Nợ ân tình

27/08/2013 - 11:27

PNO - PN - Người dân ở hẻm 102 Pasteur (Q.1, TP.HCM) đã quen với hình ảnh người đàn ông “một tay ôm đàn, một tay ôm nạng” đi về mỗi ngày. Ông là nghệ sĩ Đoàn Dự - người chơi đàn guitar điện bằng răng, được xác lập kỷ lục Guinness VN.

edf40wrjww2tblPage:Content

Giờ ông đã nổi tiếng, có đủ show để diễn liên tục, được nhiều người mến phục. Ít ai biết, thời thanh niên, một người bị liệt chân như ông đã nghĩ “đời mình vứt đi”, luôn sống trong mặc cảm, cho đến khi ông gặp vợ ông bây giờ (bà Lê Thị Thanh), cuộc đời ông như sang trang mới.

 No an tinh

Vợ luôn là khán giả đầu tiên 

Nhờ người dưng tổ chức đám cưới

Sinh ra trong một gia đình có đến chín anh chị em, năm sáu tuổi, Đoàn Dự bị sốt bại liệt, hai chân teo lại. Gia cảnh khó khăn, lại tật nguyền, tưởng chừng cậu bé Dự đã không được đến trường. Mãi đến năm 12 tuổi, cậu bé mới được cắp sách đi học với… đàn em. Dù được đi học, Đoàn Dự vẫn ngập trong mặc cảm, chỉ thui thủi một mình, gần như chẳng có bạn bè.

Trong thế giới “vỏ ốc” ấy, Đoàn Dự tìm đến âm nhạc như một người bạn thân thiết. Cậu bé tự tìm hiểu nhạc lý và luyện guitar. Chính cha mẹ của Đoàn Dự cũng không ngờ con trai mình có thể chơi đàn điêu luyện như vậy sau chỉ vài năm luyện tập. 16 tuổi, Đoàn Dự tự tin vác đàn đi kiếm cơm. Trước năm 1975, ông chủ yếu chơi nhạc ở rạp Quốc Thanh - một rạp hát khá danh tiếng, chỉ tuyển chọn những nhạc công có đẳng cấp.

Làm nhạc công không đủ tiền trang trải cuộc sống, Đoàn Dự đi dạy đàn. Trong những lần đến tiệm uốn tóc Huỳnh Hoa (một tiệm uốn tóc lớn ở Q.4, trước năm 1975) dạy đàn cho con của chủ tiệm, ông để ý đến một cô gái tên Thanh. Ông kể: “Thấy người ta xinh xắn, hiền lành thì để ý vậy thôi, chứ có dám mở lời đâu. Mà có mở lời, cũng sợ người ta từ chối một người tật nguyền như mình”. Bà Thanh cười: “Ổng được cái hiền. Cũng có nhiều mối theo tôi, nhưng tôi ưng ổng có lẽ vì ổng hiền. Tôi biết ổng mặc cảm, không dám nói ra, nên chủ động trò chuyện, tỏ ra thân tình hơn để tìm hiểu nhau”.

Qua được giai đoạn tìm hiểu, hai người lại đối diện với khó khăn to như quả núi: nhà gái phản đối kịch liệt. “Nếu cưới anh Dự, cả gia đình sẽ từ Thanh luôn” - là thông điệp cuối cùng của gia đình đưa ra với bà Thanh. Bà vẫn còn rưng rưng khi nhớ lại chuyện cũ: “Thời đó, tôi sợ cha mẹ buồn lòng lắm, khóc lên khóc xuống không biết bao nhiêu bận. Cuối cùng tôi cũng nghĩ thấu: nếu anh ấy là người lành lặn, mình có thể đành đoạn dứt áo ra đi, nhưng vì đôi chân của anh ấy yếu, nên càng thương”. Năm 1972, đám cưới diễn ra mà không có người nhà gái. Chủ tiệm uốn tóc Huỳnh Hoa là người tổ chức tiệc cưới. Nghệ sĩ Đoàn Dự chia sẻ: “Chuyện tụi tôi yêu nhau được nhiều người biết đến và cũng nhiều người ủng hộ. Trong tiệc cưới, nhiều người dưng “không mời mà đến” chúc mừng, rộn rã cả khu phố. Cuộc hôn nhân của chúng tôi lạ ở chỗ, người thân không ủng hộ nhưng người ngoài lại ủng hộ nhiệt tình”.

 No an tinh

Mỗi lần tập được một bài nhạc bằng răng, Đoàn Dự luôn biểu diễn cho vợ nghe đầu tiên để "thẩm định"

“Anh còn nợ em”

Bà theo ông về làm dâu. Ở đó, “đại gia đình sống trong căn nhà nhỏ”, cũng chính là căn nhà đang chờ hóa giá (102/2 Pasteur, Q.1) bây giờ. Ngày đất nước mới giải phóng, tụ điểm ca nhạc eo sèo hẳn, ông thất nghiệp. Khó khăn lắm ông mới xin được một chân làm văn công ở Đội Giao thông cầu đường TP. Bà Thanh lần lượt sinh hạ ba người con trai. Thu nhập của ông không đủ lo ngày ba bữa cơm cho nhà năm miệng ăn. Con cái còn nhỏ, bà Thanh cũng không thể đi làm thêm để cải thiện. Những bữa “đi vay nợ hết lượt mà không ra tiền mua gạo”, con ốm mà không dám đưa đi bệnh viện, bà mới thấm chuyện kết hôn với một người khuyết tật là khó khăn thế nào.

Đã thế, ông đi biểu diễn, lại có một số cô gái mê, rồi viết thư chia sẻ này nọ. Tính ông vô tư, đưa hết cho vợ đọc. Dù biết ông vô tư nhưng đọc những lá thư ấy bà cũng nặng lòng. Ông cũng vô tư kể chuyện đi chơi đàn ở nhà hàng, có mấy cô hâm mộ, “đón lõng” ngoài cửa, khiến ông không dám ra. Bà vẫn cắn răng nhịn. Bà cười khi nghe nhắc lại chuyện xưa: “Ổng chơi nhạc, phải để ổng thoải mái, vui vẻ mới chơi tốt được. Chuyện gì nhịn không nổi, tôi mới làm lớn, chứ còn nhịn được thì nhịn”.

Thấy việc chơi đàn bằng tay, dù chơi hay đến mấy thì người khuyết tật cũng không thể cạnh tranh được với người lành lặn, ông Dự tìm lối đi riêng. Năm 1974, trong một lần xem băng nhạc, thấy Jimmi Hendrix (nghệ sĩ nổi tiếng của châu Mỹ) chơi đàn bằng răng, ông thử tập luyện. Những lần đầu bặp răng vô guitar điện, ông bị giật tê cả hàm. Hết bị điện giật, miệng lại bật máu vì chưa quen với dây đàn. Thời điểm khó khăn đó, bà khéo léo động viên. Ông bộc bạch: “Thương bà xã ở chỗ, khó khăn đến mấy cũng không kêu ca, nhiều lúc tôi thấy nản với cuộc sống đầy thử thách, nếu không có vợ kề bên ủng hộ, chắc tôi không chịu nổi. Tôi nợ vợ tôi nhiều lắm”.

Khi ông tập chơi đàn bằng răng, bạn bè, đồng nghiệp chẳng dám tin ông làm được. Vậy mà ông thành công. Hình ảnh một nghệ sĩ chơi đàn guitar điện bằng răng quả là lạ lẫm với công chúng nên ông nhận được nhiều show, từng bước giúp gia đình vượt qua khó khăn. Không chỉ chơi nhạc, Đoàn Dự còn được nhiều người biết đến như một người thầy dạy chơi nhạc cụ có tiếng. Có thể kể đến hai học trò ruột nổi tiếng của ông là nghệ sĩ Khắc Triệu (chơi trống) và nghệ sĩ Khánh Dư (người chơi đàn sau lưng). Tận dụng không gian nhỏ trong nhà, ông còn mở một lớp dạy nhạc lý, thanh nhạc, chơi nhạc cụ cho thiếu nhi. Vì vậy, nhà ông luôn rộn rã tiếng đàn hát.

Giờ thì cuộc sống vợ chồng nghệ sĩ Đoàn Dự đã “dễ thở” hơn. Ba người con trai của ông đã trưởng thành, đều là nhạc công. Mỗi khi có show diễn, con trai lại chở ba đi, rất thuận tiện. Gia đình bên vợ cũng đã chuyển từ ghét bỏ sang yêu thương con rể. Bà dí dỏm: “Giờ, có người còn nói, tôi với ông Dự là hợp nhau nhất. Để có được ngày hôm nay, ngoài tình yêu ban đầu, còn phải có cái tình, cái nghĩa sâu đậm, như hai người bạn thân, thấu hiểu và nâng đỡ nhau”.

 Trần Triều

Kỳ tới: Vợ tôi vẫn đẹp...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI