Níu giữ vàng son - Bài 1: Những "tháp mì" xuôi ngược phố phường

25/02/2024 - 06:12

PNO - Trên chiếc xe thô sơ mỏng manh, hàng chục bát mì chất chồng thành “tòa tháp” cao nghệu được những người đàn ông dáng dấp phong trần cố định chỉ với một tay.

Mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa đều chứa đựng vô vàn biểu tượng, phong tục hay nét đẹp truyền thống. Một số hữu hình, trực quan như một tượng đài lịch sử lừng danh. Một số đơn giản và phổ biến như cái bắt tay chào hỏi thân thiện. Một số thiên biến vạn hóa như hệ thống ngôn ngữ, chữ viết. Số khác lại là các chủ thể phi vật thể gần gũi, gợi nhắc đến vẻ đẹp - sức hút của một vùng đất.  

Thế nhưng, giữa kỷ nguyên công nghệ tân tiến, khi thế giới đang tiếp tục bị chi phối bởi tình trạng đô thị hóa, xu thế đổi mới nơi xã hội hiện đại có thể khiến con người dần đánh mất hàng loạt biểu tượng truyền thống đáng quý. Không ít di sản đành lặng lẽ lụi tàn hoặc biến đổi…

Trên chiếc xe thô sơ mỏng manh, hàng chục bát mì chất chồng thành “tòa tháp” cao nghệu được những người đàn ông dáng dấp phong trần cố định chỉ với một tay. Họ vận chuyển chúng nhanh nhẹn, khéo léo như diễn viên xiếc để nhiều thực khách kịp có bữa ăn nóng hổi. Nay dù đã trở thành ký ức, hình ảnh đầy ấn tượng của những người giao mì bằng xe đạp ở Nhật Bản vẫn gợi lên một nỗi hoài niệm “rất đời”.

Vào thời Edo, giai đoạn chính quyền Mạc phủ Tokugawa thống trị nước Nhật (1603-1868), Edo - thủ đô và ngày nay là “thành phố quốc tế” Tokyo - được xem như một trong những đô thị đông dân bậc nhất thế giới.

Khi tiến trình công nghiệp hóa bắt đầu diễn ra ồ ạt khắp Nhật Bản, ngành thực phẩm cũng phải nỗ lực thích ứng. Demae (người giao hàng) dần xuất hiện phổ biến quanh những con đường lớn nhỏ ở Edo từ thế kỷ XVIII. Mỗi ngày, họ tất tả gồng gánh trên vai hàng tá phần thức ăn được xếp chồng lên nhau, chuyển đến tay vô số người lao động nghèo tại các khu nhà, chợ, công trường xây dựng.  

Bươn chải giữa phố lớn ngõ nhỏ

“Đôi khi do công việc, nhiều nhóm công nhân phải đi bộ rất xa khỏi nơi ở. Họ không có thời gian quay về nhà ăn trưa. Vì lẽ đó, các cửa hàng, dịch vụ ăn uống bình dân bắt đầu nở rộ để phục vụ người lao động” - Nick Kapur - phó giáo sư chuyên ngành lịch sử Nhật Bản và Đông Á (đại học Rutgers, bang New Jersey, Mỹ) - nhận xét.

Một demae trên đường giao hàng tại khu phố thương mại Marunouchi, trung tâm Tokyo - Nguồn ảnh: Getty Images
Một demae trên đường giao hàng tại khu phố thương mại Marunouchi, trung tâm Tokyo - Nguồn ảnh: Getty Images

Món ngon rẻ tiền, đủ chất như mì soba, udon rất được giai cấp lao động yêu thích. Demae, thường được các chủ cửa hàng thuê, là những người đàn ông khỏe mạnh, tháo vát, đủ khả năng giao hàng chục bát mì cùng lúc. “Trước khi xe đạp phổ biến ở Nhật, bạn có thể nhìn thấy demae bước đi thoăn thoắt qua lại khắp nơi trên đường phố. Trên vai họ là một đòn gánh treo đầy các giỏ hàng và khay thức ăn. Công việc này đòi hỏi đôi chân nhanh và khỏe. Lúc quán ăn bận rộn, có khi họ phải rong ruổi hàng giờ ngoài trời bất kể nắng mưa, tranh thủ từng phút để mang thức ăn đến tận tay khách hàng trong khi chúng vẫn còn nóng” - Kapur - tác giả cuốn sách nghiên cứu quy mô Japan at the crossroads (Nhật Bản ở ngã tư đường), chia sẻ. 

Sau thập niên 1870, khi người dân Nhật bắt đầu làm quen và ưa chuộng xe đạp, văn hóa giao hàng của các demae được tái định hình. Thời ấy, phố xá Tokyo đang mạnh mẽ thay da đổi thịt. Hàng loạt khu nhà mới, trường học, văn phòng, công trình công cộng mọc lên đồng nghĩa sự tồn tại của demae càng cần thiết. “Đời sống càng nhộn nhịp, nghề giao hàng càng phải bắt kịp nhu cầu ăn nhanh và tiện của con người. Nếu muốn bát mì vẫn giữ được độ nóng, thơm ngon khi đến tay thực khách dù ở xa hay gần, tốc độ là điều vô cùng quan trọng. Rất nhiều trường hợp, một demae nhận đơn giao bữa trưa cho cả công ty với hàng chục nhân công. Khi ấy, họ phải vận chuyển 20, thậm chí 30 bát mì cùng lúc” - sử gia Kapur cho hay.

Kỹ năng giữ thăng bằng hàng hóa và điều khiển xe điêu luyện của demae có thể sánh ngang các nghệ sĩ nhào lộn. Đến tận những năm 1950, người ta dễ dàng bắt gặp khắp Tokyo hình ảnh những người đàn ông mặc đồng phục lao động bình tĩnh mà không kém phần nhanh nhẹn luồn lách qua từng con đường, làn xe trong khi giữ trên vai cả “tòa tháp” mì cao lêu nghêu. Demae thong dong điều khiển xe bằng một tay, miệng đôi khi ngậm hờ điếu thuốc. Họ dường như không hề bị ảnh hưởng bởi trọng lực hay cảnh xe cộ đông đúc.  

Từ Honda "siêu Cub" đến mì ăn liền     

Thế nhưng, cũng vào giai đoạn giữa thế kỷ XX, một bước tiến mới trong tiến trình công nghiệp hóa dần đe dọa hình ảnh cổ điển của demae. 

Khi ngày càng nhiều người Nhật từ tầng lớp trung lưu trở lên di chuyển bằng ô tô, mô tô, Tokyo không còn thân thiện với người đi xe đạp, đặc biệt là những demae chất trên vai hàng tá bát đũa chông chênh. Kapur nói: “Từ thập niên 1950, việc tai nạn giao thông liên quan đến demae xảy ra nhiều hơn bắt đầu khiến công chúng lo ngại”.  

Một thanh niên đang giao mì trên đường Meguro, Tokyo - Nguồn ảnh: Getty Images
Một thanh niên đang giao mì trên đường Meguro, Tokyo - Nguồn ảnh: Getty Images

Năm 1961, giới chức trách thành phố Tokyo cố gắng can thiệp ở một mức độ nhất định. Chính quyền địa phương chính thức ban lệnh cấm sử dụng xe đạp giao hàng. “Vừa điều khiển xe đạp vừa mang bên người hàng đống bát đũa, thức ăn rất nguy hiểm. Từ quan điểm an toàn giao thông, hành động này buộc phải bị cấm…” - đại diện phát ngôn Phòng quản lý giao thông thuộc Sở Cảnh sát thủ đô trả lời trong một bài phóng sự của hãng thông tấn Reuters vào năm 1961.

Giữa lúc các demae chật vật “lách luật” để mưu sinh, hãng Honda tập trung mọi nguồn lực cho dự án sản xuất Super Cub - mẫu xe máy động cơ 50 phân khối nhỏ gọn có thể len lỏi nhẹ nhàng qua cả những cung đường tắc nghẽn. Chiếc “Siêu Cub” huyền thoại bấy giờ đã ra mắt được 3 năm. Tuy nhiên, nó chỉ thật sự đem đến thành công vang dội cho Honda nhờ một chiến dịch quảng cáo nhắm đến những người giao mì.  

Tsugio Ogata - chuyên gia thiết kế đồ họa từng tham gia vẽ quảng cáo cho Super Cub - hồi tưởng: “Ngay trước khi chúng tôi tung ra thiết kế hoàn chỉnh, ngài Honda (Honda Soichiro - “cha đẻ” hãng Honda) nảy ra ý tưởng. Ông ấy nói: “Đây sẽ là mẫu xe một người giao soba có thể lái bằng một tay trong khi giữ thăng bằng các bát mì trên vai”.

Chỉ sau một đêm, mẩu quảng cáo đã giúp Honda nhận được hơn 4.000 đơn đặt hàng từ nhiều tiệm mì và nhà hàng. 60 năm sau, Super Cub vẫn là một trong những mẫu xe máy bán chạy nhất mọi thời đại. 

Mùa xuân năm 1968, thương hiệu bình dân Demae Ramen của hãng Nissin vừa xuất hiện đã nhanh chóng tạo dấn ấn khó quên với 300 triệu cốc mì ăn liền bán ra chỉ sau năm đầu tiên. Không chỉ có hương vị thơm ngon đậm chất truyền thống, Demae Ramen còn nổi tiếng nhờ một “linh vật” đặc biệt: cậu bé giao hàng (Demae Boy). Nhân vật hoạt hình nở nụ cười duyên, cầm trên tay chiếc hộp giúp cha mẹ giao mì trở thành biểu tượng ẩm thực đáng yêu, thân thuộc với bao thế hệ người Nhật.  

Demae Ramen nay đã có mặt tại 40 quốc gia ngoài Nhật Bản - Nguồn ảnh: Nissin
Demae Ramen nay đã có mặt tại 40 quốc gia ngoài Nhật Bản - Nguồn ảnh: Nissin

Một phóng viên Nhật Bản từng nghiên cứu về lịch sử demae bày tỏ: “Không ai rõ những khay, bát mì xếp thành hình tháp đơn thuần nhằm mục đích thẩm mỹ hay để tạo nên cấu trúc cân xứng chắc chắn. Có lẽ là cả 2 lý do này. Dẫu sao, ở giai đoạn hậu Thế chiến thứ hai, demae đã trở thành một phần linh hồn của phố thị Tokyo khi ấy đang cố gắng đứng dậy từ nỗi đau chiến tranh. Sự phát triển của xe cộ cùng vô số sáng kiến vận chuyển hàng hóa tân tiến hơn khiến họ dần lỗi thời. Song, giống như rất nhiều người lao động thầm lặng khác, demae đã góp phần đưa đất nước chúng tôi đến hiện tại tốt đẹp hôm nay”. 

Như Ý (theo Atlas Obscura

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI