứng ở vị trí cân bằng giữa 2 lĩnh vực văn và báo. Báo chí hay văn chương đều có giá trị phản ánh hiện thực và văn hóa của thời đại sống mà người cầm bút (gồm cả nhà báo viết văn hay nhà văn viết báo) cũng chính là những người đã và đang cùng nhau gánh vác “sứ mệnh” này. 

Nhiều tác phẩm mới được ra mắt

Tuần lễ Sách của người làm báo dành sự tôn vinh trân trọng cho các nhà báo, đồng thời cũng giới thiệu đến bạn đọc nhiều tác phẩm của người làm báo vừa được ra mắt trong dịp này. Nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú có tác phẩm Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng viết về những chuyện chưa kể xoay quanh tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc).

Trong khi đó, nhà báo Dương Thành Truyền có tác phẩm Bắt đầu bằng để lại (vừa tái bản) và nhà báo Hồ Huy Sơn ra mắt tập tạp văn Xin chào ngày nắng đẹp. Riêng nhà báo Nguyễn Khắc Cường có tác phẩm dành cho thiếu nhi Kho báu trong thành phố.

Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM giới thiệu tập tùy bút Thương những miền qua của tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu - cây bút quen thuộc của làng báo TPHCM. Tác giả Trần Đình Ba có công trình nghiên cứu Những con chữ ngoài trang sách về báo chí Quốc ngữ trước năm 1945. Tác phẩm cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý về nghệ thuật vẽ bìa trên báo xưa, cách chống sách giả trước năm 1945 hay nhuận bút trên báo từ 100 năm trước cùng nhiều câu chuyện thú vị về báo chí xưa…

Một trong những tác phẩm báo chí đặc biệt được phát hành trong dịp này còn có thể kể đến Cõi người dưng (Nomadland) của nữ nhà báo Mỹ Jessica Bruder (dịch giả Y Khương, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam). Đây cũng là cuốn sách dịch duy nhất được giới thiệu trong khuôn khổ Tuần lễ Sách của người làm báo. Cõi người dưng mang đến câu chuyện của một người làm báo ngoại quốc, sự đam mê, dấn thân, óc quan sát, tư duy phản biện, cách theo đuổi và thâm nhập, thu thập chất liệu…

Tác giả viết từ những chuyến đi thực tế khắp nước Mỹ và sống cùng với những du dân. Cõi người dưng phát hành lần đầu tại Mỹ vào năm 2017 và nhận được nhiều giải thưởng, đến nay đã được dịch ra 25 ngôn ngữ trên thế giới. Bộ phim Nomadland được trao giải Oscar năm 2021 là tác phẩm chuyển thể từ cuốn sách này. Cõi người dưng cho thấy giá trị, sức mạnh và tầm quan trọng của một tác phẩm báo chí với thể loại phi hư cấu, ghi chép hiện thực và trở thành tác phẩm có giá trị vượt biên giới.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI