Những ngày này, tại trụ sở UBND phường Long Bình, quận 9 có nhiều người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính. Không người dân, doanh nghiệp nào bày tỏ sự lo lắng trước thông tin ba quận 2, 9, Thủ Đức lên thành phố.
|
Các thủ tục hành chính tại các quận 2, 9, Thủ Đức vẫn diễn ra bình thường. Người dân không quá bày tỏ sự lo ngại trước thông tin phải chuyển đổi các loại giấy tờ cá nhân vì với họ, đó là việc tất nhiên. |
Ngồi chờ đến lượt mình, bà Nguyễn Thị Lang (54 tuổi, phường Long Bình) nói: “Tôi đi… nhập khẩu cho con dâu”. Con trai bà Lang vừa kết hôn cách đây hai tuần nên bà đang làm thủ tục nhập tên con dâu vào hộ khẩu nhà mình. “Sao không đợi đến ngày TP. Thủ Đức vận hành, chuyển đổi giấy tờ nhập khẩu luôn một lần” - chúng tôi hỏi. Bà Lang thong thả: “Khi nào người ta (tức chính quyền - PV) kêu gọi chuyển đổi thì mình hẵng chuyển, lo gì”.
Theo bà Lang, những người bà quen biết không ai quá lo lắng trước thông tin phải chuyển đổi giấy tờ cá nhân khi TP. Thủ Đức vận hành. “Chuyện đó tất nhiên thôi. Tôi chỉ mong thời gian thực hiện việc chuyển đổi đó diễn ra nhanh và không mất nhiều thời gian đi lại” - bà Lang cho hay. Nói về cảm xúc được là thị dân của “thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước”, bà Lang hồ hởi: “Vui chớ! Quận 9 lâu nay còn dáng dấp nông thôn, lên thành phố thì chắc rất phát triển”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cũng bày tỏ niềm vui “Tôi thấy tự hào, cảm nhận được sự phát triển và định hướng phát triển của thành phố”. Theo ông Tuấn, khi trở thành thị dân của TP. Thủ Đức, không chỉ ông mà nhiều người qua trao đổi, đều chung sự háo hức trước những đổi thay. Ở đó, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên và người dân được chăm lo tốt hơn, sống trong đô thị văn minh hơn.
Với doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, chắc chắn sẽ có sự quan tâm, tạo thuận lợi phát triển và định hướng thúc đẩy kinh doanh từ chính quyền khi là một phần của thành phố trong thành phố.
|
Trước đó, ngày 3/10, người dân tại ba quận 2, 9, Thủ Đức đi bỏ phiếu về việc sáp nhập, thành lập TP. Thủ Đức. Người dân ba quận ủng hộ và phấn khởi trước việc thành lập thành phố trong thành phố. |
Theo ông Tuấn, mọi giấy tờ liên quan đến pháp lý như hợp đồng, giấy phép kinh doanh đều phải cập nhật lại theo đơn vị hành chính mới. “Đó là chuyện đi theo thôi!” - ông quả quyết. Song, ông Tuấn cho rằng, riêng địa bàn quận Thủ Đức có hàng chục ngàn doanh nghiệp, do đó, ông hy vọng chính quyền mới tạo điều kiện chuyển đổi giấy tờ, giấy phép kinh doanh và hàng chục thủ tục hành chính đi kèm được giải quyết trong thời gian nhanh nhất.
Liên quan đến thủ tục hành chính cho người dân, bà Đoàn Thị Thanh Điệp - Phó chủ tịch UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức cho hay: “Người dân và doanh nghiệp trên địa bàn phường rất phấn khởi, vui mừng khi thành lập TP. Thủ Đức. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp cũng bày tỏ sự lo lắng khi TP. Thủ Đức thành lập thì giấy tờ sẽ chuyển đổi như thế nào.
Qua công tác tuyên truyền của UBND phường về thành lập TP. Thủ Đức và truyền thông của báo chí, thì việc chuyển đổi giấy tờ sẽ được thực hiện miễn phí, người dân chưa có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ vẫn sử dụng bình thường. Về phía phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính bình thường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp an tâm khi thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động”.
|
Bà Đoàn Thị Thanh Điệp - Phó chủ tịch UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức trao đổi với một doanh nghiệp liên quan việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ miễn phí khi TP. Thủ Đức vận hành. Bà Điệp cho biết: "Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ chung. Phường luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để tạo điều kiện cho hoạt động phát triển của doanh nghiệp, sự thuận lợi cho người dân trong chuyển đổi giấy tờ" |
Ông Trương Trung Kiên - Chủ tịch UBND quận Thủ Đức khẳng định: “Trong giai đoạn chuyển tiếp (từ 1/1/2021 - 1/3/2021), các thủ tục hành chính tại quận vẫn sẽ tiến hành bình thường. Quận đẩy nhanh tiến độ giải quyết cho người dân, doanh nghiệp nếu có yêu cầu về thủ tục hành chính. Khi TP. Thủ Đức vận hành, mọi thủ tục sẽ thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền mới”. Ông Kiên cho hay, không riêng Thủ Đức mà hiện quận 2, 9 vẫn giải quyết thủ tục hành chính bình thường cho người dân. Riêng việc chuyển đổi giấy tờ sẽ theo lộ trình, kế hoạch của UBND TPHCM và người dân, doanh nghiệp không mất phí cho các chuyển đổi này.
Từ ngày 1/1/2021, TPHCM có 60 ngày để thực hiện việc sáp nhập. UBND TPHCM giao từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động kinh tế trên địa bàn.
|
TP. Thủ Đức thành lập trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức - được xem là cực tăng trưởng mới của TPHCM, dẫn dắt kinh tế cho TPHCM và các vùng lân cận |
Cụ thể, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP. Thủ Đức thuộc TPHCM, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người.
Tuyết Dân