Những xu hướng giáo dục mới trong năm 2022

04/01/2022 - 06:11

PNO - Năm 2021 đầy biến động đã trôi qua với tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19 lên mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng cũng đồng thời đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Lĩnh vực giáo dục cũng không đứng ngoài xu thế này.

 

Năm 2022, những xu hướng dưới đây sẽ tiếp tục lên ngôi phản ánh sự thay đổi và phát triển trong lĩnh vực giáo dục.

Công nghệ lấn sâu vào dạy và học 

Sự bùng nổ của công nghệ trong suốt hơn hai thập niên qua không hề bỏ giáo dục lại phía sau. Theo đó, máy tính và internet không chỉ làm thay đổi cách tiếp cận thông tin mà còn thay đổi cả cách học tập. Cuối năm 2017, có tới 6,5 triệu sinh viên (SV) đăng ký các khóa học trực tuyến có cấp bằng bởi các đại học trên thế giới. 

Có thể thấy, công nghệ giúp SV thụ hưởng một nền giáo dục có chất lượng cao thông qua internet. Tuy nhiên, xu hướng này cũng khiến nhiều lợi ích dành cho SV bị ảnh hưởng hoặc triệt tiêu. Chẳng hạn, công nghệ có thể không khuyến khích SV học và thực hành các kỹ năng mềm. Việc học online cũng sẽ khiến SV mất cơ hội tương tác trực tiếp cùng bạn học… Dù vậy, lợi ích do công nghệ mang lại vẫn lớn hơn những hạn chế. Do đó, năm 2022 sẽ vẫn chứng kiến sự lên ngôi của công nghệ trong giáo dục, kể cả khi đại dịch còn tiếp diễn hay kết thúc.

Kỹ năng mềm: Xu hướng chủ đạo trong giáo dục bậc cao

Theo báo cáo của Tổ chức Future of Jobs, thị trường lao động rất cần nhân lực được trang bị các kỹ năng: tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, quản lý con người và sáng tạo. Nhà tuyển dụng cũng muốn tìm kiếm nhân sự có khả năng ra những quyết định khó khăn, thể hiện khả năng lãnh đạo. Do đó, các trường phải đảm bảo SV được học, thực hành và phát triển những nhóm kỹ năng quan trọng này.

Tuy nhiên, xu hướng học tập trực tuyến đã tạo ra thách thức cho giáo viên trong việc trang bị kỹ năng mềm cho SV. Vì vậy, họ buộc phải tìm cách cân bằng giữa việc SV học thông qua màn hình máy tính với việc tương tác, tiếp xúc trực tiếp và làm việc cùng nhau, từ đó giúp phát triển những kỹ năng mềm.

Khả năng tập trung của sinh viên giảm

Công nghệ phát triển cùng với sự xuất hiện một cách phổ biến trong môi trường giáo dục đã khiến cho khả năng tập trung của người học giảm sút. Một nghiên cứu do Tập đoàn Công nghệ Microsoft thực hiện đã xem xét khả năng tập trung của người học từ năm 2000 - là năm khởi đầu của cuộc cách mạng điện thoại di động - và thời điểm năm 2015. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, khả năng tập trung của người học bị giảm sút đáng kể, từ 12 giây xuống còn 8 giây. 

Tuy nhiên, khi so sánh với thế hệ được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, hay còn được gọi là gen X, thì khả năng tập trung của nhóm này lại tốt hơn nhiều so với thế hệ trước đó. Vì vậy, để thu hút và duy trì sự tập trung của nhóm đối tượng này, đòi hỏi bài giảng của giáo viên phải trực quan, sinh động.

Tăng cường “lấy người học làm trung tâm”

Với nguồn tài nguyên kiến thức và thông tin nằm ngay trong từng cú click chuột thì vai trò của người dạy cũng thay đổi. Giờ đây, người học không còn hứng thú với cách truyền thụ kiến thức theo kiểu nhồi nhét như trước nữa. Thay vào đó, người dạy cần đóng vai trò “hướng dẫn viên” để khơi gợi, hướng dẫn, thúc đẩy khả năng khám phá của người học.

Bằng cách này, giáo viên sẽ tập trung vào việc hỗ trợ cho sự phát triển của người học hơn là chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức.

Xu hướng học tập suốt đời

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tác động đến 50% công việc trên thị trường lao động, nhất là khi khoa học công nghệ đưa đến sự “cơ giới hóa, dây chuyền hóa”, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Vì vậy, để có thể cạnh tranh trong thị trường lao động, người ta buộc phải tự đào tạo và tái đào tạo thêm nhiều kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu công việc. Tấm bằng đại học không còn là “hộ chiếu” đảm bảo cho người lao động tồn tại mãi trong một môi trường làm việc. Mỗi người phải thường xuyên nâng cấp bản thân bằng cách tham gia các khóa học ngắn hạn để bổ sung kiến thức lẫn kỹ năng. Và quá trình học tập này sẽ kéo dài cho đến khi chúng ta thôi làm việc. 

Nguyễn Thuận (theo EHL Insights)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI