Niềm vui nơi biển vắng Rạch Tràm

29/06/2018 - 11:01

PNO - Hầu hết dân nơi đây chủ yếu làm nghề biển, cuộc sống bấp bênh, ai có ghe thì đi biển, không có thì đi làm thuê. Toàn xã Bãi Thơm có khoảng 100 hộ khó khăn thì gần như 100 hộ đó đều thuộc ấp Rạch Tràm.

Ở xã Bãi Thơm, có con sông Rạch Tràm dài chừng 25km, gồm ba nhánh chạy qua: một nhánh bắt nguồn từ Bãi Thơm, hai nhánh còn lại bắt nguồn từ khu rừng cây họ dầu thuộc vườn quốc gia Phú Quốc, chúng gặp nhau tại ngã ba Bắc Cứu rồi chảy về phía tây như mọi sông suối trên hòn đảo ngọc này.

Vì là nơi xa nhất và khó đi nhất của Phú Quốc nên Rạch Tràm được xem là con sông duy nhất ở đảo này hiện còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với hệ sinh thái rất đặc biệt, khó có nơi nào sánh được. Cũng bởi xa và khó như vậy nên chỉ những cư dân già nhất ở Bãi Thơm vẫn còn tụm năm tụm ba sống cặp cửa biển tây, nơi con sông Rạch Tràm đổ ra biển, làm nên cái làng mộc mạc, đậm đà chất biển: làng chài Rạch Tràm.  

Niem vui noi bien vang Rach Tram
Ngoài phần quà trị giá 500.000 đồng, người dân địa phương còn được nhận 2 thùng mì gói và gạo

Nhiều người nghĩ, từ năm 2004, khi Chính phủ có chủ trương vực dậy đảo ngọc bằng cơ chế đặc khu kinh tế, Phú Quốc sôi sục giấc mơ thiên đường và là nơi không còn một ai nghèo. Hơn 10 năm qua, điều đó có thể đúng ở vùng trung tâm và vài khu vực phụ cận. Nhưng ở khu bắc đảo, nhất là Rạch Tràm ở Bãi Thơm thì không như vậy.

Đại úy Trần Quốc Phú - Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn biên phòng Rạch Tràm cho biết, ấp Rạch Tràm có 7 tổ, chia làm 3 xóm: xóm Vũng Trâu Nằm (tổ 1), xóm Dưới Bãi (từ tổ 2 - 6) và xóm Làng Chài (tổ 7). Hầu hết dân nơi đây chủ yếu làm nghề biển, cuộc sống bấp bênh, ai có ghe thì đi biển, không có thì đi làm thuê. Thu nhập lúc có lúc không. Toàn xã Bãi Thơm có khoảng 100 hộ khó khăn thì gần như 100 hộ đó đều thuộc ấp Rạch Tràm.

Niem vui noi bien vang Rach Tram
Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - tặng quà cho bà con nghèo

Buổi sáng, ở Đồn biên phòng Rạch Tràm - nơi có 100 hộ nghèo và 10 nữ sinh hiếu học vượt khó học giỏi của bà con ngư dân trong ấp nhận được quà, được học bổng từ chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương thuộc dự án Biên cương xanh của Báo Phụ Nữ TP.HCM - xen lẫn những niềm vui và niềm trắc ẩn.

Đó là không gian đặc biệt của những chiếc nón lá móp méo, tơi tả, những tà áo bà ba xuống màu choàng vội bên ngoài, cùng những câu chuyện đời túm tụm, rỉ rả giữa người gần, người xa. Rạch Tràm, nơi cách xa khu sầm uất nổi tiếng biển đảo vài mươi cây số mà nó khác lắm.

Nơi đây biển hoang sơ, rừng hoang vu. Một nơi gần như tách hẳn với thế giới bên ngoài. Người không nói nổi lời, chữ bẻ đôi không có, ngơ ngác những câu đứt khúc, tiếng được tiếng mất. 

Ngồi chờ nhận quà, nhìn những túi quà được xếp cẩn thận, chu đáo trước mặt, cụ Ngô văn Húa (78 tuổi, ở xóm Dưới Bãi, ấp Rạch Tràm) vừa run run cầm phiếu nhận quà, vừa nói với thành viên trong đoàn: “Quà nhiều quá cô”. Con ông đâu? “Tụi nó đi biển cô”. Thu nhập khá không ông? “Mùa này gió nam sóng lớn nên khó đi, kiếm được ít lắm. Mấy chú bộ đội ở đây biết nhà tui á”. Ông biết tên chú bộ đội luôn? “Biết nhiều tên lắm, gần hết đồn luôn cô”. 

Để thực hiện chương trình an sinh cộng đồng tại Đồn biên phòng Rạch Tràm, chúng tôi mất hai tháng trao đổi, chuẩn bị. Đến bây giờ, cả đoàn cũng không ai biết chính xác trong đồn có bao nhiêu chú bộ đội. Nhưng việc ông cụ gần đất xa trời biết tên “gần hết đồn luôn” như đã minh chứng một tình cảm đặc biệt giữa quân và dân. Tình cảm ấm áp đó là chỉ dấu sự tin cậy của người dân biển với lính biên phòng nơi biển vắng.

Và nói như thượng tá Nguyễn Tiến Sự - Đồn trưởng Đồn biên phòng Rạch Tràm - thì, những món quà nhỏ mang ra từ đất liền đã trở thành điểm hội tụ niềm vui cho bà con nghèo ở nơi biển vắng.

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI