Niềm tin không nhập khẩu được

14/09/2017 - 08:49

PNO - Niềm tin là thứ tài sản vô giá, mất nó là mất tất cả. Niềm tin cũng không thể đi mua hay nhập khẩu, nhưng có thể xây dựng được dựa trên những giá trị cụ thể, chân thực.

Câu chuyện không có thực - “nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan” có vẻ ồn ào dư luận trong thời gian qua. Những người có xu hướng ủng hộ cho rằng, giáo dục Phần Lan được đánh giá là số 1 thế giới, chẳng học họ thì còn học ai.

Niem tin khong nhap khau duoc

Thế nhưng, đại đa số ý kiến có xu hướng không ủng hộ và cho rằng không thể du nhập chương trình giáo dục của một quốc gia khác có trình độ và điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội rất phát triển để mang về áp dụng cho Việt Nam chúng ta.

Và tôi tin rằng, Bộ GD-ĐT có làm gì đi nữa trong thời điểm hiện tại thì cũng bị phản bác, bởi cái thiếu nhất của dân chúng đối với ngành GD-ĐT nước nhà là niềm tin!  

Quả thật, nền giáo dục của nước nhà đã trải qua bao cuộc cải cách, đổi mới liên miên, đến mức giáo viên và học sinh không theo kịp, những ai không có sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục chắc chắn sẽ không biết gì về nó… nhưng chất lượng giáo dục thì cứ ngày càng đi xuống.

Đó là chưa nói đến căn bệnh chạy theo thành tích, cho điểm khống, khiến học sinh học đến lớp 8 mà không biết đọc biết viết, đạo đức học sinh ngày càng xuống cấp… Trách sao xã hội không có niềm tin! Mà nói chi đến xã hội. Ngay trong nội bộ ngành GD-ĐT cũng chẳng có niềm tin vào nhau.

Ở phổ thông, bậc học trên không tin vào kết quả bậc học dưới nên mới phải tổ chức thi tuyển đầu cấp. Các trường đại học không tin vào kết quả giáo dục phổ thông nên cứ đòi phải có kỳ thi tuyển sinh đại học riêng. Nội bộ các trường đại học cũng không tin nhau nên không công nhận các tín chỉ của nhau.

Niem tin khong nhap khau duoc

Tất nhiên, người sử dụng lao động cũng không tin chất lượng đào tạo của các trường đại học vì các trường này cũng chỉ thích báo cáo láo, nhất là sau vụ “khảo sát một người” mà công bố “100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm” mới đây. Phụ huynh nhiều khi thấy con được điểm 9 điểm 10 nhưng cũng không dám tin con mình học giỏi. 

Còn nội dung chương trình, mỗi lần giảm tải là mỗi lần cặp học sinh lại thêm căng phình, trĩu nặng; mỗi lần giản lược là mỗi lần thêm khó hiểu với học trò, nhà trường phải tăng tiết mới tải hết chương trình, học trò phải học tối mày tối mặt mới có thể theo kịp.

Đã ba lần cải cách và đổi mới giáo dục. Chương trình phổ thông mới đang được xây dựng là cuộc thay đổi thứ tư. Có “ra ngô ra khoai” gì không còn chưa biết, nhưng người ta cũng không tin là nó sẽ thành công.   

Niềm tin là thứ tài sản vô giá, mất nó là mất tất cả. Niềm tin cũng không thể đi mua hay nhập khẩu, nhưng có thể xây dựng được dựa trên những giá trị cụ thể, chân thực. 

Thôi thì dù có chủ trương hay kế hoạch gì gì đi chăng nữa, nhưng ngay từ bây giờ ngành GD-ĐT hãy bớt vẽ vời, bớt thay đổi, bớt nói… mà hãy tập trung vào làm thật tốt mọi thứ đang có bằng cái tâm của những người làm giáo dục chân chính.

Lúc ấy niềm tin sẽ trở lại. Dư luận xã hội rất khắt khe, nhưng cũng rất vị tha.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI