Nick Vujicic và văn hóa đám đông

28/05/2013 - 17:47

PNO - PN - Nick Vujicic - người không tay không chân nổi tiếng thế giới - đã đến Việt Nam bằng xương bằng thịt. Anh đã đến, đã “truyền cảm hứng”, đã khiến bao nhiêu người “phát cuồng” về nghị lực sống, về cách chúng ta ứng xử...

Thế nhưng, cùng với những hiệu quả tích cực trên, Nick Vujicic cũng đã đồng thời tạo ra những kết cục không mong muốn, mà cái tệ nhất - thật mỉa mai - lại chính là kiểu hành xử giữa người với người, giữa các cá nhân, đơn vị liên quan và cả đám đông vốn chẳng liên quan gì đến Nick.

Ngay từ khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Nick đã tạo ra một dư luận bất thường: một loạt phóng viên văn hóa văn nghệ lên Facebook dè bỉu anh và đơn vị tổ chức. Nhiều người bảo chẳng quan tâm đến Nick, rằng họ kính trọng những điển hình khuyết tật, vượt khó, tài năng của Việt Nam hơn và rằng việc phải chi đến 31 tỷ để đưa anh sang là hết sức lãng phí, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Nick Vujicic va van hoa dam dong

Những chia sẻ đó lẽ ra đã rất thuyết phục nếu thông tin hậu trường không bị tung ra - nhiều trong số những người viết “tâm thư” bài xích chuyến du thuyết của Nick là những người đã không được đối xử trọng thị như họ vẫn thường được như thế khi hoạt động trong làng văn nghệ. Tin cho biết các “phóng viên”, hầu hết từ các trang mạng, đã bị “cản trở tác nghiệp” - không thể tiếp cận để chụp ảnh Nick vì lý do đảm bảo an ninh, sức khỏe cho anh. Nhiều người cũng không được mời dự buổi gặp gỡ của Nick với báo giới, bởi thư mời chỉ dành cho doanh nhân và phóng viên kinh tế.

Như vẫn thường thấy trong những vụ ồn ào của làng giải trí: các “anh hùng bàn phím” bắt đầu xắn tay áo xông vào tấn công nhau, tạo ra một cơn “sốt vé” ngoài dự kiến. Nếu thử làm một cuộc khảo sát, lượng status liên quan đến Nick Vujicic trên Facebook trong đêm ấy cũng nhiều không kém sự cố mất điện toàn miền Nam, thậm chí còn trở thành cuộc “bàn phím chiến” kéo dài nhiều ngày sau đó. Trên mặt báo cũng xuất hiện nhiều bài viết liên quan đến Nick, đến mức các hãng tin nước ngoài cũng phải vào cuộc tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra ở Việt Nam và vì lẽ gì Nick lại gây sốt đến vậy.

Công bằng mà nói, Nick Vujicic chẳng có gì đáng trách. Anh là một người khuyết tật tài năng. Anh dùng tài năng và sức hút của mình kiếm sống và anh xứng đáng có được những thành quả như hôm nay.

Nếu xét từ góc độ kinh tế thì việc một doanh nghiệp chi cả chục tỷ để triển khai một dự án và nhờ đó thu lợi gấp nhiều lần cũng là điều đáng hoan nghênh. Đáng bàn chăng là cách thức câu chuyện diễn ra và hiệu quả/hậu quả cuối cùng của nó. Giờ thì người ta đang đặt lại dấu hỏi về mục đích từ thiện thực sự của dự án đưa Nick đến Việt Nam khi lãnh đạo doanh nghiệp xác nhận bản thân đã được nổi tiếng thế nào nhờ Nick trong những lời cảm ơn tràn ngập tiệc chia tay. Người ta bức xúc trước thông tin rằng 30% kinh phí của dự án là dành cho truyền thông - thông tin, đánh đồng tất cả những bài báo tử tế, nghiêm túc về Nick Vujicic với những bài PR mà giới doanh nghiệp thường chi tiền mua.

Chuyến du thuyết của Nick Vujicic đến Việt Nam đã có lợi cho anh, cho cá nhân lãnh đạo và doanh nghiệp T. Nhưng chuyến đi ấy cũng đã gây ra nhiều tổn thương trong lòng người Việt - những tổn thương mà dù là 31 tỷ hay 180 tỷ cũng khó lòng bù đắp. Sẽ còn bao nhiêu người tin vào các dự án mang danh từ thiện, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho người khuyết tật? Bao nhiêu người sẽ còn có thể nhìn mặt nhau sau những cuộc chiến bàn phím mấy ngày qua? Bao nhiêu người sẽ bẽ bàng khi nghĩ về một đất nước không chỉ nghèo tiền mà nghèo nàn cả văn hóa ứng xử?

 PHẠM THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI