Mở ra cơ hội mới
Tiệm tóc của chị Nguyễn Thị Diễm Loan nằm trong hẻm nhỏ trên đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6. Chiều muộn, tiệm vẫn có vài vị khách hàng quen đến gội đầu, massage. Mặt bằng của tiệm khá nhỏ, chỉ khoảng 10m2, cộng với thời tiết oi bức nên chiếc quạt hơi nước không thể làm dịu cái không khí hầm hập trong cửa tiệm. Gần cả tiếng gội đầu, massage cho khách, gương mặt chị Loan nhễ nhại mồ hôi.
Về công việc của mình, chị Loan cho biết: “Tiệm phần nhiều làm cho khách quen trong xóm, chủ yếu là người lao động, công nhân, nên chỉ lấy giá bình dân. Cũng mong làm ăn khấm khá để tôi tích góp lắp thêm cái máy lạnh. Tiệm mà mát mẻ thì sẽ giữ được khách cũ và có thêm khách mới”. Hy vọng đó cũng vừa được nhen nhóm trong suy nghĩ của chị Loan vài ngày qua, khi chị được nhận nguồn vốn 5,5 triệu đồng hỗ trợ không phải hoàn trả.
|
Nhờ hỗ trợ từ dự án, chị Nguyễn Thị Diễm Loan đã có điều kiện nâng cấp tiệm làm tóc, làm móng, giúp chị có cuộc sống ổn định |
Chị Loan không tin mình là người may mắn trong hàng ngàn phụ nữ được hỗ trợ số tiền lớn như vậy. “Lúc ngồi trong hội trường, được các chị trong ban quản lý dự án cho biết, mỗi chị em sẽ được tặng 5,5 triệu đồng vốn, tôi đã nhẩm tính sẽ sử dụng số tiền ấy như thế nào” - chị Loan chia sẻ. Thế là ngày hôm sau, chị đi mua ngay một chiếc máy hấp dầu mới, nước sơn móng và thuốc làm tóc… Chỉ tay vào những thứ mới mua, chị Loan nói, đều nhờ vào vốn hỗ trợ của dự án. Từ sự tiếp sức ấy, chị đã hiện thực hóa mơ ước nâng cấp cửa tiệm của mình.
Ngoài được hỗ trợ vốn, chị Loan còn được tham gia nhiều chương trình tư vấn, hướng dẫn sử dụng, quản lý nguồn vốn hiệu quả; quảng cáo, giới thiệu về công việc của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Sau khi học tập, chị về chụp ảnh, viết bài giới thiệu về tiệm của mình với máy móc và những vật dụng mới trên Facebook.
Nhờ vậy mà mấy tuần nay tiệm có thêm khách đến trải nghiệm. Thêm nữa, chị còn được Hội LHPN phường giới thiệu đi học lớp nghề tóc nâng cao để có thêm niềm tin vào tương lai nghề nghiệp và cuộc sống.
Để có được những thành quả như hôm nay chị Nguyễn Thị Diễm Loan đã nỗ lực học tập và khắc phục rất nhiều khiếm khuyết của mình. Thời còn trẻ, thấy chị đi lại không bình thường, một người quen thương tình đã ngỏ ý dạy nghề làm tóc cho chị. Nhờ có cái nghề, cuộc sống của chị đỡ chật vật hơn. Sau khi chị lập gia đình, cha mẹ đã tách đôi căn nhà để chị ra riêng. Chị bàn với chồng bán 1 chỉ vàng cưới để mở cửa tiệm nho nhỏ với mấy món đồ nghề cơ bản mua lại từ một cửa tiệm cũ. Ban đầu chỉ có vài người khách đến ủng hộ, lâu dần thành khách quen và họ giới thiệu thêm cho nhiều người cùng đến.
Mở tiệm tại nhà, chị Loan vừa làm nghề vừa có thời gian quán xuyến việc nhà và chăm 2 con nhỏ để chồng chị đi làm phụ hồ. Nhờ khéo vun vén nên cuộc sống gia đình cũng tạm ổn, chị duy trì được tiệm tóc hơn chục năm nay.
Tuy nhiên, chị không thể lấy đâu ra vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng tiệm tóc. Chiếc máy hấp dầu cũ đã hư từ lâu, nhưng vì không có tiền nên chị đành đặt mua chiếc nón hấp bằng vải vài chục ngàn đồng dùng tạm, rồi cố gắng bỏ ống heo với hy vọng có ngày sẽ đủ tiền sắm máy mới... Thế rồi số vốn từ dự án đột ngột đến giúp chị có cơ hội…
Giúp gia đình qua cơn nguy khó
Những ngày qua, gia đình chị Lê Thị Tuyết Nhung (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) đang dần ổn định cuộc sống. Gia đình có 5 thành viên gồm cha mẹ già, anh trai, em trai và chị. Do anh trai và em trai bị bệnh khó đông máu bẩm sinh, nên mỗi tuần phải vào bệnh viện 2-3 lần để truyền bổ sung đông máu. Ở tuổi ngoài 40, thể trạng không được tốt, nhưng chị Nhung đang là lao động chính của gia đình với công việc may gia công tại nhà, mỗi tháng kiếm được hơn 3 triệu đồng cho mọi sinh hoạt, chi tiêu.
|
Chị Lê Thị Tuyết Nhung hằng ngày vẫn cố gắng nhận hàng về may gia công để có tiền lo cho cha mẹ già và 2 người anh, em mắc bệnh hiểm nghèo |
Nhắc về hoàn cảnh gia đình, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - mẹ chị Nhung - kể: từ những năm 1980, bà kết hôn rồi lần lượt sinh 5 người con, nhưng không biết tiền sử có bệnh lý di truyền cho con trai. Lúc mới sinh, bà thấy con mình có biểu hiện lạ nên đưa đi khám, chạy chữa khắp nơi. Mãi đến khi các con được 5-6 tuổi, bệnh mới được phát hiện. Từ đó đến nay, gia đình bà Yến vẫn kiên trì đeo đuổi việc chữa trị để duy trì mạng sống cho các con. Bà đã bán nhà để trở về quê ngoại ở xã Đông Thạnh.
Bà Yến cho biết, nếu không được truyền bổ sung yếu tố đông máu kịp thời thì các khớp xương sẽ sưng phù, nướu răng nứt phun máu, cơ thể đau đớn không chịu nổi. Mỗi lần vào bệnh viện, tuy không tốn kém tiền thuốc men (do có bảo hiểm y tế) nhưng chi phí đi lại cũng tốn vài trăm ngàn đồng. Các khoản tiền này được cắc củm từ việc may vá của chị Nhung và bán vé số của bà Yến.
Do bệnh tật và đói nghèo mãi đeo bám nên ở tuổi 66, bà Yến hằng ngày vẫn đi bán vé số, ky cóp từng đồng để có tiền thuốc thang cho mình (bà bị tiểu đường, đau dạ dày, cụp xương sống) và lo cho các con. Chồng bà trước đây đi phụ hồ, nhưng nay không còn sức. Ông ở nhà trông chừng để kịp thời chở các con vào bệnh viện.
|
Hội LHPN xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn luôn đồng hành giúp gia đình chị Lê Thị Tuyết Nhung vượt qua khó khăn |
Gần tháng nay, cột sống bị đau trở lại nên bà Yến không thể đạp xe đi bán vé số. Vì thế, mọi gánh nặng lại đè lên đôi vai yếu ớt của chị Nhung. Đang rơi vào cảnh túng quẫn thì dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” đã giúp gia đình chị Nhung tạm vượt qua khó khăn. Nhận được tiền hỗ trợ, chị Nhung mua lại chiếc máy may để làm sinh kế cho gia đình. Chị tin chiếc máy mới sẽ giúp chị may vá được nhiều hơn, có thêm tiền để trang trải cuộc sống.
Bà Yến xót xa khi thấy con gái ngày càng có tuổi nhưng vẫn chưa tạo lập được gia đình riêng. “Trong tôi, lúc nào cũng đan xen 2 luồng suy nghĩ: vừa mong con gái tìm được bến đỗ để có nơi nương tựa, nhưng lại vừa lo sợ con đi lấy chồng thì không có ai đỡ đần. Tôi cứ dằn vặt nhưng lại không biết cách nào để thoát ra” - bà Yến nghẹn ngào.
Thiên Ân