Niềm cảm hứng bất tận mang tên Aung San Suu Kyi

11/11/2015 - 09:15

PNO - Xuyên suốt cuộc bầu cử ở Myanmar vừa qua, người dân nước này và cả thế giới như cùng dõi theo ánh mắt quyết đoán của bà Aung San Suu Kyi.

Niem cam hung bat tan mang ten Aung San Suu Kyi
Nụ cười và ánh mắt hiền hòa, cương trực của bà San Suu Kyi đã khắc sâu trong tâm trí người dân ủng hộ bà - Ảnh: OPINION. BDNEWS24.COM

Chính ông Cherry Zahau, người của đảng đối lập Chin Progressive cũng phải thốt lên: "Thật không thể tin nổi. Cử tri chỉ biết mỗi bà Aung San Suu Kyi". Người phụ nữ này đã trở thành hình mẫu truyền cảm hứng cho lòng tự tôn dân tộc...

Người dân Myanmar vốn yêu quý San Suu Kyi từ trước khi bà quyết định dấn thân vì đất nước. Tình yêu quê hương và niềm tự hào giống nòi của bà được truyền từ người cha vĩ đại, tướng Aung San và người mẹ Khin Kyi giàu tâm huyết với tương lai đất nước.

Tướng Aung San là người giải phóng Myanmar thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh và phát xít Nhật. Ông bị ám sát khi Suu Kyi mới hai tuổi. Bà Khin Kyi nhìn thấy tâm huyết của người chồng quá cố ở con gái, nên đã quyết tâm bồi đắp cho con một nền tảng tri thức vững chắc, truyền cho con ý thức dân tộc mạnh mẽ. Năm Suu Kyi 19 tuổi, bà Khin Kyi gửi con sang Mỹ, học tại trường Oxford danh tiếng, sau khi cô tốt nghiệp cử nhân chính trị ở Ấn Độ.

Aung San Suu Kyi từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc ba năm, chuyên về vấn đề ngân sách và thường tham khảo ý kiến của người yêu là tiến sĩ người Anh Michael Aris, một học giả về văn hóa.

Năm 1971, họ kết hôn. Suốt 17 năm hôn nhân, bà chỉ lo công việc nghiên cứu và vun đắp mái ấm của mình. Bà chăm chút cho hai con Alexander và Kim Aris từng bữa ăn, tiếng cười của con là phần thưởng của mẹ.

Nhiều người bạn của Suu Kyi phát bực vì bà cứ khăng khăng ủi từng chiếc khăn tay, đôi vớ cho chồng, vui vẻ giành hết mọi việc trong nhà. Họ đâu biết, người đàn bà ấy dù hài lòng với vai trò nội tướng nhưng vẫn âm thầm hướng về quê hương

Niem cam hung bat tan mang ten Aung San Suu Kyi
Bà San Suu Kyi được người dân mọi miền đất nước ủng hộ - Ảnh: COLLECT

Năm 1988, hay tin mẹ bị đột quỵ, bà Suu Kyi tạm biệt chồng con trở về Myanmar. Bà không ngờ, lần từ giã này đã lấy đi của bà rất nhiều điều mà mãi đến hôm nay, trái tim người mẹ, người vợ vẫn còn thổn thức.

Thông tin con gái của vị anh hùng dân tộc trở về lan nhanh, đúng thời điểm đất nước có nhiều rối ren, người dân xác định họ cần bà San Suu Kyi. Thấy vợ mình liên tục xuất hiện trên truyền hình, giữa vòng vây của đám đông, ông Michael Aris tự nhủ, tất cả những gì mình có thể làm được là quán xuyến việc nhà, giúp vợ yên tâm theo đuổi nợ-nước-non.

Năm 1989, bà chịu sự quản thúc tại gia của chính quyền, hai vợ chồng sống những năm tháng ở lằn ranh của sự lựa chọn: hoặc bà Suu Kyi tiếp tục thiên chức người vợ, người mẹ; hoặc bám trụ cùng đồng bào, tìm lối thoát cho vận mệnh của Myanmar. Cuối cùng, họ chọn xa nhau về địa lý, nhưng mãi có nhau trong tâm tưởng.

Mãi đến năm 1995, ông Michael và các con mới được gặp lại bà tại Myanmar. Phút giây trùng phùng ngắn ngủi, sau đó tình yêu dân tộc buộc bà quyết định ở lại quê nhà, đồng nghĩa với việc chia cắt chồng con vĩnh viễn.

Năm 1999, ông Aris bị ung thư giai đoạn cuối nhưng họ vẫn không thể nhìn mặt nhau lần cuối. Bà Suu Kyi đã mặc chiếc váy chồng mình thích nhất, gắn một bông hồng trên tóc rồi đến Đại sứ quán Anh, ghi lại đoạn video nói lời chia tay với chồng - rằng tình yêu ông dành cho bà là điểm tựa duy nhất bao nhiêu năm qua.

Đoạn video ấy tiếc là đến với ông Michael quá muộn, hai ngày sau khi ông mất. Trái tim bà San Suu Kyi hẳn là rỉ máu khi 17 năm hôn nhân mặn nồng đã rẽ lối thành 21 năm xa cách, để rồi đoạn tuyệt mãi mãi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI