Niềm tin tâm linh

16/02/2014 - 16:03

PNO - PNCN - Năm mới, chính là lúc người ta thường hăng hái tự nhủ phải mới hơn và tự tin bước tới. Xin nhẹ nhàng với câu hỏi, khi bước tới phía trước, trong hành lý ấy chúng ta đem theo những gì? Trong đó có niềm tin tâm linh không?

edf40wrjww2tblPage:Content

Với tôi, nếu chọn ý niệm huy hoàng nhất của “mã đáo thành công”, tôi chọn hình ảnh ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương. Qua đó, ông bà tổ tiên đã dạy nhiều bài học quý báu. Thứ nhất, giặc Ân không có thật, nhưng nhân dân chân lấm tay bùn từ ngàn đời đã xây dựng nên một huyền thoại nhắc nhở con cháu đời sau phải tỉnh táo, cảnh giác nạn ngoại xâm. Sau khi thắng giặc, đất nước ca khúc khải hoàn cũng là lúc người anh hùng phải biết quên mình, không ở lại tranh giành công trạng.

Niem tin tam linh

ẢNH: PHÙNG HUY

Biểu tượng Phù Đổng Thiên Vương cỡi ngựa sắt về trời sau khi đã làm xong ân đức, còn dạy bài học gì nữa?

Tôi nghĩ, trong tâm linh của ông bà tổ tiên, khi đánh giặc còn có cả sự phù trợ của các đấng khuất mày khuất mặt. Do đó, đừng bao giờ khiếp sợ trước bất kỳ kẻ thù nào. Sau chiến thắng Nguyên Mông, ngày 18/4/1288, vua Trần Nhân Tông trở về làm lễ báo tin thắng trận tại lăng Trần Thái Tông - ông vua anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258. Lúc làm lễ, nhìn thấy chân ngựa đứng chầu quanh lăng đều lấm bùn, nhà vua cho là thần linh hóa thân vào ngựa đá ngầm giúp. Chao ơi! Khi nước nhà lâm nguy, ngay cả ngựa đá cũng đồng lòng ra trận. Do đó, vua Trần xúc động ứng khẩu hai câu thơ hào sảng mà cũng rất tâm linh:

Xã tắc hai phen phiền ngựa đá,

Non sông nghìn thuở vững âu vàng

Không phải là nhà nghiên cứu sử, nhưng tôi dám quả quyết rằng, trong hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, nếu thâu gọn lịch sử nước nhà trong một chữ, chỉ có thể là chữ “đánh”. Những trận đánh lừng danh trong năm Ngọ, có thể kể đến Mậu Ngọ (1078): Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt và bài thơ “Nam quốc sơn hà” - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta ra đời; Mậu Ngọ (1258): đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất; Giáp Ngọ (1954): chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội địa cầu.

Qua cụ Đồ Chiểu, tôi nghĩ đến tinh thần ái quốc của người con đất phương Nam. Không phải ngẫu nghiên khi viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ viết một câu thần sầu quỷ khốc, đọc nổi da gà: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”. Rõ ràng âm dương không cách biệt. Có đời sau, có kiếp trước. Có ác giả ác báo. Có người âm phù hộ, phán xét, trừng phạt người dương. Sự vong như sự tồn…

Lòng tin này chính là “rào cản” về mặt tâm linh, dù vô hình nhưng con người ta phải biết sợ hãi để tự sửa mình, tự răn mình. Sống thế nào cho phải đạo, câu hỏi ấy, tự nó đã là lời nhắc nhở. Đầu xuân, tôi tự hỏi, có phải “rào cản” ấy ngày càng nhạt đi chăng? Nếu không, ta sẽ lý giải thế nào về quá nhiều chuyện trái khoáy. Vì sao nhiều người không sợ lương tâm cắn rứt? Không ít kẻ nhắm mắt chăm bẵm thu về cái lợi, cái danh bằng mọi cách “hy sinh đời bố củng cố đời con”? Ấy là do không sợ pháp luật hiện hành nên họ dám làm càn, làm ẩu. Nếu sống với tâm linh “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” ắt có người sẽ chùn tay.

Ông bà ta dạy, “ở hiền gặp lành”. Vì tin, nên trong đời vẫn còn đó những tấm lòng tốt. Còn đó những con người biết sống vì cộng đồng, vì niềm vui của người khác. Nhìn hình ảnh lộc nhú đầu xuân, ai cũng nghĩ đến sự may mắn, an lành đang nẩy nở từng ngày. Nhìn trong nắng xuân xanh vẫn còn thấy người đi lễ chùa, nhiều chuyến đi làm từ thiện… tự dưng trong lòng rộn ràng niềm vui mới.

Khi niềm tin tâm linh còn tồn tại, tự mỗi con người sẽ biết cách ứng xử trong đời thế nào cho phải đạo. Không là ràng buộc của văn bản pháp lý, tôi nghĩ “rào cản” tâm linh lại có một sức mạnh vô biên. Sức mạnh ấy chính là tự ý thức vun đắp mầm thiện đơm hoa kết trái theo từng ngày, từng giờ… Vun đắp ngay trong hành động của chính mình, chứ nào phải đâu xa.

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI