|
Boston Light, hoạt động từ năm 1716 - là ngọn hải đăng đầu tiên ở Mỹ. Snowman - người cuối cùng trông giữ nó, cũng là người giữ hải đăng cuối cùng tại Mỹ - Nguồn ảnh: New Yorker |
Lên tới tầng trên cùng của tòa tháp màu trắng cao hơn 27m, xuyên qua dãy cửa sổ với hướng nhìn bao quát tuyệt đẹp, bạn có thể thoải mái phóng tầm mắt ngắm phong cảnh Bắc Đại Tây Dương. Sally Snowman - người phụ nữ gốc New England lớn lên trong một gia đình nhiều đời hành nghề thủy thủ - đã nghiêm túc làm nhiệm vụ bảo trì kiến trúc đặc biệt này suốt 2 thập niên.
“Tôi tự hỏi, lênh đênh trên một con thuyền buồm thô sơ, chật chội với khao khát lớn nhất là được đặt chân đến Tân Thế Giới, với những người dân nghèo di cư vào thế kỷ XVII-XVIII là trải nghiệm thế nào? Ngoài phản ứng say sóng dữ dội, nhiều hành khách trên tàu thường xuyên bị hành hạ bởi lũ chuột, chấy rận, những cơn sốt cao, bệnh kiết lỵ do điều kiện vệ sinh quá kém.
Trong quyển sách tôi từng đọc, một người di dân viết vào nhật ký: “Lúc trời nổi dông bão, mọi người cầu nguyện, than khóc đến thê lương”... Giữa chuyến hành trình kinh khủng ấy, tôi tưởng tượng họ đã nghĩ gì khi cuối cùng có thể trông thấy ánh sáng ngọn hải đăng nơi bến cảng” - Snowman chia sẻ.
“Tôi chờ ánh sáng hải đăng”
Khi trở thành người trông coi ngọn hải đăng Boston Light năm 2003, Snowman chỉ hy vọng gắn bó với công việc này 2 năm. Thời điểm chính thức nghỉ hưu vào ngày 31/12/2023 vừa qua, bà đã làm việc trông giữ đèn biển tròn 20 năm.
Snowman (nay 72 tuổi) là người trông coi hải đăng cuối cùng còn lại trên lãnh thổ nước Mỹ. Ngày Snowman về hưu đánh dấu đoạn kết cho chặng đường lịch sử dài 307 năm của nghề truyền thống này ở Boston Light - ngọn hải đăng đầu tiên cũng là một trong những công trình kiến trúc ven biển nổi tiếng nhất nước Mỹ, được xây năm 1716 trên đảo Little Brewster (bang Massachusetts).
10 tuổi, lần đầu đến tham quan Boston Light, Snowman đã yêu nơi này từ cái nhìn đầu tiên. “Tôi muốn dốc hết sức trông coi nó, cũng muốn kết hôn bên trong ngọn hải đăng” - bà hồi tưởng.
Snowman may mắn hoàn thành cả hai nguyện vọng trên. Giờ đây, trải qua 20 năm làm nghề và lâu hơn thế nữa dưới tư cách tình nguyện viên chăm sóc Boston Light, bà đã sẵn sàng lùi bước. Cùng lúc, người phụ nữ tận tụy với biển cũng giúp khép lại một thời quá khứ đầy thăng trầm và ý nghĩa của nghề giữ hải đăng.
Công việc vô cùng đặc thù này lại khởi đầu từ một bi kịch. Năm 1718, người đầu tiên nhận trách nhiệm trông coi Boston Light - một thuyền trưởng tên George Worthylake - lái thuyền đưa vợ và con gái đến thành phố. Ngày quay về, ông neo thuyền ngoài khơi xa, dùng một con thuyền nhỏ hơn để chèo vào bờ. Thế nhưng một sự cố bất ngờ khiến thuyền chìm, cả gia đình đều qua đời do đuối nước. Người giữ hải đăng kế tiếp, giàu kinh nghiệm đi biển không kém, cũng chết đuối chỉ sau 2 tuần thay thế vị trí Worthylake.
|
Sally Snowman mặc trang phục truyền thống, tại Hull Lifesaving Museum - bảo tàng lịch sử về ngành hàng hải, tọa lạc trong thị trấn Hull nơi bà đang sống - Nguồn ảnh: CSMonitor |
Cả khi không gặp phải chuyện bất trắc, trông giữ hải đăng vẫn là một nghề khắc nghiệt: 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc; lương thấp; những nhiệm vụ bảo trì yêu cầu tính cần mẫn, khéo léo lẫn sức mạnh thể chất.
“Bộ phận đèn chiếu sáng đòi hỏi kỹ năng lau chùi, bảo dưỡng rất tỉ mỉ. Thuở xưa, các ngọn đèn kiểu cổ của Boston Light cần được tra mỡ cá voi để bảo vệ. Riêng bấc đèn phải được kiểm tra, tỉa lại liên tục để tránh bắt lửa gây cháy. Khi vừa được thành lập, Ủy ban Hải đăng (tồn tại từ năm 1852-1910, về sau sáp nhập vào lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ) đã đưa ra một bảng quy định chi tiết và nghiêm khắc, buộc các nhân viên trông coi hải đăng phải tuân thủ” - Snowman giải thích.
Dù luôn cố gắng làm việc cẩn trọng, đôi khi những người giữ đèn cũng không thể lường được tình huống hỏa hoạn đột ngột hay một cơn bão biển đáng sợ hơn hình dung ban đầu. “Nếu trông thấy một con thuyền gặp sự cố giữa bão, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn tâm thế lao ra cứu người. Không chỉ cố kéo họ về cảng bình an nhanh nhất có thể, chúng tôi còn phải giữ an toàn cho chính mình” - Snowman nói.
Nước Mỹ hiện có khoảng 850 ngọn hải đăng. Chỉ khoảng một nửa trong số này còn hoạt động. Ngày nay, chúng đã được tự động hóa toàn bộ. Khả năng giám sát từ xa vượt trội của máy móc lẫn sản phẩm định vị tân tiến như G.P.S cho tàu thuyền khiến nghề giữ hải đăng không còn chỗ đứng.
Tuy đổi mới là điều bất khả kháng, hình ảnh truyền thống của hải đăng và những người trông coi chúng vẫn rất được giới thủy thủ quý trọng. Brian Fournier - thuyền trưởng một tàu chở dầu - bày tỏ: “Boston Light là một phần ký ức tuổi trẻ của tôi”. Tương tự các chuyên gia điều hành tàu thủy hiện đại, Fournier sử dụng G.P.S để làm việc thuận lợi trên biển.
Thế nhưng, anh vẫn giữ thói quen tìm kiếm “ngọn đèn chỉ đường” cổ điển ấy. “Mỗi lúc có mưa dông, sương giăng khiến tầm nhìn hạn chế, gần như theo bản năng, ánh mắt tôi trông ra xa. Lần nữa, tôi chờ được thấy nó, ánh sáng ngọn hải đăng” - Fournier chia sẻ.
“Linh hồn” của những ngọn đèn biển
|
Hải đăng Boston Light, phía xa là “láng giềng” Graves Light Station lúc bình minh - Nguồn ảnh: Slow Life Chronicles |
Dù công việc của mình không còn được xem trọng, Snowman tin rằng gìn giữ giá trị văn hóa - lịch sử ở những ngọn hải đăng là mục tiêu cấp thiết. Bà nhấn mạnh: “Vận hành thiết bị dẫn đường, cứu nạn trên biển (như đèn chiếu sáng, còi báo hiệu) trong hải đăng là nhiệm vụ của cảnh sát biển. Chúng tôi cần sự tham gia giúp đỡ của một số đơn vị, cá nhân khác nhằm tu sửa, bảo trì các công trình đặc biệt này”.
Snowman là một trong những cá nhân hiếm hoi không chỉ hết lòng với hoạt động trông giữ hải đăng mà còn hăng hái hỗ trợ tuyên truyền lịch sử hàng hải địa phương cũng như lịch sử những ngọn hải đăng tại Bắc Mỹ.
Cũng nằm trong khu vực cảng Boston, tọa lạc trên hòn đảo nhỏ tương đối cách biệt, hải đăng Graves Light Station từng bị bỏ hoang nhiều năm liền trước khi được Dave Waller - một thương nhân có tình yêu biển cả sâu sắc - mua lại và “hồi sinh”. Ông có chung khao khát như Snowman: đấu tranh để ánh sáng hải đăng không lặng lẽ “tắt lịm”.
|
Dave Waller chèo thuyền đến Graves Light Station để tiến hành kiểm tra và tu sửa. Suốt 10 năm qua, ông đã kiên trì làm công việc này - Nguồn ảnh: CSMonitor |
“Trong nhiều năm nghiên cứu, trùng tu hải đăng, có một kỷ niệm liên quan đến Graves Light Station làm tôi nhớ mãi. Qua đường bưu điện, ai đó gửi cho chúng tôi một bàn cờ đam cổ được tạo tác thủ công. Thứ này thuộc về một trong những người trông coi Graves Light Station, nay đã qua đời. Tôi còn tìm thấy không ít sự kiện ấn tượng về “người giữ đèn” và hải đăng được tiết lộ qua nhật ký, ghi chép hải trình của tàu thuyền: những vụ tai nạn hi hữu hay kỳ quặc, những mảnh đời họ từng cứu giúp khỏi bão biển trong hòa bình lẫn lúc chiến tranh…” - ” - Waller kể.
Thời quá khứ, tạo nên “linh hồn” cho ngọn đèn biển là con người. Thời nay, có những người tận tâm đang tiếp tục gìn giữ “phần hồn” bên trong hải đăng. Thế hệ của Waller và Snowman không chỉ cống hiến sức mình vì lịch sử hải đăng mà còn đặt kỳ vọng vào tương lai, khi hải đăng được hiện đại hóa để bắt kịp tiến trình phát triển xã hội hoặc được tích cực tôn tạo, bảo vệ như các danh thắng quan trọng.
Không còn làm việc tại hải đăng, Snowman cùng gia đình luôn sống gần đó, trong một thị trấn nhỏ yên bình. Người phụ nữ dễ mến bày tỏ: “Tôi đang tham gia một số công việc tình nguyện như hướng dẫn du lịch ở Boston Light. Nếu đến đây, biết đâu ngày nào đó bạn sẽ trông thấy tôi đội chiếc mũ hướng dẫn viên hòa vào dòng người và tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về kiến trúc kỳ diệu này”.
Như Ý