Tờ giấy cũ ố vàng trông lạc lõng khi được kẹp vào một quyển sách tại thư viện thuộc Học viện Mỹ thuật Zagreb (thủ đô Zagreb, Croatia). Vẻ ngoài kỳ lạ của nó khiến một sinh viên khoa lịch sử mỹ thuật chú ý. Khoảnh khắc vô tình tìm thấy mảnh giấy, nữ sinh, nghệ sĩ mỹ thuật Oko quyết định nhìn kỹ hơn.
Từng dòng mô tả bằng chữ Kirin (hệ thống chữ viết phổ biến ở lục địa Á - Âu, có nguồn gốc từ chữ tượng hình Ai Cập) được viết ngay ngắn, kèm theo các hình ảnh trang trí đơn giản, uốn lượn.
Mô típ quen thuộc là mặt trời, thánh giá và trăng lưỡi liềm hiện diện trên cánh tay, bàn tay và ngón tay. Lúc bấy giờ, Oko còn chưa nhận ra trang giấy cũ kỹ ấy góp phần thuật lại nguồn gốc một biểu tượng văn hóa đang thoi thóp, dẫu đã có thời nó là niềm tự hào của tổ tiên cô.
|
Họa tiết sicanje là chủ đề trung tâm trong sự kiện triển lãm của nghệ nhân xăm truyền thống Luka Tomic - Nguồn ảnh: Atlas Obscura |
Sự bảo hộ và tự hào nguồn cội
Trong một chuỗi giai đoạn lịch sử kéo dài hàng ngàn năm, phụ nữ ở khu vực ngày nay thuộc Croatia, Bosnia và Herzegovina thực hành một phong tục có tên sicanje (châm/xăm hình) đối với con gái họ.
Sử dụng loại kim châm nhỏ đặc trưng cùng hỗn hợp gồm bồ hóng, nước, mật ong và sữa mẹ làm “mực xăm” vĩnh cửu, người thợ xăm sicanje tạo thành nhiều hoa văn thoạt trông bình dị nhưng ẩn chứa những thông điệp sâu sắc.
Nữ văn sĩ, nhà nhân chủng học người Anh Edith Durham đề cập trong một tài liệu viết vào đầu thế kỷ XX rằng sicanje “rất có thể đã được truyền lại từ đời này sang đời khác, qua nhiều thế hệ phụ nữ suốt gần 4.000 năm”. Thế nhưng, đến sau thập niên 1950, vì nhiều nguyên do, truyền thống này hầu như biến mất.
Như lời Oko, giới sử học không thể xác định rõ tục xăm hình khởi đầu chính xác vào thời điểm nào. Một số biểu tượng trên cơ thể xuất hiện sớm nhất ở các bộ lạc thời đồ đồng, nhằm mục đích tôn giáo hoặc phản ánh địa vị xã hội.
“Đáng tiếc tư liệu cổ xưa nhất chúng tôi tìm được liên quan đến sicanje lại đến từ quân đội Hy Lạp. Trong sách cổ, họ nhắc tới những bộ tộc đối thủ từng sống tại đông nam châu Âu với hình xăm là đặc điểm nhận diện nổi bật” - nữ sử gia Marija Maracic cho biết.
Quê quán ở Bosnia, cô đang theo đuổi một dự án nghiên cứu quy mô về lịch sử sicanje tại Đại học công lập Cleveland (bang Ohio, Mỹ).
|
Đôi tay của một phụ nữ trẻ cạnh tay 2 cụ bà người Bosnia. Cả ba đều được tô điểm bởi sicanje - Nguồn ảnh: Balkan Diskurs |
Thời xa xưa, một thiết kế hình xăm nổi tiếng là vòng tròn kolo - biểu thị tình đoàn kết, gắn bó giữa gia đình và cộng đồng. Tên gọi kolo còn dùng để ám chỉ một điệu vũ truyền thống sôi nổi, tươi vui được người vùng Balkan trình diễn tại đám cưới, lễ hội, buổi họp mặt. Các họa tiết khác có thể là ký hiệu đại diện cho một ngôi làng hoặc bộ tộc cụ thể.
Khoảng thế kỷ IX, thời kỳ Thiên chúa giáo du nhập vào khu vực Balkan, tục xăm mình của người dân bản địa bắt đầu chịu ảnh hưởng tôn giáo rõ nét. Những người mẹ cũng hình thành thói quen cử hành nghi thức sicanje cho con gái họ vào lễ Thánh Joseph, ngày lễ đánh dấu sự trở lại của mùa xuân.
Đến thế kỷ XV, sicanje mang một tầng ý nghĩa kịch tính hơn - bảo bọc và đấu tranh. Dưới sự cai trị tàn bạo của đế chế Ottoman, rất nhiều gia đình Balkan lâm vào cảnh ly tán vì devshirme, hay “thuế máu”. Các bé trai, nhỏ nhất khoảng 8 tuổi, bị cưỡng chế đưa đến thủ phủ Istanbul theo một hệ thống tuyển dụng ngoại binh tinh nhuệ để phục vụ hoàng đế.
Hầu hết “nô lệ” devshirme được giáo dục - huấn luyện bài bản, giữ chức vụ cao trong quân đội và nhà nước Ottoman. Thế nhưng, gần như suốt đời, họ không thể trở về bên gia đình.
Nhằm bảo vệ các con, phụ nữ Balkan âm thầm vẽ một số họa tiết nhận dạng riêng biệt trên cơ thể đứa trẻ từ khi chúng còn nhỏ.
Biểu tượng sicanje, lúc này, đóng vai trò như một “dấu ấn gia truyền”. Nếu người con xa nhà có ngày quay lại quê hương, hình xăm sẽ giúp họ nhận ra mình thuộc về thôn làng nào bất kể đã bao năm tháng trôi qua.
|
Sách ảnh ghi lại các biểu tượng sicanje nổi tiếng, tại sự kiện giới thiệu và trình diễn nghệ thuật xăm truyền thống +SICANJE+ của nghệ nhân Luca Tomic diễn ra tháng 4/2022 - Nguồn ảnh: Jutarnji List |
Lặng lẽ hồi sinh một di sản
Những thông điệp đong đầy giá trị nhân văn về tình mẫu tử lẫn tình yêu thương gia đình - nguồn cội ở sicanje dần “phai nhạt” từ giữa thế kỷ XX.
“Tiến trình hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra ồ ạt cũng như nhiều trào lưu xem trọng sự đổi mới đã khiến các phong tục cũ, dù ý nghĩa, trở nên không còn hợp thời.
Thế hệ phụ nữ Balkan trưởng thành sau thập niên 1960 bắt đầu giấu đi biểu tượng sicanje trên tay. Con gái, cháu gái họ thì từ chối tiếp nối tục lệ này. Đến mức giờ đây, bạn chỉ có thể thỉnh thoảng bắt gặp hình xăm cổ điển trên đôi tay đã in hằn dấu vết thời gian của những cụ bà ở một ngôi làng xa xôi nào đó” - Maracic nói.
Bà Marta Sarcevic - sống tại làng Sarci, thuộc thị trấn Prozor-Rama, miền trung Liên bang Bosnia và Herzegovina - nhớ lại nghi thức vẽ sicanje từng trải qua vào những năm 1950:
“Khi chúng tôi còn nhỏ, các bà, các dì trong gia đình hoặc người cùng làng thường thực hiện tục lệ xăm mình cho lứa con cháu. Ngày xưa, chúng tôi thể hiện tình đoàn kết và sự trân trọng đối với quê hương, tổ tiên theo cách này”.
Không muốn một truyền thống tốt đẹp chỉ còn tồn tại như ký ức, một số sử gia và nghệ sĩ đương đại đang nỗ lực hồi sinh sicanje. Maracic tin rằng tư duy đã đổi khác về truyền thống xăm mình của nhiều quốc gia sẽ thúc đẩy công chúng lần nữa đón nhận các phong tục vốn giàu tính kế thừa như sicanje.
|
Oko tìm thấy cảm hứng nghệ thuật dồi dào từ sicanje và muốn mang phong tục này đến gần hơn với công chúng đương đại - Nguồn ảnh: Atlas Obscura |
Mảnh giấy cũ kỹ ẩn chứa một câu chuyện ngàn năm tuổi ở thư viện trường đại học đã khơi gợi cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ trong Oko. Không chỉ họa lại chúng trên tay, Oko còn đưa sicanje vào nghệ thuật đường phố. “Quanh Zagreb, tôi thử phối hợp sicanje vào phong cách tranh tường graffiti. Hiệu ứng thị giác chúng đem lại hết sức cuốn hút” - cô cho biết.
Luka Tomic - nghệ nhân xăm gốc Bosnia - thành công không kém khi xây dựng loạt chương trình trình diễn nghệ thuật xăm truyền thống lấy sicanje là chủ đề chính. “Tôi muốn vinh danh một di sản tinh thần đáng quý của cộng đồng chúng tôi” - Tomic nói.
Maracic, người đã được nuôi lớn bởi đôi tay nhân hậu, điểm xuyết bằng các biểu tượng sicanje của bà và mẹ cô, càng quyết tâm gìn giữ truyền thống này.
Thế hệ trẻ không chỉ đang cố gắng bảo tồn một nét đẹp truyền thống mà còn khuyến khích mọi người hiểu và lan tỏa rộng hơn những thông điệp thú vị của sicanje. Maracic bày tỏ:
“Báu vật thật sự không nằm ở hình xăm mà là con người và câu chuyện chúng đại diện. Tôi thấy hạnh phúc khi biết rằng sicanje là một biểu tượng quan trọng đã gắn bó cùng đời sống phụ nữ Balkan qua bao thăng trầm lịch sử”.
Như Ý (theo Atlas Obscura)