edf40wrjww2tblPage:Content
Cuộc hôn nhân đầu thất bại. Khi hai đứa con đã 15-17 tuổi, bản thân có một cửa hàng điện, sắt lớn nhất nhì ngã tư huyện nhưng chị Đoàn Ngọc Nữ (42 tuổi) vẫn “đi bước nữa” để có người đàn ông nương tựa. Người chồng này chị không đăng ký kết hôn vì sợ “lỡ có gì” sẽ phải chia tài sản. Anh cũng “sứt tai gãy gọng” nên còn mong gì hơn khi được chị rước về làm ông chủ. Bốn mươi triệu anh thiếu nợ linh tinh chị vung tay trả cái rột. Rước anh về, chị mua liền chiếc xe bốn lăm triệu. Ba thứ nhẫn vàng, dây chuyền, điện thoại... giá chục triệu chẳng nhằm nhò gì khi chị quyết định sắm sửa cho tân lang. Chị bảo tại duyên nợ nên khi gặp anh nhân viên đãi tiệc cưới khá “cứng tuổi” nhưng ăn nói ngọt ngào là chị “chết chìm” ngay. Anh siêng năng, nhà chị trăm công ngàn việc, không việc gì anh nề hà. Hai đứa con chị, anh cưng đến nỗi phơi quần áo, dọn giường cho chúng luôn!
Hạnh phúc tưởng chừng đã đến với chị, nhưng sau đó một năm thì chồng không chịu làm ăn gì hết. Nhà trước giờ ngoài việc bán đồ điện, sắt còn nhận thi công đường điện, nước gia đình. Chị chỉ nhận hàng rồi phân công thợ đến làm. Từ khi có anh, chị giao anh “cầm đầu” đội quân thầy thợ này. Tiền vật tư mang về trả chị, tiền lời thì anh cất xài riêng. Tiền thợ chị trả theo tháng, nuôi cơm ngày ba bữa anh và nhóm thợ này. Vậy mà anh “đổ nợ” đến gần trăm triệu! Là do cá độ mà ra. Thứ gì anh cũng cá được, cứ trên ti vi chiếu chương trình gì thì dưới này anh cá. Bóng đá, bóng chuyền, quyền anh, trượt tuyết, lướt sóng... đến mưa nắng hàng ngày anh cũng cá tuốt!
“Độ” nhỏ với anh em thầy thợ thì chung cà phê thuốc lá, “độ” lớn với người khác thì chung bạc triệu, chục triệu. Thi thoảng anh cũng thắng, tiền đủ mua chiếc nhẫn vàng tây bé xíu mặt hình đôi trái tim lồng vào nhau mang về tặng vợ. Chị vui nên bỏ qua, ngó lơ... Tới ngày đổ nợ mới gom tiền trả để chồng không “mất uy tín”.
Lần hai anh nợ cả trăm triệu. Con nợ tới vây kín nhà. Chị quyết không trả. Anh năn nỉ tình chồng nghĩa vợ, rằng không thương anh cũng còn nghĩ tới công anh dìu dắt nhóm thợ cả năm nay, đem về biết bao nhiêu đơn hàng cho em. Chị nhất quyết không, rồi dịu giọng, em trả cũng được, nhưng anh phải “góp” lại cho em. Từ bây giờ anh làm không được lấy tiền lời tự tiêu xài nữa, phải để em giữ hết, tới tháng em tính lương anh như bao nhiêu người thợ khác. Trừ đến khi nào hết số nợ này thì thôi. Anh đùng đùng hét lên là chị sỉ nhục anh, anh là chồng chứ không phải là... thằng ở đợ!
Chị Nữ (nón lá) bà chủ cửa hàng điện sắt nhưng hàng ngày vẫn đi bán nấm tràm kiếm thêm
Anh “biến” khỏi nhà chị sau khi mang theo chiếc xe ngày nào chị sắm và mớ tư trang của “tân lang”.
Nấm tràm vào mùa, hàng ngày biết bao nhiêu xe đi ngang nhà chị, giá rẻ hơn ở chợ. Chị chịu nắng nôi một chút mà kiếm ngày hai, ba trăm ngàn để trả dần khoản nợ anh để lại.
2. Hương 39 tuổi, công việc ổn định, có nhà riêng, kinh tế không phụ thuộc. Khi quyết định lấy người đàn ông đã qua hai đời vợ, bạn bè can rất nhiều nhưng Hương bảo: “Quan trọng là kiếm đứa con dưỡng già. Hợp thì sống tiếp, không thì thôi. Kinh tế mình ổn định thì sợ gì không nuôi được con nếu có chuyện gì”.
Ai ngờ “cầu được ước thấy”.
Trình - chồng Hương vốn là một anh hàng xóm, hai đời vợ ra đi để lại hai đứa con cho Trình nuôi. Lương thợ phụ ở một tiệm sửa xe gắn máy hàng tháng mang về góp với cha mẹ, chật vật lắm Trình mới nuôi đủ ba cha con. Cưới nhau xong, Trình đưa con về nhà Hương sống. Hương bỏ vốn mở cho chồng tiệm sửa xe, có đến hai-ba thợ phụ, vài người học việc. Mọi chi tiêu hàng ngày đã có vợ “bao trọn gói”, thu nhập từ tiệm sửa xe ngoài trả lương thợ, mua thêm phụ tùng thì Trình cứ giữ mà cà phê thuốc lá. Cuộc đời tưởng như không gì hạnh phúc hơn khi Hương có thai. Thai hành khiến cô phải nằm viện nhiều hơn nằm nhà. Hương xin nghỉ không ăn lương để theo sát những cuộc xét nghiệm, siêu âm, sàng lọc sơ sinh... Hương quý đứa con trong bụng hơn vàng. Cơm nước cho chồng hồi nào Hương còn nấu, nay anh tự lo. Chuyện vợ chồng đã “cấm vận” từ khi cấn bầu vì “phải ưu tiên em bé”.
Thai bốn tháng, trong một lần chờ thăm khám, Hương nhận được cuộc gọi “bí mật” từ một người phụ việc: anh ấy dẫn “bồ” về nhà. Hương không tin, người ấy bảo, không phải đây là lần đầu, nhưng anh ấy cấm tụi em nói, đứa nào cho chị biết, anh sẽ đuổi việc. Em không im lặng mãi được. Chị không tin, cứ về mà xem. Cô ta ở đây tới chiều để nấu nướng cơm nước nữa đấy!
Hương vượt năm mươi cây số trở về. Chồng Hương và cô gái kia đang ngon giấc trưa trên chiếc giường trong phòng ngủ. Hương hét lên, cô gái kia bỏ chạy quên cả túi xách, giày dép. Chồng Hương không phải tay vừa. Anh ta mắng Hương là người dối trá, giả bộ đi khám thai để bất ngờ trở về kiểm tra chồng. Loại đàn bà “không biết làm vợ”, chẳng chịu nấu ăn mà còn “cấm vận” chồng như thế thật không đáng làm vợ anh ta. Hương lẳng lặng mang những vật dụng của cô gái kia sang trình cha mẹ chồng.
Ông bà giả lả, “thằng Trình nó không xấu như con nghĩ đâu. Nếu nó lỡ dại thì con cũng ráng tha thứ cho vợ chồng có nhau, con cái có cha mẹ chứ có ai đạp chân xuống bùn rồi chặt chân hả con?”. Riêng Trình nói thẳng với cha mẹ hai bên rằng, anh ta phải “chơi cho biết mùi đời” chứ tuổi trẻ có mấy hồi, lại bị vợ “cấm vận” liên tục thì... uổng đời trai lắm! Hương... nghẹn. Ba cha con Trình bị “mời” ra khỏi nhà với ba lô con cóc như ngày mới tới. Tiệm sửa xe bây giờ do Hương làm bà chủ dù không biết tí chuyên môn.
Vợ chồng chia tay khi cái thai trong bụng Hương được năm tháng, giờ đứa nhỏ đã giáp thôi nôi. Hương bảo, chắc là ông trời thương mình nên con gái không có nét nào giống cha. Con sinh ra èo uột nên hết thời gian hậu sản, Hương xin nghỉ luôn để ở nhà chăm sóc con.
Bây giờ, khoản trợ cấp thất nghiệp như gió vào nhà trống. Tiệm sửa xe ngày lai rai khách, cạnh tranh nhiều mà lương thầy thợ thì luôn cố định. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm đã vơi dần nhưng Hương vẫn không buồn bằng hàng ngày thấy người chồng bạc bẽo ấy lượn lờ chở hết áo vàng đến áo đỏ qua ngõ như “trêu gan” Hương...
THÙY PHƯƠNG