Niềm riêng sau giấc mơ gọi tên Tổ quốc

30/08/2017 - 10:03

PNO - Vinh quang dành cho những đôi chân quả cảm luôn tiến về phía trước. Nhưng không nơi nào như ở đây, có những chiến công lại đi từ... ngõ hẻm, cất tiếng nói “mang vinh quang về cho Tổ quốc” nơi những vỉa hè…

1.​ Có gì liên quan giữa đôi tay vàng nội dung nhảy chống - thể dục dụng cụ của vận động viên Lê Thanh Tùng và bàn tay thuần thục khuấy đều ly cà phê sữa đá của mẹ Tùng, chị Trinh? Chẳng gì cả, ngoại trừ đôi bàn tay ấy, gương mặt ấy không nề hà đội nắng che mưa, nép mình bên cái vỉa hè chật hẹp của khu phố Tây Phạm Ngũ Lão với xe bánh mì cà phê để âm thầm đỡ đần, nuôi nấng, kỳ vọng vào những cú xoay người trên không tuyệt đẹp, cú tiếp đất chính xác, không thể thăng bằng hơn của cậu con trai - huy chương vàng giải Thể dục dụng cụ thế giới 2017, vô địch châu Á 2017,  bảo vệ thành công chiếc huy chương vàng SEA Games từ năm 2015 đến 2017. 

Niem rieng sau giac mo goi ten To quoc
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM gửi lời chúc mừng, động viên và cảm ơn vì những chiến công mà cô gái vàng Lê Tú Chinh và huấn luyện viên Thanh Hương đã đạt được tại SEA Games 29

Sáng 29/8, chúng tôi đến thăm mẹ Tùng, chị vui mừng chiêu đãi khách mỗi người một ly cà phê, tôi đùa, kiểu này chắc thế nào cũng bị bác Hải "hốt" cho coi, chị cười gật gật. Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, nắm vai chị đầy vẻ thông cảm, vẫn còn trong vạch vôi mà, chắc không sao! Rồi câu chuyện cứ thế đi về phía… mưu sinh, nơi ấy có người cha tối ngày chạy xe ôm, người mẹ bám vỉa hè từ 15 năm nay, thảy thằng con trai cho ông ngoại nuôi nấng. Rồi nó theo nghiệp thể thao, xa nhà miết. Hôm nào được về phép là lại ra vỉa hè phụ mẹ nướng bánh mì, đập đá pha cà phê. Nhớ con, hễ biết lịch thi đấu là mẹ tranh thủ vừa bán vừa mở điện thoại canh coi.

Sáng 23/8, Tùng lập cú đúp, ẵm luôn hai tấm huy chương vàng nội dung nhảy chống và xà đơn nam (cộng thêm huy chương vàng đồng đội). Phía bên kia, nơi nhà thi đấu Kuala Lumpur, quốc kỳ Việt Nam được trang trọng kéo lên trong khí nhạc quốc ca, phía bên này, mẹ chỉ biết cười và vui mừng khôn xiết. “Tấm huy chương quý giá này em xin dành tặng ông ngoại, mong ông mau khỏe”, nhà vô địch nói gọn. “Chỉ mong con khỏe, rèn luyện tốt để mang vinh quang về cho Tổ quốc”, mẹ của nhà vô địch nói ngắn. 

Niem rieng sau giac mo goi ten To quoc

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM thăm hỏi mẹ của VĐV Lê Thanh Tùng đang bán hàng bên vỉa hè.

Là thế, mỗi ngày, trên những nẻo đường bạn đi qua, vẫn đâu đó những chiếc xe bánh mì hay nồi bắp luộc, họ đi về trong cuộc mưu sinh tối sớm; và cũng chính họ, sau mọi lo toan, đã thấu hiểu để thốt lên “mang vinh quang cho Tổ quốc”, giản dị, chân thành và tin cậy.

Tôi nhìn lại, những tấm huy chương lấp lánh hình như vẫn không thể đổi màu tóc cho chị bớt bạc nắng hơn, nhưng nó khiến nụ cười chị cứ luôn ngời sáng, hạnh phúc, tự hào mỗi khi nói về con trai. Tùng vẫn chưa được về thăm nhà, sau khi kết thúc phần thi đấu vang dội, từ Malaysia, Tùng bay thẳng về Hà Nội, lại tiếp tục lao vào luyện tập cho ASIAD 2018. Chàng trai 22 tuổi, hứa hẹn là sự nối tiếp ngọt ngào từ Trương Minh Sang, Phạm Phước Hưng trên những vòng treo, cầu thăng bằng, nhảy ngựa…

Niem rieng sau giac mo goi ten To quoc
Lê Thanh Tùng làm rạng danh thể dục dụng cụ Việt Nam trên đấu trường SEA Games 29. Ảnh: VTV

2. Một trong những công nghệ đang được khá nhiều vận động viên ứng dụng là Coach’s eye (đôi mắt của huấn luyện viên). Phần mềm chuyên dụng này được cài đặt trên máy điện thoại thông minh, giúp ghi lại hình ảnh tập luyện, thi đấu của vận động viên, có thể quay chậm để huấn luyện viên phân tích, tìm ra những điểm hạn chế, có giải pháp để vận động viên cải thiện thành tích thi đấu. 

Sáng 29/8, khi đến thăm cô gái vàng Lê Tú Chinh, 20 tuổi, người lần đầu tham dự SEA Games đã lập cú hat - trick 3 huy chương vàng điền kinh 100m, 200m và chạy tiếp sức, tôi nhìn thấy “coach’s eye”, nhưng không phải là thứ công nghệ cài đặt trên hệ thống của Apple mà nó được khởi nguồn và nuôi dưỡng từ chính người thầy đầu tiên, cũng là duy nhất (đến thời điểm này) của Chinh, huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương.

Ba của Chinh bỏ mấy cuốc xe, chạy về khi hay nhà có khách. Ông hiền lành, ít nói, đi tìm cho đủ ghế ngồi. Cô gái vàng hơi bẽn lẽn. Vậy là như mọi khi, mọi việc, huấn luyện viên Thanh Hương lại phải là người “bao sân”. Người phụ nữ xuất thân từ vận động viên, từng là vô địch quốc gia về nội dung cự ly ngắn, hẳn nhiên vị trí huấn luyện viên là sự lựa chọn tối ưu. Nhưng hơn thế, sự đồng cảm của hai thầy trò lại đến từ một tuổi thơ mồ côi mẹ, chọn nghiệp thể thao điền kinh, ngay chính nội dung mà huấn luyện viên Thanh Hương từng chiếm giữ trong suốt 20 năm, lại bị Lê Tú Chinh soán ngôi. 

Niem rieng sau giac mo goi ten To quoc

Tú Chinh đoạt 3 HCV tại kỳ SEA Games 29 trên đất Malaysia

Giữa rừng câu chuyện thể thao, thành tích, người hâm mộ, chị say sưa dành hết cho học trò, cũng là đứa con gái trầm tính, ít nói, thật thà và… yêu sớm! Hỏi Chinh đã có người yêu chưa, cô cười như một sự thú nhận. Chỉ có huấn luyện viên Thanh Hương là…đổi sắc mặt. Chị khiến chúng tôi nín cười vì cái cách “xù lông nhím” của một người mẹ hơn là một huấn luyện viên. Chả sao, chị bảo, tôi chỉ lo, rồi đây những đợt tập huấn, học hành, có khi kéo dài 2, 3 năm, liệu có đợi chờ nhau được hay không, không ai biết trước được điều gì. Như tôi, người ta cũng phải chờ đến 12 năm… chị bỏ lửng. 

Mạch chuyện đang nương theo hành trình luyện tập, thi đấu, chấn thương của Chinh, tôi bỗng nghe chị thốt lên rất tình cờ, thấy con bé đang chạy trên sân bỗng dưng khựng lại, tôi hoảng hốt. Trong đầu tôi khi ấy chỉ nghĩ và cầu mong, chỉ cần nó về đích an toàn, tay chân nó không bị gì, tôi chẳng cần thành tích gì nữa hết…

Chả có một phần mềm hay bất cứ công cụ nào đủ để phân tích cái “dữ liệu” của trái tim người phụ nữ này, mọi thành tích trên mọi đường đua không thể đứng cao hơn sự an toàn cho một con người. Tôi ngắm nhìn họ, hiểu vì sao giây phút khoác lên mình tấm quốc kỳ, nhà vô địch SEA Games 29, người góp công đầu vào việc viết nên trang sử mới cho điền kinh Việt Nam đã nói: “Huy chương này, người đầu tiên con muốn tặng là cô…”.

3. Thật sự tôi tò mò, không phải vì mái tóc con trai của Bích Thùy mà là vóc dáng như… cây kẹo của cầu thủ tiền vệ biên mang áo số 16. Con số này dũng mãnh trên sân bao phen, trong trận cầu với Singapore, Thùy ghi một bàn trên chấm phạt đền và cũng là người kiến tạo đường banh tuyệt vời cho Huỳnh Như nâng tỷ số; trong trận gặp Myanmar, khi tỷ số đang trở về 1-1, mọi lo lắng đè nặng lên cầu trường thì từ khoảng cách khá xa, sau hai nhịp chỉnh bóng, Thùy đá căng, tạo nên siêu phẩm 2-1. Yêu nhất là cái cách ăn mừng bàn thắng, cô gái người Quảng Ngãi chạy 1 hơi về phía đồng đội, như ngã hết về phía những cánh tay, chiến thắng này, Thùy đâu nghĩ của riêng mình. 

Niem rieng sau giac mo goi ten To quoc

Giọt nước mắt đã rơi khi cô con gái nhỏ Bích Thùy nhắc về người cha thân yêu đã ra đi

Tôi tò mò vì cái dũng mãnh ấy trên sân như bay biến, Bích Thùy ngồi đó, cạnh thủ môn Kiều Trinh, cô nhỏ bé, hiền lành, khiêm tốn. Cô hầu như không nói gì về thành tích, người cứ như muốn thu lại khi được ai đó ngợi khen. Cả Kiều Trinh dày dạn chinh chiến, cũng thế.

Khi ai cũng tỏ ra quan tâm đây là kỳ SEA Games cuối cùng Trinh tham dự vì cô đã bước qua tuổi 33, rồi hỏi nào là cảm xúc, nào là sự tiếc nuối, chia tay… Trinh bình thản như cái vẻ cô luôn có khi đứng trước cầu môn, làm người trấn giữ đầy tin cậy, vững chắc trong suốt 13 năm qua của tuyển nữ bóng đá. Cô nói, chỉ mong tìm được đàn em thay thế, tôi sẽ theo nghiệp huấn luyện viên, chúng tôi đã là một gia đình…

Niem rieng sau giac mo goi ten To quoc

"Tôi luôn vững tin vào đồng đội. Tôi mong các em sẽ tiếp nối con đường của các cầu thủ đi trước... Chúng tôi mãi mãi là một gia đình" - Kiều Trinh, thủ môn đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Nhìn nước da sạm nắng, nhìn sự gân guốc nơi những đôi tay, dù biết là nghiệp cầu thủ, tôi cũng không khỏi ái ngại. Một sự ái ngại cực kỳ không cần thiết, nói cách khác, là sự mềm yếu… lạc lõng. 

Chỉ khi tình cờ nhắc câu chuyện không về kịp với người cha thân yêu trong giờ phút sau cùng, chiếc áo số 16 ấy đã không thể nói nên lời, cô xin phép đừng nhắc lại bởi cô tin, con đường cô đang đi, có cha lặng lẽ nhìn. Kiều Trinh không cầm được nước mắt. Chúng tôi lặng im trong cuộc chia tay. Trưa nay, Trinh về Sa Đéc thăm nhà. Thùy đưa mẹ ra bến xe cùng về Quảng Ngãi. 

Ngoài kia chiến thắng vẫn đang dội về từ đấu trường SEA Games. Vinh quang dành cho những đôi chân quả cảm luôn tiến về phía trước. Nhưng không nơi nào như ở đây, có những chiến công lại đi từ... ngõ hẻm, cất tiếng nói “mang vinh quang về cho Tổ quốc” nơi những vỉa hè… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI