Niềm vui của cô gái trẻ người Ma-rốc suốt 3 năm tố cáo 11 người đàn ông bắt cóc và hiếp dâm mình

23/09/2021 - 11:45

PNO - Sau hơn 3 năm đứng ra tố cáo 11 người đàn ông đã bắt giam và cưỡng hiếp mình trong hai tháng, đến nay Khadija Okkarou đã có thể mỉm cười.

 

 

Khadija Okkarou vào năm 2018, thể hiện những hình xăm và vết đốt thuốc lá mà cô ấy nói là do các thành viên băng đảng tạo ra. 11 người đàn ông hiện đã bị kết án 20 năm tù. Ảnh: AFP / Getty Images
Khadija Okkarou và những hình xăm cùng vết đốt thuốc lá do những kẻ bắt cóc tạo ra trong suốt hai tháng giam cầm

Hôm 22/9 (giờ địa phương) luật sư của nạn nhân cho biết 11 người đàn ông bị buộc tội bắt cóc và cưỡng hiếp tập thể Khadija Okkarou đã bị kết án thích đáng. Mỗi tên bị phạt 20 năm tù giam.

Vào năm 2018, Khadija Okkarou, khi đó 17 tuổi, đã công khai đăng một video về vụ lạm dụng lên mạng xã hội. Đây là điều rất ít ai dám làm ở quốc gia bảo thủ Bắc Phi.

Khadija Okkarou cho biết, các thành viên của một "băng đảng nguy hiểm" đã bắt cóc và giam giữ cô trong 2 tháng, chúng đã cưỡng hiếp và tra tấn cô dã man.

Đoạn video cũng cho thấy những vết sẹo khủng khiếp được cho là do đốt thuốc lá và những hình xăm trên cơ thể Khadija Okkarou. 

Luật sư của Okkarou, Ibrahim Hachane, nói với truyền thông rằng phòng hình sự của tòa phúc thẩm ở thị trấn trung tâm Beni Mellal đã kết luận các bị cáo phạm nhiều tội khác nhau bao gồm hiếp dâm, bắt cóc và cưỡng bức giam giữ.

Ngoài mức án 20 năm tù giam cho mỗi tên, những kẻ tấn công cũng bị phạt 200.000 dirham (khoảng 16.000 USD).

Tuy nhiên, luật sư Ibrahim Hachane cho rằng, bản án trên chưa thực sự thích đáng vì tội buôn người có thể bị phạt tới 30 năm tù, đồng thời cho biết ông sẽ kháng cáo. “Nạn nhân vẫn đang được điều trị và những gì cô ấy đã trải qua sẽ theo cô ấy đến hết cuộc đời”, luật sư Ibrahim Hachane nói.

Các nạn nhân bị hiếp dâm ở Ma-rốc thường phải chịu một chấn thương kép do xã hội Hồi giáo bảo thủ thường đổ lỗi cho họ. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông và các nhóm bảo vệ quyền lợi của nước này thường xuyên lên tiếng cảnh báo về nạn bạo lực đối với phụ nữ.

Vào năm 2018, một luật chống lạm dụng có hiệu lực lần đầu tiên giúp phụ nữ Ma-rốc được pháp luật bảo vệ khỏi “các hành vi được coi là hình thức quấy rối, gây hấn, bóc lột tình dục hoặc đối xử tệ bạc”.

Luật mới cũng mở đường cho các nạn nhân của bạo lực được hỗ trợ đồng thời dám mạnh dạn tố cáo những tội ác mà phụ nữ thường là nạn nhân.

Mùa hè năm 2018, Khadija đã công khai tố cáo một nhóm đàn ông trên mạng xã hội rằng cô bị chúng bắt cóc, xăm mình, đốt thuốc lá vào người và hãm hiếp suốt hai tháng dài.

Vụ việc của cô đã gây chấn động khắp vương quốc và thúc đẩy một nhóm phụ nữ tạo ra phong trào #Masaktach - “Tôi sẽ không giữ im lặng” - để vận động chống lại bạo lực.

"Tôi không muốn điều này xảy ra với các cô gái hay những người phụ nữ", Khadija nói, "Tôi muốn điều này dừng lại và những người phụ nữ can đảm đứng ra tố cáo tội ác".

Kể từ khi lên tiếng công khai về vụ tấn công, Khadija đã bị buộc tội nói dối và mang "tiếng xấu", nhưng cô cho biết sự ủng hộ của những người thân cận với cô và của các nhà vận động phụ nữ giúp cô không mất hy vọng. “Xung quanh tôi là những người tốt bụng, tử tế và tôi rất tin tưởng họ”.

Khadija chia sẻ, từ ngày gặp nạn cô phải đến bác sĩ tâm lý điều trị, cô cũng nói thêm rằng  không thể chịu đựng được khi nhìn vào những hình xăm trên cơ thể mình. "Tôi không muốn những gì đã xảy ra với mình tái diễn. Tôi không bao giờ muốn cô gái khác rơi vào hoàn cảnh tương tự”.


Thảo Nguyễn (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI