Nhường phòng cho học trò, giáo viên “cắm bản” ra nhà tranh ở tạm

06/12/2022 - 14:00

PNO - Học sinh tăng lên, 13 giáo viên đành phải nhường phòng ở làm phòng học cho học sinh rồi ra dựng nhà tranh tạm bợ để ở.

Xế chiều, cô Lô Thị Sang (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An) cùng đồng nghiệp vội ra dùng bạt, ni-lông che chắn lại xung quanh phòng ngủ của mình. Những đợt gió lạnh liên tục rít lên, quật bay tấm bạt được phủ sơ sài bên ngoài lớp tranh tre.

“Không ăn thua đâu, đêm nằm ngủ gió nó thổi quần quật một chút lại bay mất. Mấy hôm nay gió mùa về, gió lạnh ùa thẳng vào phòng, quấn mấy lớp chăn cũng chẳng ăn thua”, cô Sang nói.

Phụ huynh đi chặt tre, nứa, lá cọ về dựng nhà tạm cho giáo viên ở - Ảnh: Khánh Trung
Phụ huynh đi chặt tre, nứa, lá cọ về dựng nhà tạm cho giáo viên ở - Ảnh: Khánh Trung

Nữ giáo viên này cho hay, nhà cách trường gần 100km, cô đành phải ở bán trú tại trường để tiện cho việc dạy học suốt 2 năm qua. “Từ trường về nhà phải mất hơn 3 giờ cả chạy xe máy, đi đò. Đó là chưa kể hôm mưa, đường trơn trượt mất thêm nhiều thời gian hơn nữa. Vì thế nên mình chỉ tranh thủ về nhà dịp cuối tuần thôi”, cô Sang nói.

Thầy giáo Lê Tuyên Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông cho biết, năm học 2022-2023, số học sinh tại điểm trường chính tăng so với các năm trước, bởi thế một số phòng từng là chỗ ở của 13 giáo viên được chuyển thành phòng dạy Tin học.

Sau khi nhường lại nơi ở để làm phòng học cho học trò, cô Sang cùng các đồng nghiệp đành phải tìm đến nhà các phụ huynh ở gần trường xin ở nhờ. Để tiện cho việc sinh hoạt của giáo viên, giữa tháng 11/2022, hơn 100 phụ huynh có con em học tại trường này đã vào khu vực rừng cho phép để chặt tre, nứa, cắt lá cọ làm vật liệu dựng nhà tạm cho giáo viên.

Sau hơn gần chục ngày thi công, dãy nhà tạm gồm 6 phòng, tổng chiều dài gần 20m, cao 3m dùng làm chỗ ở cho 13 giáo viên đã được hoàn thành. Thầy Vang Văn Tuấn - một giáo viên vừa dọn vào ở đây cho hay các thầy cô đều cảm kích trước tấm lòng của phụ huynh. “Căn phòng rộng khoảng 20m2, bờ phên được kết bằng nứa. Do tạm bợ, mùa này gió xuyên qua nên rất lạnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất cảm kích tấm lòng của phụ huynh”, thầy Tuấn nói.

Những căn phòng tạm bợ bằng phên nứa nên gió lạnh dễ dàng xuyên qua - Ảnh: Khánh Trung
Những căn phòng tạm bợ bằng phên nứa nên gió lạnh dễ dàng xuyên qua - Ảnh: Khánh Trung

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông có 30 giáo viên ở 4 điểm trường. Học sinh ở trường này chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú, Thái và Mông. Đây là xã vùng khó của huyện Tương Dương, nằm biệt lập, xung quanh là lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Để tới được xã này, người dân phải ngồi thuyền máy khoảng 2 tiếng; nếu đi đường bộ thì phải vượt qua quãng đường hơn 200km từ trung tâm huyện.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông cho hay, để giáo viên yên tâm công tác, trường này đang kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để xây dựng nhà ở kiên cố cho giáo viên. “Chúng tôi dự kiến xây 6 phòng và 1 bể dự trữ nước. Kinh phí ước tính gần 600 triệu đồng. Nhưng nguồn kinh phí không có nên đang kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ”, thầy Huấn nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI