Việc nóng, người “nguội”
Gần hai năm qua, bà T.T.M. (ngụ P.1, Q.10, TP.HCM) vẫn kiên trì tố cáo đối tượng có hành vi xâm hại con gái mình. Theo bà M., con gái của bà là cháu K.N. bị Trần Ngọc P. (SN 1994, ngụ Q.1) dụ dỗ giao cấu nhiều lần từ cuối năm 2015. Khi phát hiện, bà đã làm đơn tố cáo P. lên Công an (CA) Q.10, nhưng vụ việc kéo dài đã gần hai năm vẫn chưa được giải quyết, P. vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
|
Nhiều bậc làm cha làm mẹ đã phải ôm nỗi đau, dằn vặt vì không thể bảo vệ con mình trước những yêu râu xanh bệnh hoạn - Ảnh: Võ Tiến |
Bà M. chua xót: “Hiện con gái tôi vẫn bị ám ảnh; trong khi chính quyền địa phương không hề có biện pháp nào hỗ trợ cháu về tâm lý và tư vấn cho chúng tôi các thủ tục pháp lý. Gần như gia đình tôi phải tự… “bơi”, cho đến khi may mắn được luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM giúp đỡ”.
Bà M. kể, ngay sau khi cháu K.N. bị xâm hại, gia đình bà đã gửi đơn lên CA và UBND P.1 (nơi bà M. cư trú) để trình báo.
Tuy nhiên, nhiều ngày sau khi báo chí thông tin vụ việc, UBND P.1 mới cử người xuống tìm hiểu.
“Tôi nghe nói phường có CBCTTE, chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin trẻ em bị XHTD và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình trong quá trình tố cáo đối tượng XHTD; nhưng chúng tôi không hề được giúp đỡ, cũng không biết cán bộ đó là ai”, bà M. nói.
Bà Nguyễn Thị L., H. Củ Chi, TP. HCM, cũng bức xúc: “Tôi làm đơn tố cáo cháu gái 13 tuổi bị XHTD, còn bị dụ bỏ nhà đi trốn, nhưng cán bộ xã lại đến nhà nói: “Nó đi rồi, có bầu, càng dễ có bằng chứng tố cáo hơn!”. Sao cán bộ đó không nghĩ đến số phận của một đứa trẻ phải làm mẹ ở tuổi vị thành niên? Cán bộ như vậy làm sao tin được?”.
Chị S.T.M.X. (SN 1991, quê Bạc Liêu), mẹ cháu N.T.M.N bị xâm hại năm 2015 tại P. Bình Chiểu (Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Thời điểm cháu bị xâm hại gia đình tôi chỉ có tiếp xúc với CA để tố cáo. Sau đó một thời gian dài, khi báo chí vào cuộc mới thấy có cán bộ phường xuống nắm thông tin. Tuy nhiên, từ khi vụ án bị khởi tố, chỗ dựa duy nhất của chúng tôi chỉ là các luật sư”.
Năm 2010, TP.HCM là đơn vị tiên phong trong cả nước trong việc thành lập đội ngũ CBCTTE, mỗi xã, phường có một CBCTTE, tại các khu phố còn có đội ngũ cộng tác viên, mỗi cộng tác viên phụ trách 150 gia đình.
Một CBCTTE ở Q.5 (đề nghị giấu tên) thừa nhận: “Theo quy định, CBCTTE có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình điều tra, nhưng thực tế, khi trẻ bị xâm hại, người nhà chỉ trình báo cho CA, ít khi báo cho địa phương nên CBCTTE nắm thông tin rất trễ. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, nói là giám sát nhưng thật ra chúng tôi cũng chỉ nắm lại thông tin từ CA nên rất khó phát huy vai trò…”.
Vừa tiếp nhận vụ việc, vừa... viết báo cáo
Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND P.1 (Q.10) cho biết, khi phát hiện, tiếp nhận việc trẻ em bị xâm hại, CBCTTE và UBND phường sẽ báo cho CA và CBCTTE phải theo sát vụ việc.
“Cách đây ba năm ở phường có xảy ra một vụ XHTE, ủy ban cử cán bộ theo tìm hiểu thông tin cho đến khi truy tố chứ không để nạn nhân đơn độc. Trường hợp cháu K.N. con của bà M., do vụ việc xảy ra ở phường khác nên chúng tôi không nắm được từ đầu”, ông Sinh nói.
Bà Hồng Yến (cán bộ LĐ-TB-XH P.1) cho biết: “Trường hợp của cháu K.N, phía CBCTTE không nắm thông tin ngay từ đầu mà chỉ nắm thông tin trên mạng, sau đó là thông tin từ phía CA. Khi đó, CBCTTE mới đến tìm hiểu, xác minh để báo cáo cho Phòng LĐ-TB-XH quận”.
Bà Hồng Yến chia sẻ, khó khăn của công tác CTTE là khi xảy ra vụ việc người dân còn ngại tiếp xúc với phường, hầu hết chỉ tố cáo với CA. Những trường hợp như vậy, phường chỉ nắm thông tin qua CA hoặc báo đài, không thể can thiệp từ đầu.
Như vậy, có thể thấy CBCTTE chưa thể chủ động để trở thành lực lượng chính trong việc giúp trẻ phòng tránh XHTD, cũng như khi việc xâm hại xảy ra, CBCTTE cũng thường là “người đến sau”.
Ông Trần Văn Huynh, CBCTTE xã Phú Hòa Đông bộc bạch: “Chúng tôi nhiều việc quá. Hơn nữa, các vụ XHTE thường diễn tiến nhanh nên chúng tôi xoay không kịp. CA vào cuộc, CBCTTE vừa phải xuống nhà nạn nhân động viên, giải thích, vừa phải làm… báo cáo.
Từ năm 2016 đến nay có hai vụ XHTD xảy ra tại xã, một bé gái phải làm mẹ khi mới 15 tuổi, một bé khác chưa đầy 16 tuổi phải bỏ thai 15 tuần. Chúng tôi chỉ có thể can thiệp bằng cách trợ giúp mỗi nhà một triệu đồng, còn thì khó có thể thực hiện đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH như giúp chữa trị tâm lý, hỗ trợ việc học hành…”.
Một trở ngại khác là nhiều CBCTTE có chuyên môn trái với công việc. Như ông Huynh chỉ có chuyên môn quân sự, từng giữ chức xã đội trưởng lại chuyển sang làm CBCTTE.
Bà Phan Thanh Minh (nguyên Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH) - một trong những người trực tiếp tham vấn để UBND TP.HCM thành lập đội ngũ CBCTTE trăn trở: “Hiện CBCTTE hưởng lương còn thua một người bảo vệ khu phố, lại không được tăng lương định kỳ. Ngoài ra, trên 95% cán bộ là nữ, theo quy định phải là người trẻ (dưới 35 tuổi), nhưng họ sinh con không có chế độ thai sản. Đòi hỏi một CBCTTE phải có bằng cử nhân và nhiều năng lực khác mà đãi ngộ như vậy thì rất khó”.
Sáng 16/3/2017, tại buổi họp mặt kỷ niệm 57 năm ngày ra chỉ thị đầu tiên về công tác trẻ em và giao ban công tác trẻ em quý I/2017, do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho biết, trong quý I/2017, Sở nhận được báo cáo gần 10 vụ. Theo quy trình, Sở sẽ ghi nhận, đánh giá và có phương án hỗ trợ thích hợp.
Nếu nạn nhân bị chấn thương tâm lý nặng, sẽ kết nối các chuyên gia để tư vấn, kết nối điều trị miễn phí. Hiện TP.HCM không thiếu cơ số CBCTTE, nhưng để đảm bảo đúng quy định, đúng chất lượng thì hàng năm phải tập huấn nhiều. Những vụ việc xảy ra thực tế mà cấp cơ sở lúng túng thì Sở hướng dẫn.
Sơn Vinh - Trần Triều - Hạnh Chi