Những vụ xả súng tại Mỹ để lại vết thương không bao giờ lành

26/05/2022 - 15:00

PNO - Sau vụ xả súng tại trường tiểu học ở bang Texas khiến 21 người thiệt mạng, các gia đình có người thân qua đời trong những vụ tấn công tương tự trước đây không khỏi xót xa, tức giận.

Nicole Hockley biết về vụ thảm sát hôm 24/5 ngay trong cuộc họp tại tổ chức mà cô đồng sáng lập gần một thập kỷ trước để chống lại bạo lực súng đạn. Cậu con trai 6 tuổi của cô là nạn nhân trong vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook hồi tháng 12/2012.

Khi đang ở nhà và lên kế hoạch để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến sự nguy hiểm của súng đạn, Manuel Oliver biết về vụ việc. Con trai Oliver, 17 tuổi, bị bắn chết tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas, ở Parkland, Florida vào tháng 2/2018.

Alex Wind nghe tin tức về cuộc tấn công trên chuyến xe buýt đến New York. Chàng trai vẫn đang theo đuổi cuộc chiến cải cách súng đạn, kể từ khi thoát chết nhờ trốn trong tủ đồ của lớp học tại trường Marjory Stoneman Douglas.

Những giọt nước mắt, cảm giác buồn nôn và cơn đau nghẹt thở đến với tất cả họ ngay sau tin tức về vụ xả súng. Đối với Hockley, cô như quay lại cơn ác mộng 10 năm trước. Người mẹ mất con chia sẻ: “Tôi cảm thấy trống rỗng”.

Nicole Hockley, người đã mất đứa con trai 6 tuổi của mình, Dylan, trong vụ thảm sát trường Sandy Hook ở Connecticut, làm chứng năm 2013 trong một vụ kiện nhằm sửa đổi luật sở hữu vũ khí
Nicole Hockley, người đã mất đứa con trai 6 tuổi Dylan trong vụ thảm sát trường Sandy Hook ở Connecticut, làm chứng trong một vụ kiện nhằm sửa đổi luật sở hữu vũ khí vào năm 2013

Hockley đã phải chịu đựng những gì mà rất nhiều gia đình ở Uvalde, Texas sắp phải đối mặt. Tính đến cuối ngày 24/5, ít nhất 19 trẻ em và 2 người lớn được cho là đã chết tại trường tiểu học Robb - một ngôi trường có chưa đến 500 học sinh, quy mô tương đương với trường tiểu học Sandy Hook.

Tin tức làm choáng ngợp những bậc cha mẹ, anh chị em và những người sống sót sau nạn xả súng học đường tại Mỹ, những người đã cống hiến cả cuộc đời để ngăn một ngày đầy mất mát như 24/5 xảy ra.

Lúc đầu, các gia đình ở Uvalde không biết ai còn sống và ai đã chết. Khung cảnh đầy lo lắng đã đưa Hockley trở lại Sandy Hook, nơi cô níu giữ hy vọng con mình vẫn sống sau vụ tấn công. Hockley cầu nguyện rằng con trai cô, Dylan, đã chạy trốn, ẩn nấp và sống sót. Cô tự nhủ: “Xin đừng là con trai tôi”.

“Xin đừng là con trai tôi” 

           Nicole Hockley -

Tiếp đến, Hockley lại nghĩ về việc các gia đình ở Texas sẽ phải làm thế nào để giúp xác định danh tính những đứa trẻ bị sát hại, giống như điều cô từng làm. Ngày hôm đó, một sĩ quan đã hỏi về bộ quần áo mà Dylan mặc đến trường và sau đó trả lại một bộ quần áo cho Hockley. Ôm bộ quần áo lỗ chỗ vết đạn và sẫm màu máu, người mẹ gục ngã.

Các gia đình ôm nhau bên ngoài Trung tâm hành chính Willie de Leon, nơi  cung cấp thông tin cho các gia đình nạn nhân vụ xả súng ở Uvalde, Texas vào ngày 24 tháng 5
Các gia đình ôm nhau bên ngoài Trung tâm hành chính Willie de Leon, nơi cung cấp thông tin cho các gia đình nạn nhân vụ xả súng ở Uvalde, Texas vào ngày 24/5

Khi biết đến vụ xả súng ở Texas, sự bàng hoàng bao trùm tâm trí Oliver, theo sau là nỗi buồn và sự phẫn nộ. Nhưng dường như anh không hề ngạc nghiên.

Theo báo cáo ban đầu, tay súng 18 tuổi người Texas không khác mấy so với hung thủ 19 tuổi đã giết con trai của Oliver, Joaquin. Những kẻ xả súng đều trạc tuổi nhau và dường như, tất cả đều dễ dàng tiếp cận với súng.

Hậu quả sau đó cũng diễn ra theo cùng kịch bản, với nỗi hoảng sợ trong mắt phụ huynh và sự trống rỗng trong lòng học sinh. Các chính trị gia bảo thủ lập luận rằng, chỉ có nhiều súng hơn mới giúp trẻ em an toàn trong trường học, còn những người theo chủ nghĩa tự do nhấn mạnh rằng nhiều súng hơn chưa bao giờ giúp giữ trẻ em an toàn trong trường học.

Hầu như chẳng có gì thay đổi sau vụ xả súng tại Florida vào bốn năm trước, và Oliver hoài nghi rằng lần này cũng vậy.

Oliver nói rằng con trai chính là người bạn thân nhất của anh. Họ đã cùng nhau đến các trận đấu của Miami Heat, chia sẻ những miếng bít tết dày, giới thiệu cho nhau những bản nhạc yêu thích. Nhưng những kỷ niệm đẹp đã đóng băng cùng năm tháng sau khi Joaquin qua đời.

"Tôi chỉ sống vì tôi phải sống” 

          Manuel Oliver -

Oliver hiểu rõ “bản án chung thân” mà giờ đây những bậc cha mẹ mất con tại Uvalde sẽ phải chấp hành. Anh bộc bạch: “Tôi không còn cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống nữa. Tôi chỉ sống vì tôi phải sống”.

May mắn hơn, Wind, chàng trai 21 tuổi vẫn chưa từ bỏ hạnh phúc, nhưng anh cũng hiểu bạo lực súng đạn có thể ám ảnh bất kỳ ai mãi mãi.

Khi ngồi trên xe buýt, Wind bần thần kiểm tra thông tin trên điện thoại của mình. Những đứa trẻ ở Robb thuộc thế hệ hoàn toàn khác với những đứa trẻ ở Parkland. Nhưng tất cả được liên kết với nhau bởi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của nước Mỹ - bạo lực súng đạn.

Giống như những người khác và giống như Tổng thống Joe Biden, Wind tin rằng tiến bộ sẽ không xảy ra cho đến khi các nhà lập pháp bảo thủ quay lưng với các nhà vận động hành lang theo chủ nghĩa súng đạn, những người trong nhiều thập kỷ đã phản đối các cải cách và thậm chí còn phổ biến vũ khí rộng rãi hơn.

Fred Guttenberg, một người cha có con gái bị giết bốn năm trước tại Parkland, không thể kìm chế sự giận dữ của mình đối với các chính trị gia. Anh phát biểu trên một kênh truyền hình: "Cha mẹ, những người thân yêu, thế giới của họ đang sụp đổ…

Tất cả những gì họ làm là đưa bọn trẻ đến trường và giờ họ phải lên kế hoạch cho đám tang của chúng, viết điếu văn và an ủi những người ở lại, những đứa con khác, nửa kia, bạn bè, những người hàng xóm. Tất cả phải tìm cách tiếp tục cuộc sống với nỗi đau này".

"Tất cả những gì họ làm là đưa bọn trẻ đến trường và giờ họ phải lên kế hoạch cho đám tang của chúng"

                                        - Fred Guttenberg -

“Còn bao nhiêu lần nữa?” là câu hỏi được hàng triệu người lặp đi lặp lại sau hàng trăm vụ xả súng tại Mỹ trong thập kỷ qua, và Guttenberg, Hockley, Oliver lẫn Wind đều biết rằng các vụ xả súng sẽ tiếp tục, và kèm theo đó là nhiều nước mắt hơn, nhiều nỗi đau và phẫn uất hơn.

Mới đây, các nạn nhân và gia đình có người thân qua đời trong vụ xả súng ở trường trung học November Oxford bang Michigan vào ngày 30/11/2021, đã đệ đơn kiện khu học chánh Oxford và các nhà quản lý trường học, cáo buộc họ vi phạm các chính sách an toàn trường học bắt buộc và vi phạm các quyền hiến định của học sinh.

4 học sinh thiệt mạng và 7 người bị thương, bao gồm một giáo viên, sau vụ việc. Nhà chức trách đã bắt giữ và buộc tội tay súng Ethan Crumbley (15 tuổi) với 24 tội danh, bao gồm giết người và khủng bố. Vụ kiện cáo buộc các quản trị viên nhà trường đã không thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật về hành động của Ethan, dẫn đến vụ xả súng. Theo họ, Ethan Crumbley đã có "hành vi liên quan đến bệnh tâm thần, xu hướng tự sát hoặc giết người” và “khả năng trải qua bạo hành, thiếu sự quan tâm".

(Theo ABC News)

Linh La (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI