Chị Hạnh Dung kính mến,
Từ ngày còn nhỏ, tôi đã luôn được bố mẹ, người thân khen là đứa trẻ biết nhường nhịn, thương yêu anh chị em. Ông bà nói "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" là đúng, phải không chị?
Nhà tôi có 4 chị em, nhưng chị hai và anh ba là những người rất tỏ rõ ý thức "đứng đầu", luôn lãnh quyền chỉ huy hai đứa em. Người vì nghĩ mình là lớn nhất, người vì nghĩ mình là con trai nên cả hai đều muốn làm sếp của 4 anh em, họ cãi nhau suốt ngày. Còn thằng em trai út thì được ba má cưng chiều nên cũng đành hanh, nhõng nhẽo, luôn đòi phần hơn.
Trong 4 chị em, chỉ có tôi, không biết vì lý do nào, tôi không nhớ, do ba mẹ bắt nhịn hay do tự tôi thấy nên như thế, luôn nhường mọi người phần hơn, cả vật chất lẫn tinh thần. Hễ ba mẹ mua cái gì ngon, cái gì đẹp là mọi người chọn trước, cái nào còn lại tệ nhất sẽ phần tôi.
Nhưng tôi chẳng bao giờ thấy thế làm buồn. Được yên phận một mình với phần ít ỏi, tôi thấy dễ sống hơn. Mà thật ra, ngay cả khi thằng em út ăn xong phần của nó, quay ra dành cái phần ít ỏi xấu xí của tôi, tôi cũng nhường luôn.
Có những khi, cả 4 anh em mâu thuẫn, làm lỗi, về bị bố mẹ đánh đòn, mọi người đều đổ hết tội lên đầu tôi, tôi cũng chịu nhận luôn cho êm chuyện với ba mẹ, cho ba mẹ bớt phần bực bội vì tôi không bướng, không lỳ, xin lỗi và hứa thay đổi...
Cái tính nhường nhịn đó theo tôi lớn lên và dần dà, tôi thấy nó thật sự có ích đối với cuộc sống của tôi. Tôi ít khi bị ghét bỏ, luôn được bạn bè thương quý và có cả những người cũng luôn sẵn lòng nhường nhịn tôi.
Nhưng từ lúc lấy chồng, đến giờ là 12 năm, tôi bắt đầu thấy tủi cực vì cái tính nhường nhịn của mình. Chồng tôi và tôi có khá nhiều điều khác biệt nhau trong lối sống, cách suy nghĩ. Nhưng vì không muốn tranh cãi, bất hòa, và nhất là cũng nghĩ, thôi, chuyện nhỏ, mình nhường, chiều chồng cho qua chuyện, mà cuối cùng anh coi thường tôi nhiều khi tới mức coi như tôi không có mặt trong nhà.
Chuyện gì anh cũng quyết, làm theo ý của anh, bất kể tôi nghĩ gì, thích hay không thích. Thậm chí, có những việc của vợ chồng, anh có thể hỏi ý kiến người nhà, bạn bè, mà không hề tham khảo ý kiến của tôi. Có lần tôi nghe mọi người bảo: hai vợ chồng nên bàn luận với nhau xem thế nào thì anh trả lời luôn: "Cô ấy chả biết gì đâu, chuyện gì rồi cũng tôi quyết định thôi, nên chả cần hỏi".
Cách cư xử của chồng tôi khiến cả gia đình chồng cũng nghĩ về tôi như thế, rằng tôi là đứa khờ, không thể tự quyết được bất cứ chuyện gì, không cần tham gia ý kiến vào việc gì, kể cả đó là việc của gia đình nhỏ của tôi, như mua nhà cửa, xe cộ hay chuyện dạy dỗ con cái.
Đáng ra, tôi cũng có thể im lặng như thế hoài, cho đến gần đây, khi tôi bị phát hiện bệnh, cả nhà xúm vào bàn cách chữa trị. Tôi thì muốn theo Tây y, gia đình chồng và chồng thì bảo rằng nên uống thuốc lá, chữa theo Đông y. Tôi nghĩ, ít nhất là cơ thể tôi, tôi có quyền làm theo ý mình thì bị mắng là ngu, không biết gì, nếu bệnh có trở nặng vì chữa trị theo bác sĩ thì tự lo lấy thân.
Trong lòng tôi thấy buồn và khổ lắm chị Hạnh Dung, vừa bệnh thể chất, vừa bệnh tinh thần. Tôi phải làm gì để có thể tự chủ cuộc sống của mình, hay ít nhất là tự chủ việc chữa bệnh của mình đây chị?
Thảo Mai
|
Ảnh minh họa |
Chị Thảo Mai thân mến,
Có khi cùng một trạng thái tâm lý, một hành động cư xử mà người ta có thể có những cách gọi tên khác nhau. Theo Hạnh Dung, những cách chị nhường nhịn, chấp nhận cho người khác coi thường mình có thể không gọi tên đó là sự nhường nhịn nữa chị ạ. Nó gần giống với sự nhát sợ, sợ mâu thuẫn, sợ làm mếch lòng, sợ tranh cãi, sợ bảo vệ chính mình, tránh né giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn trực tiếp.
Và người xung quanh dần dần nhận ra điểm yếu đó của chị, và lợi dụng vào đó để mà dần gạt chị ra khỏi mọi vị trí, quyền lợi vốn dĩ là của chị. Cho nên, chị cần phải xác định rất rõ, trường hợp nào, với ai thì nên nhường nhịn, và với ai thì chị cần có sự mạnh mẽ, thẳng thắn, phản kháng và tự bảo vệ mình.
Vậy trường hợp nào thì nên nhường nhịn? Theo Hạnh Dung, người ta chỉ nên nhường nhịn với những người mà sự va chạm đó chỉ là thoáng qua, như va chạm nhẹ khi giao thông, khi va chạm với những kẻ mà mình thấy có thể gây nguy hiểm cho mình vì sự hung hãn, côn đồ của họ; nhường những lợi ích nhỏ nhặt như miếng ăn, món quà; nhường nhịn để giúp người yếu thế; nhường nhịn khi tự nguyện cho đi điều gì đó có ích cho người khác; và cả nhường nhịn khi không còn giải pháp nào tốt hơn.
Chị không nên nhường nhịn khi phải sống chung lâu dài hay làm việc chung lâu dài với những kẻ tham lam, ích kỷ, thích lấn lướt, chèn ép người, thậm chí cả người có những tật xấu làm ảnh hưởng đến cộng đồng và riêng chị.
Chị cũng cần phải cân nhắc khi bị chèn ép, khi người ta không quan tâm đến lợi ích chung lâu dài của chị, khi người ta không biết đón nhận sự hy sinh, nhường nhịn chị mà còn coi thường, cười cợt, và luôn lợi dụng chị. Khi chị nhận thấy người ta có ý đồ, mưu mô xâm lấn, chiếm đoạt, thao túng chị, để giành lấy những lợi ích quan trọng, hay biến chị thành kẻ vô nghĩa trong cuộc sống...
Phân tích đôi chút như thế, để chị nhận ra rằng mình có sai lầm trong việc nhường nhịn hay không? Có nhường nhịn đúng người và đúng sự việc hay không? Và để chị quyết định lại những trường hợp trong cuộc sống, cái gì đáng nhường thì nhường, cái gì không đáng nhường thì phải đấu tranh, phản kháng.
Đấu tranh, phản kháng thì cũng cần phải có cách, có phương pháp, và với mỗi người mỗi khác. Có lẽ, người đầu tiên mà chị cần phải làm thay đổi suy nghĩ và cách cư xử chính là chồng chị. Để thay đổi được tốt, chị phải chuẩn bị cả tinh thần, cả lý luận, cả ý kiến riêng của mình, và lập luận để bảo vệ những ý kiến riêng của mình.
Đã có một quá trình quá lâu khiến những người xung quanh chị đã quen với cách đối xử với chị như vậy, giờ thay đổi nó là chuyện hết sức khó khăn, mà chị cần phải có nhiều can đảm, chủ động, sự dứt khoát và mạnh mẽ.
Đầu tiên là chính chị phải thay đổi thói quen của chị, thói quen nhát sợ, tránh né những mâu thuẫn, cãi vã, mệt mỏi. Hãy chọn lựa những việc để bắt đầu phản kháng mà chị thấy tự tin là chị có thể bảo vệ được ý kiến của mình, và đấu tranh một cách chắc chắn, không nhượng bộ. Đã gọi là đấu tranh thì không được nản chí, không bỏ cuộc nửa chừng, và chấp nhận những đối mặt, thậm chí thái độ khó chịu, thất vọng của người thân, chị nhé!
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn