Niềm vui 271 triệu đô và nỗi uất ức 35 ngàn đồng

03/06/2019 - 08:09

PNO - Từ trạm BOT Cai Lậy đến T2 Vàm Cống và 'hội chứng trả tiền lẻ' ở nhiều trạm thu phí khác đã nói lên một hiện trạng bất ổn, bất ổn kéo dài, bất ổn đã được nhìn thấy trước, bất ổn biết rõ không thể tránh.

Khi công trình cầu dây văng Vàm Cống (với tổng mức đầu tư 271 triệu USD) được chính thức khánh thành, trong tôi dậy lên niềm xúc động bởi người dân đồng bằng từ đây sẽ đi về trên những cung đường văn minh, hiện đại, bớt dần cảnh qua sông lụy phà bao năm. Thì cũng có chút thương nhớ chuyến phà quê hương thật đấy nhưng nhọc nhằn ngược xuôi, tai họa chực chờ…

Niem vui  271 trieu do va noi uat uc 35 ngan dong
Trạm thu phí T2 đang gặp nhiều phản ứng của người dân

Vậy mà niềm vui Vàm Cống chưa thỏa, bỗng “mọc” ngay cái trạm thu phí T2, đi 300m đường mà phải đóng phí cho toàn tuyến (35.000 đồng/lượt), thế là lại ồ ạt dừng xe phản đối, trả tiền lẻ, xả trạm, đóng trạm. Một “thảm họa” Cai Lậy đang lặp lại. Nỗi ám ảnh mang tên BOT và những cái gác chắn thu phí bất hợp lý vẫn cứ hiện diện.

Dù biện luận thế nào cho những thỏa thuận vốn hình thành như nguyên tắc căn bản của quá trình xây dựng - vận hành - chuyển giao của chủ đầu tư, được chính các cơ quan chức năng thông qua thì việc liên tục lặp lại chuỗi phản ứng tiêu cực sau khi đi vào khai thác - vận hành là một kết cuộc thất bại. Điều này, cần được nhìn nhận một cách toàn diện có tính thể chế kinh tế - chính trị chứ không còn, không nên chỉ là những phép xử trí, ứng phó mang tính tình huống nhất thời. 

Chắc chắn trong nhận thức, ý chí và mục tiêu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là luôn hướng tới, thậm chí nỗ lực thực thi một thể chế kinh tế mang tính dung nạp cao, bền vững, nghĩa là ở đó tôn trọng, khích lệ và tạo cơ hội để mọi nguồn lực cùng chung sức đóng góp, xây dựng kinh tế xã hội. “Có một mức độ tập trung chính trị nhất định để có thể duy trì luật pháp và trật tự”, đảm bảo cho người dân được dự phần trong các phúc lợi xã hội…

Thế nhưng, diễn biến thực tế từ trạm BOT Cai Lậy đến trạm thu phí T2 Vàm Cống và “hội chứng trả tiền lẻ” xuất hiện ở nhiều trạm thu phí khác trên các cung đường BOT cả nước đã nói lên một hiện trạng bất ổn, bất ổn kéo dài, bất ổn đã được nhìn thấy trước, bất ổn biết rõ không thể tránh. Vậy nhưng, dự án vẫn cứ ký, các hợp đồng chỉ định thầu vẫn cứ thông qua, mặc cho quy định, bỏ qua mọi ràng buộc pháp lý, những trạm thu phí BOT vẫn dày đặc xuất hiện, dưới khoảng cách tối thiểu 70km cũng thế, thu và tận thu.

Người dân - một thành phần quan trọng nhất, cũng là mục tiêu phục vụ trong thể chế kinh tế dung nạp ấy - không hề có mặt trong mọi cuộc bàn bạc, trao đổi, lấy ý kiến, phản biện trước mỗi đề án. Nhân dân địa phương, đối tượng chính lưu thông trên những cung đường đi ngang qua khu vực mình sinh sống, làm ăn, di chuyển; họ không có quyền được lựa chọn giữa đường thu phí và đường không thu phí. Thậm chí, hễ xe lăn bánh trên đường, bất kể là một đoạn là có lưu thông thì phải trả phí cho cả tuyến đường kết nối.

Rõ ràng, trong sự “bỏ qua” không hề vô tình ấy, trong cách thức “bỏ lại phía sau” sự có mặt, tham gia, tiếng nói của nhân dân trước các quyết định có liên quan đến đời sống, sinh hoạt, mưu sinh, tồn tại của họ, đó là một phép tính sai, không chỉ đơn thuần trong tính toán đầu tư kinh tế mà là trong trách nhiệm và hiệu quả chính trị. Và như tôi nói ở trên, nó không nên là giải pháp tình huống nhất thời. Tạm dừng thu phí là sẽ có tiếp tục thu. Giảm phí, điều chỉnh lộ trình tăng phí là ảnh hưởng tới nguồn thu nợ của các tổ chức tín dụng - nguồn vốn chủ yếu của các chủ đầu tư BOT, tác động đến việc thu hồi vốn của các nhà đầu tư…

Trong cuốn Bàn về chính quyền, M.T. Cicero, một nhà hùng biện lỗi lạc, một chính trị gia cổ đại người Ý đã biện luận rằng: “Thà để một chính sách tốt đẹp bị ngăn trở còn hơn để một chính sách tồi tệ được thông qua”.

Đã xấp xỉ 30 năm từ ngày những “sáng tạo” BT (xây dựng - chuyển giao), BOT đi vào cuộc sống. Vẫn có những đóng góp nhất định cho sự thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương của các phương thức đầu tư kinh tế này. Tuy nhiên, một khi sự minh bạch ngày càng… tăm tối, những lỗ hổng về cơ chế vận hành, kiểm soát, đánh giá không được lấp, trám hoặc thay đổi căn bản, thực chất thì tác dụng của chính sách lại chính là tác động gây nên hậu quả không chỉ trong đầu tư kinh tế mà còn là sự thất bát trong mục tiêu chính trị.

Và đó mới là điều chúng ta cần “lo trước cái lo của thiên hạ”! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI