Những vụ chồng sát hại vợ: Tiếng kêu cứu xé lòng không hồi đáp

19/06/2017 - 10:15

PNO - Câu nói “Phải tự cứu chính mình trước khi trời cứu” nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng vòng xoáy bạo lực bên trong mỗi cánh cửa gia đình rất khó lường, nếu người trong cuộc không biết tự giải thoát, khó tránh một kết cục thảm thương.

Những vụ chồng ra tay sát hại vợ: cắt cổ, cắt gân, treo cổ… rồi tự vẫn liên tiếp xảy ra. Xâu chuỗi lại, người ta thấy trong cơn hoảng loạn, những người vợ ấy đã cầu cứu nhiều nơi, từ hàng xóm láng giềng cho đến chị em, cha mẹ. Vậy nhưng, ai đã hồi đáp những tiếng kêu xé lòng đó?

Nhung vu chong sat hai vo: Tieng keu cuu xe long khong hoi dap
Sau cái chết của cha Hùng và mẹ Trang, bé C.T. (15 tuổi) phải trở thành trụ cột để chăm sóc các em

Thảm án trong cánh cửa

Ngày 17/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân tử vong của anh Huỳnh Văn Em (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tú (36 tuổi) ngụ xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước là do người chồng dùng dao đâm chết vợ rồi treo cổ tự sát. 

Thông tin ban đầu cho biết, hai vợ chồng vốn có nhiều mâu thuẫn, ngay ngày xảy ra án mạng, chị Tú từng gọi điện thoại cho cha và một số người thân cầu cứu, nhưng không ai tới giúp…

Như vậy, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, đã có hàng loạt vụ chồng sát hại vợ xảy ra khắp mọi miền đất nước. Đáng nói, trong đó có bốn vụ, ngay trong cơn nguy khốn, người vợ đã kêu cứu người thân, hàng xóm, nhưng không ai can thiệp. Khi mọi người “sực nhớ”, đẩy cửa vào nhà thì đã quá muộn.

Nhung vu chong sat hai vo: Tieng keu cuu xe long khong hoi dap
Nỗi đau mất con của cha mẹ chị Trang

Đầu tháng 3/2017, có hai vụ chồng giết vợ xảy ra liên tiếp. Vụ thứ nhất vào ngày 1/3 ở Bạc Liêu, vào lúc 1 giờ sáng, hàng xóm nghe tiếng kêu thét của trẻ nhỏ từ căn nhà của vợ chồng anh Dương Hoàng Hiệp (35 tuổi) và chị Trần Thị Thanh Tuyền (31 tuổi) tại khóm 7, TP.Bạc Liêu.

Khi hàng xóm chạy đến thì nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng: chị Tuyền nằm  trên vũng máu lênh láng, còn anh Hiệp đang cắt mạch máu tay tự tử. Vụ án được xác định nguyên nhân là do mâu thuẫn gia đình. Chị Tuyền được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhà, nhưng do vết thương quá nặng nên tử vong ngay sau đó, còn anh Hiệp đã được cứu sống.

Ngày phóng viên tìm về Bạc Liêu ghi nhận sự việc, những người trong nhà trọ nghẹn ngào: “Thấy nó kêu cứu, la làng, tưởng như mấy lần trước, vợ chồng giận, cãi nhau chút huề, ai dè…”.

Cũng bởi sự “ai dè” ấy, khoảng 8g 2/3, tiếng kêu gào hoảng loạn của chị Trần Thị Mỹ Trang (31 tuổi) vẳng ra từ căn nhà thôn 12, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Hàng xóm nghe, nhưng chỉ lấy điện thoại lén gọi cho mẹ chị Trang (đang sống ở TP.HCM) để báo tin mà không báo công an. Họ vẫn nghĩ vợ chồng chị Trang cãi nhau… như thông lệ.

Sau đó, nghi có chuyện chẳng lành, một số người chạy qua thì thấy cửa bị khóa trái. Phá cửa vào nhà, họ chứng kiến cảnh chị Trang tắt thở bên vũng máu. Liền sau đó, họ phát hiện xác anh Hùng ở cái giếng cạnh nhà.

Kết luận của cơ quan điều tra: Anh Hùng giết vợ rồi tự sát. Lúc này, cả ba con (con đầu học lớp 11, hai con thứ là anh em sinh đôi, đều học lớp 1) đang ở trường. 

Cuộc gặp muộn màng

Chúng tôi còn nhớ như in cái ngày đầu tháng Ba ở Buôn Ma Thuột, căn nhà nhỏ của chị Trang và anh Hùng chìm trong không khí thê lương, hai cỗ quan tài sánh đôi giữa những đôi mắt đỏ hoe. Chỉ đến ngày đại tang này, hai bên sui gia mới có dịp ngồi lại với nhau trong ngổn ngang oán hận. Một trong những người ân hận nhất là ông Trần Ngọc Hoành (cha của Trang).

Ông không kìm được nước mắt khi nhắc về người con gái đầu: “Vợ chồng tôi làm ăn thất bát, tạm để lại các con ở Quảng Nam để vào TP.HCM kiếm kế sinh nhai. Lúc đó, Trang mới học lớp 10 (15 tuổi). Hùng đang có vợ, nhưng đã theo đuổi Trang và ly hôn khi vợ mang thai đứa đầu.

Tất nhiên là vợ chồng tôi không đồng ý gả con cho Hùng, nhất là khi con gái chưa đủ tuổi. Nhưng Trang làm dữ, đòi bỏ đi, nên chúng tôi nhượng bộ. Ngày con đi, tôi chỉ nói một điều: “Sướng con hưởng, khổ con chịu, ba mẹ không can thiệp được gì nữa”.

Chuỗi ngày về sống với Hùng, Trang ngập trong cay đắng. “Hùng là người vũ phu, lại coi trọng tiền bạc. Cưới nhau được một tháng, Trang đã bị đánh trong rẫy. Khi đang cho con bú, Trang cũng bị chồng đánh. Đã năm lần bảy lượt Trang muốn dứt áo ra đi, nhưng không làm nổi” - bà Nguyễn Thị Hồng Vũ (mẹ Trang) buồn bã cho biết.

Tuy phải chịu đựng cuộc sống hôn nhân bất hạnh nhưng Trang không nhận được nhiều sự chia sẻ từ gia đình, kể cả cha mẹ ruột. “Bởi mẹ thì bận công việc ở xa, còn ba thì đã “từ” con rể từ lâu” - ông Hoành cho biết. 

Phải tự cứu mình

Chua xót, bàng hoàng, nhưng chính người thân của nạn nhân cũng thừa nhận: nạn nhân đã dung dưỡng, bao che và đồng lõa cùng tội ác. Thấy cuộc sống các chị bế tắc, người thân và hàng xóm đã nhiều lần khuyên can, thậm chí yêu cầu các chị ly hôn hay bỏ đi để yên ổn hơn, nhưng người trong cuộc không dứt khoát được.

Mới đây trong buổi báo cáo chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc, không bạo lực ở KP.5, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM, thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Trưởng phòng Gia đình Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM trăn trở: “Đã gần 10 năm chúng ta thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (từ 1/7/2008), nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng, cộng đồng, pháp luật cùng vào cuộc.

Kẻ thủ ác với người thân, có hành vi bạo lực phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính quyền, công an cùng các đoàn thể ở các địa phương đều đã có bước chuyển lớn về nhận thức, có thể nói hiện còn, nhưng rất hiếm người đang giữ nhiệm vụ ở các vị trí công tác này thờ ơ với chuyện bạo lực gia đình, nhưng có những góc khuất gia đình, Luật không thể soi rọi, Luật gần như bất lực. Đó chính là sự cam chịu, câm lặng vô lý của nhiều chị em dung túng cho tội ác”.

Câu nói “Phải tự cứu chính mình trước khi trời cứu” nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng vòng xoáy bạo lực bên trong mỗi cánh cửa gia đình rất khó lường, nếu người trong cuộc không biết tự giải thoát, khó tránh một kết cục thảm thương. 

Tội ác thường “leo thang”

Những án mạng gia đình khiến tất cả mọi người cần nhìn lại, để có được bài học cho chính mình. Có thể, nạn nhân (chị Trang, chị Tú…) đã quá nhẫn nhịn, một mình chịu đựng nỗi đau bạo hành nên ông chồng “leo thang”. Đánh vợ được lần đầu, đánh được lần thứ hai và nhiều lần sau, lần sau nặng hơn lần trước, để rồi, bi kịch xảy ra. Rất hiếm khả năng một người có thể ra tay giết vợ khi chưa từng đánh vợ. 

Khi một người mẹ biết con gái mình bị chồng đánh, không nên chấp nhận, cho qua. Cần nhận thức đó là mầm mống của tội ác và có sự ứng xử, can thiệp phù hợp. Hơn ai hết, người mẹ cần lắng nghe nhiều hơn, theo dõi sát hơn và đặc biệt là phải nỗ lực tiếp cận cả con gái và con rể để hỗ trợ, can thiệp, từ đó góp phần hóa giải mâu thuẫn. 

Khi bị chồng bạo hành, người vợ không nên âm thầm chịu đựng. Cần chia sẻ với người thân và nhờ một người thứ ba để phân giải, từ đó, phần nào kiểm soát được căng thẳng “leo thang” trong mối quan hệ, tránh hậu quả đáng tiếc.

ThS tâm lý Đào Lê Hòa An
(Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM)

Nghi Anh - Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI