"Nhường" cha cho người khác lúc 1 tuổi và những điều ông Obama học được từ mẹ

04/11/2016 - 19:25

PNO - Cậu bé Obama ra đời, mang trong mình hai dòng máu Mỹ và Kenya. Khi Obama vừa tròn một tuổi, cha ông quyết trở về quê hương, tuy nhiên cha ông đã có 1 người vợ khác ở quê nhà.

Mẹ Tổng thống Mỹ Barack Obama, người góp phần quan trọng trong sự thành công của ông chủ Nhà Trắng, ra đi trong cảnh độc thân ở tuổi 52 dù hai lần kết hôn.

Bà Stanley Ann Dunham, người mẹ trẻ mang học vị tiến sĩ nhân chủng học của Tổng thống Obama, là một phụ nữ da trắng đến từ Mỹ nhưng lại yêu tha thiết cuộc sống ở Indonesia. Ở bà người ta tìm thấy những điều khác biệt, một người mẹ đã nuôi dạy con trai, Tổng thống Mỹ Barack Obama thành tài.

Bà Dunham sinh năm 1942, trải qua hai cuộc hôn nhân nhưng đều tan vỡ và Barack Obama là kết quả của tình yêu của bà với người chồng đầu tiên, ông Barack Obama Sr.

Khác với bà - một thiếu nữ khá khép mình, Obama Sr. là một người vô cùng sôi nổi. Cậu học sinh da màu luôn là tâm điểm của đám đông, thường xuyên được phát biểu trong các cuộc tọa đàm tôn giáo, được một số tờ báo địa phương phỏng vấn và viết bài.

"Nhường" cha cho người khác lúc 1 tuổi và những điều ông Obama học được từ mẹ

“Ở cậu ấy có một sức lôi cuốn kỳ lạ”, Neil Abercrombie, đại biểu quốc hội Hawaii, từng là bạn đại học của Obama (cha) kể lại. “Tài hùng biện của cậu ta thu phục được tất cả mọi người, kể cả những người kỹ tính nhất”, Abercrombie nói.

Vào ngày 2/2/1961, vài tháng sau ngày quen nhau, cha mẹ Tổng thống Obama chính thức kết hôn tại Maui. Khi đó, Ann (lúc này bà Dunham đã đổi tên thành Ann để nghe nữ tính hơn) đã mang bầu 3 tháng. Bạn bè không ai biết về đám cưới của họ cho đến tận sau này. Không ai hiểu vì sao hôn lễ lại được bí mật tổ chức như vậy, thậm chí cả ông Obama sau này cũng không được mẹ kể về điều đó. “Nếu bà chưa qua đời, có thể tôi sẽ hỏi rõ bà về điều này”, ông Obama từng chia sẻ.

Và cậu bé Obama ra đời, mang trong mình hai dòng máu Mỹ và Kenya. Khi con trai vừa tròn một năm tuổi, cha ông quyết định tới Harvard để tham gia khóa học tiến sĩ kinh tế. Và rồi, cha của Obama muốn quay trở lại Kenya để xây dựng quê hương và ông muốn đưa vợ con theo. Tuy nhiên, biết ông đã có một người vợ nơi quê nhà, bà đã không theo ông. Bất đồng quan điểm đã khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

Sau khi ly hôn với người chồng đầu tiên, có lẽ cậu bé Obama là niềm sống mãnh liệt nhất của bà lúc này, nên bà đã dành cho người con trai của mình sư chăm sóc và nuôi dạy tốt nhất dù bà chỉ có một mình.

Quan hệ tốt giữa cha và mẹ

Barack Obama lớn lên bên cạnh mẹ mà không có cha ở bên, nhưng hình ảnh về người cha trong ông vẫn rất hoàn mỹ. Ann Dunham chưa bao giờ nói điều gì xấu về cha của Obama để nhằm ngăn cản tình cảm cha con giữa họ. Bà luôn nói rằng, ly hôn không phải là cha của Obama có lỗi mà vì môi trường hoàn cảnh không cho phép.

Sau này, khi hai người đã ly hôn, Dunham vẫn giữ liên lạc thư từ thân mật với cha của Obama ngay cả lúc đã tái giá với ông Lolo Soetoro, một sinh viên người Indonesia mà bà gặp gỡ tại Hawaii.

Đó là bởi vì bà muốn con trai bà biết về tài trí của ông Barack Obama Sr cũng như các công việc quan trọng mà ông nắm giữ trong chính phủ Kenya sau thời kỳ hậu thuộc địa (ông từng làm chuyên gia phân tích kinh tế cấp cao của Bộ Tài chính Kenya).

Xem con trai là người đặc biệt

Trong cuốn A Singular Woman: The Untold Story of Barack Obama's Mother (Người phụ nữ phi thường: Câu chuyện chưa kể về người mẹ của Barack Obama) của tác giả Janny Scott, Obama nói rằng mẹ của ông là “người có khả năng vươn dậy sau những thất bại” và “luôn cho tôi cảm nhận tôi luôn được yêu thương”.

Obama nói mẹ ông xem ông là người đặc biệt và ông còn nói đùa rằng mẹ ông đặt mục tiêu nuôi nấng ông trở thành một con người kết hợp được trí tuệ và phẩm chất của nhà khoa học Albert Einstein, anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và nam diễn viên, ca sĩ và nhà hoạt động xã hội danh tiếng người Mỹ Harry Belafonte.

Tổng thống Obama hồi nhỏ.

Dunham luôn tin Obama là có tài năng phi thường. Benji Bennington, một người bạn của Dunham tại Hawaii cho biết Dunham tự hào về trí thông minh, thành tích học tập và lòng dũng cảm của Obama.

Bennington nói: “Thỉnh thoảng, khi nói về Barack, bà ấy sẽ nói rằng: “À, con trai tôi rất sáng dạ, nó có thể làm bất kỳ điều gì nó muốn trên thế giới này, thậm chí là tổng thống Mỹ”. Samardal Manan, một đồng nghiệp của Dungam tại Jakarta, cũng cho biết bà Dunham cũng nói điều tương tự, rằng Barack có thể trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Vanity Fair vào tháng 3.2008 lúc ông Obama đang vận động tranh cử tổng thống Mỹ, cựu chủ tịch Ủy ban truyền thông Mỹ Newton Minow nhận định: “Tôi tin rằng khi đất nước này thấy Barack và biết đến ông ấy, họ sẽ thấy điều mà như tôi thấy: thực sự có một sự kết hợp giữa trí tuệ hạng nhất và khí chất hạng nhất trong cùng một con người này”.


Tiêu Giao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI