Niềm tin về một đại hội trí tuệ, nhân văn, phát triển

12/10/2020 - 07:30

PNO - Từ ngày 14 đến 18/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm nêu gương, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, xứng đáng với niềm tin của nhân dân”. Dưới đây là những tâm tư, kỳ vọng của một số đại biểu trước thềm đại hội.

Hướng tới tầm cao

Mặc dù trải qua hai đợt đại dịch COVID-19 nhưng công tác chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng bộ thành phố vẫn được triển khai một cách quyết liệt và đại hội cấp trên cơ sở đã thành công tốt đẹp.

Ở đại hội lần này, các văn kiện được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là các chương trình trọng tâm, các đề án với những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham gia xây dựng Đảng. Cụ thể là triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với Đảng và đại hội Đảng các cấp. 


Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần này sẽ bàn về trách nhiệm lãnh đạo toàn diện với việc phát triển thành phố trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Điều tôi còn băn khoăn là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, ảnh hưởng mạnh đến tình hình phát triển kinh tế của cả nước nói chung và thành phố nói riêng, một số tiêu chí, chỉ tiêu đại hội đặt ra sẽ là thách thức không nhỏ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tiêu chí về sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, về nhu cầu phát triển văn hóa tinh thần, về nâng cao đời sống nhân dân… Tuy nhiên, nếu hạ chuẩn các tiêu chí đó lại không phải là giải pháp hay. Tôi nghĩ với trách nhiệm của mình, mỗi đại biểu sẽ cân nhắc và cùng quyết định lựa chọn phương án tốt nhất cho sự phát triển của thành phố.  

Và tôi tin rằng, dù đó là lựa chọn nào của đại hội, Mặt trận Tổ quốc thành phố vẫn sẽ là trung tâm đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết nhân dân, cùng sát cánh, đồng hành với Đảng bộ thành phố để chung tay góp sức vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội đã đề ra với quyết tâm cao, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, văn minh và nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước.

Đại biểu TÔ THỊ BÍCH CHÂU - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM 

 

Mỗi chương trình, đề án đều xây dựng trên cơ sở tình hình cụ thể và có tính khả thi

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, gồm những nội dung khái quát, toàn diện, có tính kế thừa kết quả đạt được của những nhiệm kỳ trước. Tôi nhận thấy bốn chương trình phát triển TP.HCM cùng 51 chương trình và đề án thành phần đều rất thiết thực, giúp thành phố hiện thực hóa mục tiêu phát triển. 


Trong bốn chương trình, tôi tâm đắc nhất chương trình đột phá phát triển hạ tầng, bởi vì trong tương lai, thành phố sẽ đẩy mạnh việc liên kết vùng, hợp tác quốc tế, tiếp tục giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và là nòng cốt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu thực hiện tốt chương trình đột phá phát triển hạ tầng sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết khu vực, mở rộng không gian phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn.  

Tôi tin tưởng, sau khi các chương trình, đề án được thông qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các hội đoàn và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất, kiên quyết, kiên trì, xác định lộ trình, bước đi, giải pháp, cách làm cụ thể, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đại biểu LÊ THỊ HỜ RIN - Bí thư quận ủy Q.6, TP.HCM

 

Làm sao xây dựng đội ngũ lãnh đạo tương lai?

Nội dung Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần này có ba chương trình chủ đạo là đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng và phát triển về nhân lực và văn hóa. Tôi quan tâm nhất là chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa. Cụ thể là đề án hỗ trợ phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai, giai đoạn 2020-2035. 

Thực tế, câu chuyện nguồn nhân lực, nguồn cán bộ luôn là thách thức cho cơ sở. Tại phường tôi, theo Nghị định 34 của Chính phủ và Nghị quyết 06 của Hội đồng nhân dân thành phố, phải cắt giảm nhân sự trước ngày 31/12/2020. Theo đó, UBND P.Bình Thuận có 14 công chức sẽ phải cắt giảm còn 11; cán bộ không chuyên trách từ 23 xuống còn 14. Sau ngày 31/12 sẽ không còn quỹ lương để trả cho nhân sự thuộc diện bị cắt giảm nữa. Những bạn trẻ đang làm việc không chuyên trách cũng khó có cơ hội thi vào công chức. Trong khi, việc cắt giảm bớt cán bộ công chức cũng không hề dễ, họ đang làm việc, không vi phạm thì khó để đánh giá họ không hoàn thành nhiệm vụ, lấy lý do gì cắt giảm họ.

Đội ngũ trẻ không chuyên trách làm được việc, cập nhật tốt công nghệ thông tin thì lại thiếu đủ thứ tiêu chuẩn khác, đối tượng bị cắt giảm chủ yếu là những bạn này. Là một cán bộ ở cấp cơ sở, tôi kỳ vọng rằng đại hội Đảng bộ lần này sẽ có những cơ chế cụ thể và rõ ràng hơn để chuẩn bị tốt cho nhân sự kế thừa. Tôi mong chờ có một sự chỉ đạo, hướng dẫn để duy trì từ chương trình nâng cao chất lượng nhân lực của nhiệm kỳ cũ và có sự chuyển tiếp nhịp nhàng. Khi ta tinh giản toàn những người trẻ thì rất khó khăn để xây dựng lãnh đạo tương lai.

Đại biểu NGUYỄN THỊ BÉ NGOAN Bí thư Đảng ủy P.Bình Thuận, Q.7

 

Cần duy trì các chính sách để đồng bào các dân tộc cùng phát triển 

Trước thềm đại hội, đồng bào các dân tộc rất vui mừng vì chúng ta đã đi qua một chặng đường hết sức có ý nghĩa, thành phố phát triển về nhiều mặt, đồng bào các dân tộc cũng góp công, góp sức và được hưởng thụ những thành quả đó. 5 năm qua, nhờ những chủ trương, chính sách, thành phố đã thật sự giúp đồng bào các dân tộc có điều kiện ngày càng tốt hơn tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, đóng góp vào sự ổn định, phát triển cộng đồng. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, lãnh đạo, Đảng bộ thành phố tiếp tục có những chính sách để đồng bào các dân tộc phát triển, hòa nhập thuận lợi nhất để ổn định cuộc sống cũng như sẽ tích cực hơn, nhiệt huyết trong đóng góp chung cho thành phố.

Ông PHÚ VĂN HẲN - Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM
 

Chỉ mong giảm kẹt xe, ngập nước, an toàn thực phẩm

Là người dân từ Thanh Hóa vào TP.HCM sinh sống và làm việc mười năm nay, tôi chứng kiến rất nhiều sự đổi thay của thành phố này. Từ những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những công trình mới khang trang hơn cho đến các chương trình chăm sóc của các tổ chức, đoàn thể với công nhân cũng ngày càng tốt hơn… Đặc biệt, nữ công nhân, bên cạnh sự quan tâm của công đoàn, ban giám đốc công ty, chị em còn có sự quan tâm từ Hội Phụ nữ. Từ những chăm sóc đó, chúng tôi có thêm kỹ năng, kiến thức gìn giữ hạnh phúc gia đình, chăm sóc, bảo vệ con, có chỗ gửi con an toàn... 

Thế nhưng, có những điều chưa thay đổi khiến mỗi ngày đi làm chúng tôi vẫn phải lo lắng, bất an. Đó là tình hình kẹt xe, ngập nước vẫn không giảm, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa thể kiểm soát. Tôi nghĩ, đại hội Đảng nếu đã bàn thì sau đó phải làm luôn, làm ngay để hết ngập nước, kẹt xe, như vậy mới gọi là nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân 

Chị NGUYỄN THỊ MINH CHÂU - Công nhân khu công nghiệp Hiệp Phước, H.Nhà Bè

 

Mong cấp ủy khóa mới phải là những cán bộ trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết
Là người dân thành phố, tôi tin tưởng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương; phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nghĩa tình và các nguồn lực để phát triển thành phố.

Tôi kỳ vọng đại hội sẽ phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, có những công trình trọng điểm xứng đáng với vị trí đầu tàu của cả nước.

Tôi cũng kỳ vọng đại biểu dự đại hội sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để bầu ra cấp ủy khóa mới là những cán bộ trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết. Tôi mong tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đảm bảo… 

Bà ĐẶNG TRẦN TRÚC DAO - Chủ tịch Hội LHPN H.Hóc Môn

 

Đẩy mạnh xã hội hóa để lấp khoảng trống phía sau sân khấu

Văn hóa - nghệ thuật là lĩnh vực hoạt động tinh thần có tính quần chúng. Tôi tự hào đã lựa chọn và được làm việc trong môi trường này, qua đó, góp phần cống hiến khả năng của mình vào công tác chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải văn nghệ sĩ nào cũng có điều kiện gắn bó với lĩnh vực mà mình đam mê và sống được với nghề. Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi chật vật trong bệnh tật, thậm chí không nơi nương tựa. Tôi mong mỏi chính quyền thành phố sẽ có cơ chế chính sách đặc thù trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ cấp cơ sở lên quy mô cấp thành, chẳng hạn như nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà hát với đầy đủ công năng, hoạt động đi vào chiều sâu. Không chỉ các nghệ sĩ đã có tên tuổi mà những bạn trẻ yêu văn hóa - nghệ thuật, có năng khiếu, có đam mê cũng được học tập, biểu diễn thường xuyên phục vụ bà con.

NSƯT Quỳnh Liên tham gia các hoạt động từ thiện và biểu diễn phục vụ cộng đồng
NSƯT Quỳnh Liên tham gia các hoạt động từ thiện và biểu diễn phục vụ cộng đồng

Thêm nữa, thành phố cũng cần mạnh dạn kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chuyên đề nghiên cứu, khảo sát đời sống và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, từ đó có chủ trương phù hợp trong việc chăm lo, khen thưởng kịp thời, đúng mức, tránh để thiệt thòi cho nghệ sĩ.  

Những năm qua, câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ mở các khóa dạy thanh nhạc, các làn điệu dân ca ba miền, nhạc cách mạng. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là có rất nhiều anh chị, em trẻ cũng như lớn tuổi, yêu thích lĩnh vực này, hăng hái theo học. Mong rằng thành phố sẽ nghiên cứu vực dậy sức sống của các loại hình nghệ thuật dân gian như dân ca, cải lương, đờn ca tài tử. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật chính thống học hành bài bản nhưng khi ra trường không có đất dụng võ phải làm nhiều nghề khác để mưu sinh. Hy vọng chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa - nghệ thuật sẽ cởi mở hơn, được đẩy mạnh hơn để người dân - chủ thể của văn hóa - tham gia ngày càng nhiều vào quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, thành lập đoàn nghệ thuật, phối hợp đào tạo học viên và chủ động lên kế hoạch thực hiện những chương trình biểu diễn quy mô, qua đó giúp nghệ sĩ có thêm điều kiện, thêm cơ hội cống hiến tài năng, tâm huyết cho nền nghệ thuật nước nhà. 

NSƯT Quỳnh Liên - Phó chủ tịch Hội Âm nhạc, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ TP.HCM

 

Phát triển chợ truyền thống thành không gian du lịch ẩm thực

Ẩm thực nước ta đa dạng, phong phú, nhiều món ăn như bánh mì, phở, bún bò, bún chả, hủ tíu đã được truyền thông và bạn bè quốc tế ngợi khen, vinh danh. Không chỉ du khách nước ngoài, ngay cả người Việt chúng ta khi lên kế hoạch du lịch đến một tỉnh, thành khác trong nước thì ẩm thực địa phương luôn là mối quan tâm hàng đầu. Ăn ngon thôi chưa đủ, bởi bản thân mỗi món ăn còn phản ánh các giá trị văn hóa, di sản, tinh hoa nghệ thuật bản địa. Do đó, các trải nghiệm ẩm thực, chẳng hạn trực tiếp nhìn đầu bếp chế biến và kể chuyện về từng món ăn, không gian cho thực khách tự tay chế biến, tranh/sách ảnh/video ẩm thực ba miền giúp thực khách tìm hiểu, chụp hình kỷ niệm là cần thiết. Thiết nghĩ, các nhà quản lý nên đặt phát triển du lịch ẩm thực là mục tiêu quan trọng, từ đó đưa ra chiến lược bài bản.

Bà Thanh Hương (phải) trao đổi với tiểu thương chợ Bình Triệu về việc sử dụng và phân phối túi ni-lông sinh học tự hủy
Bà Thanh Hương (phải) trao đổi với tiểu thương chợ Bình Triệu về việc sử dụng và phân phối túi ni-lông sinh học tự hủy

Là nơi quy tụ đông đảo bà con từ các tỉnh, thành đến học tập, làm việc và sinh sống, TP.HCM mang trong mình sự hòa quyện sâu sắc về ẩm thực Bắc, Trung, Nam, đặc sản miền nào cũng có. Các chợ truyền thống hiện nay có lợi thế lớn là không gian mở rộng rãi, tiểu thương cũng đa dạng, họ đến từ nhiều nơi mang theo các giá trị ẩm thực, giọng nói, phong cách ăn mặc đặc trưng của quê hương. Tại sao chúng ta không phát huy những điểm khác biệt này để làm ẩm thực du lịch? Bắt đầu từ một vài chợ nhỏ, có thể quy hoạch thành từng khu rau củ, đặc sản khô, thức ăn tại chỗ, mỹ phẩm, quần áo, trong đó, người bán sẽ mặc các trang phục phù hợp, tiện lợi song vẫn có thể giới thiệu được nét đẹp thời trang Việt là áo dài, áo bà ba, váy áo thổ cẩm. Không cần chuyên gia hay những gương mặt hướng dẫn viên mau lẹ, hãy để chính người bán mộc mạc, chân chất trực tiếp làm và nói về nguồn gốc, nguyên liệu, giá trị sức khỏe của từng món ăn. 

Gương mặt ẩm thực bên cạnh bày biện “hút mắt” còn phải sạch, thân thiện với môi trường. Nên chăng, việc sử dụng túi ni-lông sinh học tự hủy, các loại hộp giấy/bã mía, ống hút gạo/tre trong chợ truyền thống kiểu này cần có quy định nghiêm ngặt thay vì tuyên truyền rồi mạnh ai nấy làm. Để thực hiện được điều đó cần nguồn cung đảm bảo chất lượng, số lượng lớn và giá thành phù hợp. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng ban quản lý chợ Bình Triệu, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức 

 

Đại hội phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân

Trong nhiệm kỳ qua, dù đối mặt nhiều khó khăn, thành phố đã thực hiện thành công nhiều công trình, dự án quan trọng, tạo điều kiện để phát triển và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bàn về trách nhiệm lãnh đạo đối với sự phát triển của thành phố tiếp tục là một trong những đầu việc của đại hội lần này, không riêng chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà còn sự phục vụ mang lại hài lòng cho người dân, xứng đáng với niềm tin nhân dân. Đồng nghĩa với mỗi cán bộ, ở vị trí nào đều nỗ lực nêu gương, hoàn thành trách nhiệm, và được đánh giá thông qua thước đo là sự hài lòng của người dân.


Nhiều năm qua, thông qua nhiều kênh thông tin, thành phố thường xuyên tiếp nhận phản ánh, đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của cán bộ, như Quy định 1374 về tiếp nhận ý kiến phản ánh, Kế hoạch 305 về khảo sát, tiếp nhận ý kiến nhân dân cho sự phát triển… Việc làm đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân mà còn giúp cho cả việc thanh lọc, đào thải, thử thách cán bộ công chức qua môi trường làm việc và các hoạt động. Song song, thành phố luôn quán triệt tinh thần phát hiện những nhân tố xuất sắc, có tâm, có tài để bố trí vào các vị trí cần thiết nhằm phát huy năng lực, cùng tập thể thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục nêu cao tinh thần đẩy mạnh lượng hóa, cụ thể hóa các chỉ tiêu trong lựa chọn và sử dụng con người phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Nhưng để có đội ngũ cán bộ tốt không thể chỉ dựa vào bố trí của tổ chức mà phải có sự tham gia sâu rộng hơn nữa của nhân dân vào công tác cán bộ. Người dân có quyền, có trách nhiệm lựa chọn những người đại diện thực hiện sứ mệnh do mình giao phó và dùng quyền giám sát, bãi miễn khi cán bộ, đảng viên không còn xứng đáng. Từ đó, đại hội cũng đưa ra nhiều nội dung quan trọng, nhằm phát huy vai trò của nhân dân cùng các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, góp ý, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời 
kỳ mới. 

Đại biểu Trần Kim Yến - Bí thư Quận ủy Q.1


Chín mong mỏi của một nữ doanh nhân

Đại hội Đảng bộ TP.HCM là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của thành phố, được nhiều người, nhiều giới quan tâm. Tôi cũng vậy, cũng kỳ vọng đại hội sẽ mở ra một nhiệm kỳ mới với nhiều thành tựu hơn. Riêng tôi, cũng như nhiều người dân khác, mong muốn đại hội hãy bàn phương án quyết liệt hơn để thực thi ngay giúp dân:


1. Thêm đường đi (trên không, tàu điện ngầm) - phương tiện lưu thông nhanh chóng không kẹt xe.
2. Thêm bệnh viện để không còn tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
3. Thêm trường học bán trú để con em công nhân, người lao động bớt vất vả, chấm dứt cảnh “chạy trường”.
4.  Thuế các loại giảm xuống để doanh nghiệp bớt gánh nặng về thuế.
5. Kiến nghị bảo hiểm y tế khám chữa thêm một số bệnh hiểm nghèo.
6. Các gói hỗ trợ COVID-19 đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm.
7. Tạo thêm điều kiện cho người dân có thêm nhiều công ăn việc làm.
8. Giảm thiểu tình trạng cướp giật, trộm cắp trong cộng đồng dân cư.
9. Không còn cảnh ngập nước.

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên - Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mebipha

 

Hạnh Chi - Mẫn Nhi - Thanh Huyền - Diễm Trang - Phương Dung (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI