Những hang động độc đáo
Thung Nham là tên gọi tắt của khu thung đồi Hải Nham, xã Ninh Hải, nằm trọn trong vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Riêng Thung Nham dường như được đất trời “ưu ái” khi có đến 3 hang động độc đáo. Ngay bên phải phía cổng vào Thung Nham là đường lên động Vái Giời với 439 bậc đá quanh co ôm trọn sườn núi. Hình thành từ hơn ngàn năm trước, rộng khoảng 5.000m2 cùng tầng tầng lớp lớp những khối thạch nhũ sáng lấp lánh, Vái Giời là hang động tự nhiên “già” vào bậc nhất nhì khu vực.
|
Vườn đá triệu năm tuổi |
Bước qua cửa động, nắng nóng hầm hập tan biến; cái mát lành thanh tịnh dần hòa vào từng giác quan - theo những dải măng đá nối tiếp nhau, nhẵn mịn. Người dân địa phương bảo đây là tầng “trần gian”. Theo bậc đá xuống động là “tầng địa ngục”. Những khối nhũ đá sừng sững được người dân dựa vào hình dáng mà đặt tên, nào “cầu Nại Hà”, “ngai Diêm Vương”, “vạc dầu biển lửa”… như gửi gắm quan niệm tâm linh bao đời.
Từ “tầng địa ngục”, vượt qua dòng thác nhỏ như gột rửa bụi trần để men theo chiếc cầu thang sắt hẹp dẫn lối lên “tầng thiên đường”. Trên lối đi, từ dáng hình nhũ đá, hiện ra dưới chân tiên ông là hổ phục, voi chầu.
Ngước mắt, nhũ đá như “vẽ” mây, “vẽ” sao trên vòm hang động. Ở “tầng thiên đường” còn có cổng trời, nơi có thể nhìn bao quát toàn bộ thung lũng Thung Nham. Bà Đinh Thị Vân - người dân xã Hải Ninh - vừa dẫn khách lên cổng trời vừa rủ rỉ: “Từ bé, tôi đã nghe các cụ kể, động Vái Giời là nơi xưa kia người Hoa Lư lập đàn tế trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân an, quốc thái”.
Ở Thung Nham, độc đáo bậc nhất phải kể đến hang Bụt - một hang động xuyên thủy dài khoảng 500m, nối liền huyện Hoa Lư và Nho Quan. Qua cửa động, ánh sáng yếu dần rồi tắt lịm. Phía trước đen như mực, song bà Vân như đã quen với từng mỏm đá, khúc quanh chốn này. Chân chèo thuyền, tay rọi đèn, bà giới thiệu từng ngóc ngách, từng dáng nhũ đá, măng đá: Đây là nàng tiên cá có mái tóc buông dài, kia là giàn hoa thiên lý, trái đào tiên… Thảng hoặc một chú dơi buông mình khỏi vòm nhũ đá rồi vỗ cánh chao liệng. Ánh sáng dần le lói, qua cửa động bên này đã là địa phận huyện Nho Quan - dòng sông uốn trong lòng thung lũng.
Nơi cư trú của 46 loài chim hoang dã
|
Một góc vườn chim Thung Nham nhìn từ trên cao |
Với những du khách yêu thiên nhiên, vườn chim là địa điểm không thể bỏ qua khi đến Thung Nham. Nằm ở cuối thung lũng, vườn chim được bao quanh bởi lòng hồ khá lớn cùng những dãy núi đá vôi che chắn, tạo nên bức tường tự nhiên bảo vệ. Bà Nguyễn Thị Hải chầm chậm khua mái chèo. Vừa rẽ nước, bà vừa giới thiệu: “Chim chóc ở đây có hàng ngàn con, từ cò, vạc, le le, chích chòe than, chích chòe lửa… đến mòng két, bói cá, chào mào… nhưng riêng hằng hạc (dân gian gọi là cò nhạn) và hồng hoàng (phượng hoàng đất) là quý hiếm nhất. Chúng đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam”…
Trên những tán cây, chim chóc đậu lúc lỉu. Các loài dường như cũng phân chia “lãnh thổ”: hạc, diệc làm tổ trên các vách núi đá cao vợi; cò trắng kết tổ ở những bụi tre vừa tầm; riêng nhà vạc chia nhau trú ngụ ở các bụi lau sậy là là mặt nước.
Thỉnh thoảng có chú chim xanh từ lưng vách núi lao vù xuống nước, mọi người “nhận diện”: “Chim bói cá!”. Lại có lúc thấy chú chim xanh bay vù trước mũi thuyền rồi chuyền từ lùm cây này qua tàng cây khác. Chúng tôi thán phục: “Con bói cá này hay quá, bay nhanh mà ẩn cũng nhanh”. Bà Hải cười: “Lông cùng có màu xanh dương nhưng nó là chim trả đấy. Ngày xưa hay gọi “màu xanh cánh trả” chính là màu xanh của loài chim này”.
|
Chim hoang dã ở Thung Nham |
Gắn bó với việc đưa khách vào vườn chim đã gần 20 năm, bà Hải thuộc nếp sinh hoạt của từng loài. Cách bà nói về chúng cũng đầy hồn nhiên: “Riêng loài hồng hoàng là chung thủy nhất. Khi đã cùng nhau làm tổ là chúng nó chỉ sống với con mái đó hoặc con trống đó thôi. 1 trong 2 con có chết hay “biến mất” thì con còn lại cũng “ở vậy” chứ không bao giờ làm tổ với con nào khác nữa”.
Những tàng cây trụi lá khá nhiều vì họ hàng nhà chim đông đúc. Trên ngọn cây, hằng hạc lớn, nhỏ tụm nhau líu ríu. Bà Hải giải thích: “Mấy con nhỏ là mới ra ràng, cha mẹ chúng đang dạy tập bay”. Ngang qua những tổ chim, bà bảo: “Tổ mà hở phía trên thì đó là loài có lông vũ, mưa chúng cũng không bị ướt nên không cần phải làm tổ kín”.
Mấy chục loài chim đã quen với sự hiện diện của con người, “đất lành, chim đậu” nên dù thuyền nối nhau qua lại trước mặt, cũng không con nào vì sợ hãi mà vỗ cánh bay. Vang khắp thung lũng là những thanh âm “càng cạc”, “rích rích”… Chiều tà, những đàn chim bay đi kiếm ăn trở về, sải cánh rợp một khoảng trời.
“Bài ca vỡ đất”
|
Buổi sáng trong veo ở Thung Nham |
Nhìn khu Thung Nham rộng đến 334ha với vườn rau, vườn cây ăn trái, những đảo hoa 4 mùa rộng mênh mông, rồi bể bơi ngoài trời lớn nhất Ninh Bình…; thật khó hình dung hơn 20 năm trước, nơi này rặt lau sậy, sình lầy, hoang vu. Bấy giờ người lính xuất ngũ Phạm Công Chất đi học trường kinh tế rồi về quê (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) lập nghiệp. Một lần lang thang qua thôn Hải Nham, ông ngay lập tức nghĩ đến việc biến vùng này thành trang trại kinh tế tổng hợp sinh thái.
Khởi đầu năm 1999, trợ thủ của ông là 1 con trâu, đã kéo từng xe đất để san mặt bằng, mở ruộng canh tác và kéo đường cày đầu tiên trên đất Thung Nham. Cũng khi đó, ông Chất nghĩ đến chiếc máy ủi. Song, ông chỉ có thể sắm được chiếc máy đã rất cũ của Liên Xô, từ từng chi tiết nhặt nhạnh ở vựa phế liệu. Và sau 4 năm đổ cả sức người, sức của, trang trại kinh tế tổng hợp mới có được hình hài.
Bây giờ, phía cuối đảo hoa, giáp vườn cây ăn trái ở Thung Nham có 2 địa điểm đặc biệt - mộ phần chú trâu và “bảo tàng” trưng bày chiếc máy ủi - 2 “cộng sự” lầm lũi, bền bỉ đồng hành cùng ông Chất, góp phần không nhỏ biến Thung Nham thành một trong những điểm nhấn du lịch của đất cố đô.
- Thung Nham cách Hà Nội hơn 100km, cách TP Ninh Bình khoảng 10km về phía tây. Nếu đi xe khách từ các bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Giáp Bát, Nước Ngầm… sẽ đón thêm 1 chặng taxi hoặc xe ôm từ TP Ninh Bình. Trên đường từ TP Ninh Bình vào Thung Nham sẽ đi qua quần thể Tam Cốc - Bích Động (cùng thuộc xã Ninh Hải). - Khu du lịch Thung Nham mở cửa từ 7g đến 18g vào mùa hè và từ 7g30 đến 17g30 vào mùa đông. - Giá vé tham quan (đã gồm vé thuyền đi vườn chim và vé thuyền vào hang Bụt): 150.000 đồng/người lớn; 100.000 đồng/trẻ em từ 1m - 1.3m; miễn phí trẻ em dưới 1m, người già từ 80 tuổi và người khuyết tật. - Khách có thể lựa chọn qua đêm trên nhà sàn tại Thung Nham hoặc nghỉ tại các cơ sở lưu trú ngay tại thôn Hải Nham và quanh xã Ninh Hải. Ngoài lưu trú, khu Thung Nham còn có dịch vụ ẩm thực với nguồn thực phẩm tự cung tự cấp. |
Ngọc Minh Tâm
Nguồn ảnh: Thung Nham