Giới hạn của nhượng quyền?
Khi cánh tay của những thương hiệu KFC, McDonald’s, Pizza Hut… vươn ra khắp thế giới cũng là lúc nhượng quyền không còn là khái niệm mới mẻ. Thế mà ở Việt Nam, nhượng quyền vẫn chưa được tìm hiểu một cách nghiêm túc. Thậm chí, nhiều người còn chưa hiểu nhượng quyền thương mại là chuyện các công ty/thương hiệu lớn cho phép cá nhân/tổ chức kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ của mình, theo những điều kiện nhất định.
|
Star Wars: The last Jedi là phim thứ 8 trong series phim Chiến tranh giữa các vì sao
|
Ở các nước, khi tung ra thị trường một sản phẩm mới, người làm chiến lược thường tính toán vòng đời sản phẩm, khả năng khai thác tại nhiều thị trường, sử dụng nhiều kênh để tối ưu hóa lợi nhuận.Cũng theo định nghĩa đó, những người có hiểu biết lại nhầm lẫn nhượng quyền chỉ khoanh vùng trong kinh tế, không liên quan gì đến văn hóa - giải trí. Sự thực ngược lại, nhượng quyền chạm đến nhiều lĩnh vực, có thể mang về nguồn ngoại tệ khổng lồ.
“Có một điều dở hiện nay, bên cạnh chất lượng sản phẩm: có rất nhiều luồng thông tin “chọi” nhau trên báo chí, truyền thông. Những người làm PR ở ta hay nhắm vào sốc, hot, view. Ai thích nói gì thì nói, càng nhiều người nói càng tốt. Có một tác phẩm thôi mà ngày nào cũng tranh cãi, khẩu chiến. Khi tiêu cực xuất hiện, hình ảnh khó sạch, khó ra khỏi nội địa. Chúng ta chỉ nghĩ được những cái trước mắt. Vì thiếu tự tin nên không dám sáng tạo, chỉ có thể đi theo những lối mòn như vậy”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nghi (Phụ trách thị trường của Pacific Licensing Studio tại Việt Nam)
|
Chẳng hạn, khi rót tiền vào một bộ phim, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới việc khai thác nó trong bao lâu, trong một bộ phim hay một chuỗi phim; để rồi khi đặt bút viết kịch bản cũng là lúc người ta đã chuẩn bị nhượng quyền kịch bản, nhân vật phim. Thậm chí, nguồn tiền thu được từ sau bộ phim còn lớn hơn nhiều so với chính bộ phim. Chuỗi phim Star Wars, James Bond, Harry Potter… là những ví dụ.
Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, “ngành nghệ thuật, giải trí của chúng ta hoàn toàn có thể “go global” (toàn cầu hóa) hoặc vươn ra thị trường thế giới. Phim Hollywood, Bollywood đều được khai thác toàn cầu chứ không dừng ở thị trường
nội địa”.
Thiếu một chiến lược
Các chương trình truyền hình thực tế, game show đang chiếm sóng ở Việt Nam hiện nay đều là những phiên bản Việt hóa, mua lại từ nước ngoài. Chúng ta không có những chương trình thuần Việt đủ mạnh để cạnh tranh. Chúng ta thiếu ý tưởng, kịch bản, nhân vật có tầm ảnh hưởng để vươn ra thế giới. Sự bài bản trong khai thác đa kênh, chiến lược rõ ràng về lộ trình phát triển rất giới hạn.
“Kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào đều cần có chiến lược và kế hoạch. Nếu chỉ loay hoay với kiểu làm mì ăn liền, thiếu hiểu biết thị trường thế giới, về kinh doanh văn hóa tầm vóc quốc tế, sản phẩm văn hóa Việt sẽ khó tìm được lối ra”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân nói thêm.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tính tới giữa tháng 5/2018, có tới 206 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài đã vào Việt Nam; trong khi đó, Việt Nam chỉ có 4 thương hiệu nhượng quyền ra được bên ngoài. Một thống kê khác cho biết, 7/10 thương hiệu nhượng quyền “quyền lực” nhất thế giới cũng đã vào Việt Nam, có phi vụ mức phí nhượng quyền lên tới 1 triệu USD.
Rõ ràng, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Tới đây, khi dân số Việt Nam chạm mốc 100 triệu, dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng qua các năm, hàng rào thuế quan với nhiều nước bị xóa bỏ, sẽ có nhiều thương hiệu khác nữa đặt bàn chân khổng lồ vào và chiếm lĩnh thị phần. Liệu trong tương lai ấy, Việt Nam có thể làm chủ được cuộc chơi ở chính thị trường nội địa bằng những sản phẩm văn hóa đủ mạnh, để mộng mơ đến viễn cảnh nhượng quyền quốc tế?
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Ai cấm một nền điện ảnh yếu có khát vọng?”
Đa số đạo diễn Việt Nam đều từng nghe nói đến “nhượng quyền”, nhưng hoàn toàn chưa có nghiên cứu về quy trình chuẩn để nhượng quyền một sản phẩm điện ảnh. Các nhà sản xuất có thể đi nước ngoài nhiều, có thể hiểu nhượng quyền là gì; song, thị trường Việt Nam lại chưa thể làm nhượng quyền được vì thiếu sản phẩm. Làm ra một bộ phim cho đúng chất Việt Nam thôi đã khó, huống chi nền điện ảnh của ta lai một chút Hàn, một chút Hồng Kông, một chút Mỹ.
Điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có gương mặt, chưa có một dấu vân tay rõ nét, nói gì đến nhan sắc. Ta đang trong một giai đoạn mà mắt, môi, mũi, miệng còn chưa thành hình thì lấy gì để đi thi hoa hậu. Trong nước, ta sao chép lẫn nhau, làm lại của nước ngoài, sao mà nhượng quyền được. Ngay cả bản quyền cũng khó rồi.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa ta bỏ qua khát vọng nhượng quyền. Nhượng quyền dành cho tất cả mọi người, mọi quốc gia. Dần dà chúng ta cũng phải đi tới, trừ khi nền điện ảnh của chúng ta bị bóp nghẹt hoàn toàn. Thời tôi dán mắt vào chiếc ti vi đen trắng, đâu có nghĩ một ngày nào đó, Việt Nam có nhiều rạp để coi phim thế này. Ngày xưa, làm gì ngờ được rằng, một ngày nào đó, chúng ta có một nền điện ảnh bán vé, hằng năm thu về mấy trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ như bây giờ.
Một khi hiểu về nhượng quyền, chúng ta sẽ có kế hoạch, có chiến lược, để tác phẩm đi được dài và xa hơn. Con đường nhượng quyền còn rất lâu, nhưng nếu ta có tư duy và ý thức, biết đâu trong vòng 5-10 năm nữa, ta sẽ làm được “điều gì đó”.
|
Du Nguyên