Những vũ công Kalbelia chới với giữa mùa dịch cùng "chiếc phao cứu sinh" nhỏ bé

30/08/2020 - 18:26

PNO - Từng sống bằng nghề múa gắn liền với hoạt động du lịch, khi dịch bệnh ập đến, những vũ công Kalbelia chới với rồi tìm được "phao cứu sinh". Liệu họ có tiếp tục gắn bó với bộ môn nghệ thuật được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể hay không, câu hỏi cũng là nỗi day dứt...

Một buổi tối mất điện khiến vùng sa mạc rộng lớn chìm trong bóng tối, Suwa Devi, một vũ công Kalbelia nhờ người hàng xóm bật đèn pha xe jeep để cô có thể tiếp tục lớp dạy nhảy của mình, được thực hiện trên Zoom (một nền tảng hỗ trợ phát video, trò chuyện, họp trực tuyến từ xa). 

Giai điệu rộn ràng xoá tan những sầu muộn trên vùng đất này trong suốt thời gian qua khi tác động của dịch COVID-19 khiến mọi thứ ngưng trệ, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Tại những đô thị lớn, internet góp phần cứu cánh cho cuộc sống của người dân trong thời gian dịch bệnh. Nhưng phần lớn vũ công Kalbelia là dân du mục nên đối diện những thách thức lớn hơn. Họ thường sống trong những túp lều dựng tạm hoặc làm bằng bùn loang lổ, điện chập chờn và wifi là một thứ xa xỉ.

Từng kiếm sống bằng việc biểu diễn gắn liền với các hoạt động du lịch nhưng dịch bệnh ập đến khiến nhiều vũ công Kalbelia không kịp trở tay
Kiếm sống bằng việc biểu diễn gắn liền với các hoạt động du lịch nên khi dịch bệnh ập đến, nhiều vũ công Kalbelia không kịp trở tay

Aasha Sapera - nữ vũ công 26 tuổi và là mẹ đơn thân, sống phụ thuộc vào nguồn thu nhờ biểu diễn cho các hoạt động du lịch ở bang Rajasthan, Ấn Độ, vì vậy, khi mọi thứ ngưng trệ vì dịch bệnh, cuộc sống của cô rơi vào bế tắc. Có lúc, cô tưởng như cuộc đời mình đã bị "xoá sổ'', bởi giống nhiều người khác trong cộng đồng, Aasha Sapera không nhận được trợ cấp từ chính phủ.

Cuộc chiến sinh tồn với cộng đồng Kalbelia không phải là vấn đề mới. Từ lâu họ đã bị xem là sống ngoài rìa của xã hội Ấn Độ và từng chịu không ít sự kỳ thị. Nhưng họ đã cố vươn lên bằng chính nghề múa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Năm 2010, Kalbelia được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, khiến không ít nhà nghiên cứu văn hoá cũng như khách du lịch đến Rajasthan. Nay, hoạt động du lịch bị ngừng trệ, nguồn sống của họ bị cắt đứt.

Tiếp cận thế giới bên ngoài thông qua internet là chìa khoá giúp họ xoay sở trong thời điểm khó khăn này. Vũ công Aasha Sapera cho biết ban đầu khi tổ chức các lớp dạy múa, cô không biết phải làm gì. “Chúng tôi gặp vấn đề về internet. Các lớp học thường bị huỷ do kết nối quá tệ” - cô chia sẻ. Aasha Sapera là một trong 11 thành viên trên cộng đồng trực tuyến Kalbelia World, nơi cung cấp những bài học trực tiếp đến mọi người trên toàn thế giới với mức giá 10 USD.

Nhà nhân chủng học người Bỉ - Ayla Joncheere, một trong những người đồng sáng lập Kalbeliya World cùng các thành viên khác của nhóm là Aakansha Maheshwari và Christina Gomes đã tạo ra mô hình mang tên “hệ thống bạn thân”. Theo đó, mỗi vũ công sẽ kết nối với một đối tác ở nước ngoài để giúp họ vượt qua những thách thức về công nghệ, quản trị nội dung nhằm đưa bài nhảy đến người học một cách hiệu quả.

Từ khi ra mắt vào tháng 5, đến nay đã có 600 học viên đến từ nhiều quốc gia như Chi-lê, Morroco, Pháp, Phần Lan, Nhật Bản... tham gia vào các khoá học này. 

Aasha Sapera đang giảng dạy cho người học thông qua ứng dụng phát video
Aasha Sapera đang giảng dạy cho người học thông qua ứng dụng phát video

Nguồn thu từ hoạt động giảng dạy này không quá nhiều nhưng trở thành cứu cánh cho nhiều phụ nữ, đặc biệt với những trường hợp là trụ cột gia đình. Thành công bước đầu của nhóm đã thúc đẩy nhiều vũ công Kalbelia khác học theo, nhưng không hẳn ai cũng đạt được kết quả tốt.

Vũ công Binu Sapera cũng tổ chức lớp học trên Instagram, học viên sẽ trả tiền cho những điệu nhảy theo yêu cầu. Nhưng không ai trong những người đăng ký thực hiện việc đóng góp. Binu Sapera cho biết mình đã tốn một khoản tiền để lưu trữ dữ liệu di động và các bài học nhưng không thu được khoản thu nào, khiến cô rất thất vọng.

Bạn của Binu (một người Anh) đã giúp cô tạo lớp học trên nền tảng Zoom. Bằng cách này, cô có thể kiếm 11.000 rupee (khoảng 150 USD)/ tháng, bằng một nửa thu nhập trước đại dịch. Cuộc đời Binu le lói tia hy vọng mới.

Chới với khi mất kế sinh nhai trong thời gian qua cộng với khoản nợ 20.000 rupee đã trở thành gánh nặng cho bà mẹ 23 tuổi này. Binu nghĩ đến một tương lai khác khi muốn rời xa bộ môn truyền thống này. Cô nói: “Tôi muốn các con được ăn học, tìm một công việc nào đó và tránh xa nghề múa. Tôi đã từng yêu thương, gắn bó với lối sống, văn hoá của chúng tôi nhưng giờ đây quá khó khăn. Chúng tôi không thể tiếp tục phụ thuộc vào múa”.

Qua mùa dịch lần này, không ít trăn trở vẫn còn ở lại với các vũ công khi họ thấy rằng không thể phụ thuộc vào nghề này hoàn toàn
Các vũ công trăn trở khi không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nghề múa truyền thống

Tuy nhiên, những người biểu diễn Kalbelia như Aasha Sapera tin rằng khiêu vũ có thể là chìa khóa để trao quyền cho phụ nữ và chấm dứt sự phân biệt đối xử trong cộng đồng. Nhảy múa mang lại cho Aasha sự tự tin để rời bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ly hôn là điều hiếm thấy trong cộng đồng còn khá nhiều bảo thủ này. Công việc mang lại thu nhập nhất định giúp cô có thể tự nuôi con gái. Sự tự do tài chính là bước ngoặt đối với phụ nữ trong một cộng đồng đã từng chôn sống các bé gái.

Các lớp học trực tuyến và phạm vi tiếp cận toàn cầu của Kalbelia World có thể được tiếp tục mở rộng. Họ cũng có kế hoạch hoạt động dài hơi hơn nữa khi các biện pháp hạn chế do dịch bệnh được nới lỏng. 

Khó thể tính được tương lai sẽ ra sao, nhưng tình yêu với Kalbelia đã khiến Aasha Sapera tiếp tục bước đi. “Nhảy múa đã cho tôi một bản sắc. Tôi không bao giờ muốn nó biến mất. Tôi muốn con gái được học hành, nhưng cũng muốn con học cách khiêu vũ” - nữ vũ công chia sẻ.

Trung Sơn (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI