Tháng Tư này đánh dấu một sự kiện đặc biệt, một giấc mơ ấp ủ bấy lâu đã thành hình, viết tiếp sứ mệnh của Christine Hà - người quán quân MasterChef (Vua đầu bếp Mỹ) năm 2012. Cô gái nhỏ nhắn với nụ cười tỏa nắng sẽ tiếp tục gieo ánh sáng của niềm tin yêu cuộc sống, tiếp tục kết nối cả thế giới bằng nghệ thuật ẩm thực Việt.
“Ánh sáng” kết nối từ vị giác
“Chef Hà”, “Nữ đầu bếp khiếm thị” - là cách mà nhiều người nhắc đến quán quân chương trình MasterChef Christine Hà. Nhà hàng mang tên “The Blind Goat” (tọa lạc ở khu phức hợp nhà hàng Bravery Chef Hall, Houston) chính là “hiện thân” Christine Hà, bởi nhắc đến The Blind Goat, người ta sẽ nhớ ngay đến cô đầu bếp chẳng thể nhìn thế giới như cách mà mọi người nhìn qua đôi mắt, là một cô gái sinh năm Kỷ Mùi 1979.
Chọn cái tên thật giản dị nhưng những gì chất chứa, gói ghém bên trong đặc điểm nhận dạng ấy là cả thế giới đầy hương vị mà Christine Hà muốn gửi gắm đến những ai xem gian bếp là thánh đường của sự sáng tạo, của sự biến tấu công thức và gia vị.
|
Christine Hà hiểu mình sẽ cần phải chuyển tải một thứ ngôn ngữ đặc biệt, là ngôn ngữ ẩm thực với chất liệu không thể thiếu là hương vị món ăn Việt Nam. |
The Blind Goat ra đời đánh dấu nhà hàng đầu tiên của Christine Hà, đúng bảy năm sau ngày cô vượt qua 30.000 gương mặt tài năng để chạm đến danh hiệu đầu bếp giỏi nhất từ MasterChef. Nhà hàng được ví như đứa con mà Christine Hà trau chuốt, dành hết tâm sức, bởi chẳng dễ để kể câu chuyện ẩm thực Việt giữa nơi mà mọi người sinh ra, lớn lên với pho mát và bột mì. The Blind Goat với thực đơn phần lớn là món ăn Việt Nam, qua đó, Christine Hà hiểu mình sẽ cần phải chuyển tải một thứ ngôn ngữ đặc biệt, là ngôn ngữ ẩm thực.
Sinh ra và lớn lên tại Nam California trong gia đình gốc Việt, món ăn nguồn gốc quê hương của cha mẹ được rao truyền xuyên suốt tuổi thơ, trở thành một phần không thể thiếu của Christine Hà. Món ăn Việt Nam trong Christine Hà được ví như một “điểm hẹn”, nơi ấy quy tụ những nét đẹp của văn hóa ẩm thực mà cô đã chắt chiu.
Năm 2012, trong đêm thi chung cuộc, Christine Hà giành chiến thắng với thực đơn mà cô gọi là “bản giao hưởng của hương vị” với phần lớn chất liệu đến từ quê hương Việt Nam. Món ăn với cơm thịt kho, trứng ốp-la, gỏi đủ đủ, kem dừa gừng đã tạo nên sự hòa quyện tinh túy chinh phục những giám khảo khó tính.
Mỗi thử thách đến với ai đó đều mang đến trở ngại và cả cơ hội. Năm 20 tuổi, Christine Hà bất ngờ gặp vấn đề về thị lực, mắt cô bắt đầu phủ lớp sương mù, mọi thứ trở nên nhạt nhòa, cho đến lúc tất cả biến mất khỏi tầm mắt. Hội chứng Devic (khoa học gọi là Neuromyelitis optica, viêm thần kinh thị giác và viêm tủy sống cấp tính) - cái tên lạ lẫm ấy bỗng trở thành thứ mà Christine Hà nhận ra cô phải chung sống suốt quãng đời còn lại.
Chính Christine Hà có lẽ phải cảm ơn mình bởi cô đã học được cách mở một cánh cửa khác cho tâm hồn. Cô dần nhận ra mình cảm thụ thật rõ sự kỳ diệu của nghệ thuật ẩm thực, thấm rõ vị món ăn bởi vị giác may mắn bỗng trở nên nhạy cảm hơn người bởi phần khiếm khuyết thị giác đã cướp đi ánh sáng từ đôi mắt mình. Thị giác mất dần cũng là lúc Christine Hà biết mình đang lao vào một cuộc phiêu lưu mới mẻ.
Việt Nam - Bếp ăn của thế giới
Hơn 10 năm trước, cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler trong một lần tham dự một hội thảo ở TP.HCM đã nhận định: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam có thể định vị mình là nhà bếp của thế giới”. Các chuyên gia ẩm thực cũng như khách du lịch hoặc bất cứ ai một lần thưởng thức món ăn Việt Nam đều phải thừa nhận có sức hút khó cưỡng, chẳng thể lẫn với bất cứ hương vị ẩm thực từ quốc gia nào.
Nước Pháp nổi tiếng với hình ảnh bánh mì baguette nhưng chính người Pháp cũng không tưởng tượng được phiên bản bánh mì sau đó được chuyển hóa thành ổ bánh mì khoảng 30cm đặc trưng của người Việt. Bánh mì Việt Nam gây ấn tượng mạnh với thực khách thế giới đến mức từ “bánh mì” không được dịch sang những từ thông dụng như baguette, bread hay sandwich mà đi hẳn vào từ điển tiếng Anh Oxford tháng 3/2011 với cái tên “bánh mì”.
Chuyên trang đánh giá tất tần tật những thứ liên quan đến du lịch Lonely Planet đưa món ăn này vào danh sách “10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới”. Năm 2014, bánh mì lọt top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới theo bình chọn của Huffington Post. Lần lượt các bảng xếp hạng của những trang như Traveller, Fodor’s Travel cũng nhắc đến bánh mì như món phải thưởng thức khi nhắc đến ẩm thực Việt.
Việt Nam không chỉ có phở - món ăn ghi đậm dấu ấn Việt với bạn bè quốc tế (từng có mặt trong bảng xếp hạng 100 món ăn ngon nhất thế giới do Liên minh Kỷ lục Thế giới Wordkings bình chọn, từng được các kênh truyền thông hàng đầu thế giới nhắc đến), hay bánh mì mà còn vô số món ăn có thể chinh phục bất cứ ai từ lần đầu tiên.
Ẩm thực Việt Nam là một kho tàng mà có lẽ, hơn muôn ngàn lời nói, hương vị trong từng món ăn sẽ là lời thuyết phục mạnh mẽ nhất, rằng sự kết nối từ hương vị Việt là vô cùng, vô tận.
THIÊN NHƯ