Những vụ 'cầm nhầm' thơ, nhạc - Đã 'vô phép' còn... quanh co

11/01/2019 - 12:00

PNO - Đó là cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn hóa, văn minh - những điều không nên có của những người làm công việc (mang danh) sáng tạo.

Không ít vụ việc “cầm nhầm”, đạo thơ, đạo nhạc, đạo ý tưởng, lấy tác phẩm của người khác mà không xin phép, khi bị phát hiện còn “chày cối”, ngụy biện, “vòng vo tam quốc”. Đó là cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn hóa, văn minh - những điều không nên có của những người làm công việc (mang danh) sáng tạo.

“Đạo thơ” nhưng chỉ nhận “lấy cảm hứng”

Hiếm có ca khúc nào mới ra mắt đã vấp phải lùm xùm đạo nhái từ giai điệu lẫn ca từ như Tình nhân ơi của nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa; thậm chí, ca khúc này bị cho là “thành phẩm xào nấu” từ hai bài thơ của hai người khác nhau là Linh Linh và Lạc Hi. Không chỉ có vậy, người hâm mộ còn “đào mộ” lại bản Người lạ ơi - “hit” lớn của năm 2018 và phát hiện Châu Đăng Khoa đã lấy nguyên một bài thơ của tác giả Linh Linh mà không hề xin phép, cũng không có bất cứ dòng thông tin nào khi phát hành ca khúc.

Ca khúc Tình nhân ơi:

Với lý do “âm nhạc chỉ có 7 nốt, quanh quẩn chỉ có chừng đó vòng hòa thanh, mà có hàng tỷ bài hát ra đời mỗi năm”, câu chuyện “đạo nhạc” dù chưa thuyết phục được nhiều người, vẫn tạm lắng xuống. Có điều, “không may” cho Khoa là hai bài thơ liên quan đến lùm xùm này đều “giấy trắng mực đen”, đã được in trong một tập thơ xuất bản năm 2016. Vì thế, khi nói đó là “những bài thơ trôi nổi trên mạng”, “không biết của ai mà xin phép”, lập tức Châu Đăng Khoa đã bị cộng đồng mạng đặt cho danh hiệu “Khoa đạo sĩ”.

Khi “vải thưa không che được mắt thánh”, “giấy không gói được lửa” và trước sự giận dữ của dư luận, Châu Đăng Khoa đã buộc phải đưa ra lời xin lỗi trên fanpage của mình và có lẽ, Khoa cũng ghi luôn tên mình vào kỷ lục của showbiz khi ra mặt xin lỗi tới 2 lần (lần 1 tối 6/1 và lần 2 tối 8/1) mà vẫn không thuyết phục, càng làm người khác bức xúc.

Điều này xuất phát từ thái độ có vẻ “lồi lõm”, “chày cối”, “lầy lội” của Khoa khi cho rằng mình chỉ “lấy cảm hứng”, chứ “không hề đạo thơ”, “không hề lấy mà không xin phép” và “xin nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề tác quyền”, thậm chí có hàm ý trách móc tác giả Linh Linh gây khó dễ.

Nhung vu 'cam nham' tho, nhac - Da 'vo phep' con... quanh co
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa , vướng ồn ào '' đạo thơ " và "đạo nhạc"

Trước lời xin lỗi thiếu chân thành và được cho là không đàng hoàng của Khoa (xin lỗi nhưng ẩn trạng thái công khai), tác giả Linh Linh không thỏa lòng và quyết định giao quyền xử lý tiếp theo cho đơn vị giữ bản quyền tập thơ. Linh Linh cho biết, từ lúc xảy ra chuyện đến nay, cô không hề nhận được một cú điện thoại nào từ Châu Đăng Khoa, mọi trao đổi đều diễn ra thông qua chat trên Facebook.

Đến hết ngày 10/1, truy cập vào trang YouTube đăng tải hai MV Người lạ ơi  Tình nhân ơi, vẫn thấy ê-kíp Châu Đăng Khoa chưa sửa lại phần thông tin ca khúc, chưa ghi nhận lời thơ của hai tác giả Linh Linh và Lạc Hi. Làm sáng tạo, nhưng hiểu biết sơ đẳng nhất về bản quyền không có, một lời xin lỗi cũng không biết nói cho đàng hoàng, tử tế, là những điều cộng đồng nói về nhạc sĩ trẻ này.

Scandal của Châu Đăng Khoa không phải là cá biệt. Trước đó, trong làng nhạc, Phạm Hồng Phước cũng trở thành tâm điểm “lầy lội”, phản ứng quanh co, khi sử dụng bài thơ Khi chúng ta già của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà vào ca khúc mà không xin phép. Khi không thể né tránh và ngụy biện được nữa, Phước phải viết một bức “tâm thư”, đăng lời xin lỗi trên Facebook cá nhân.

Tuy nhiên, đó chỉ là lời xin lỗi gián tiếp, chứ lời xin lỗi trực tiếp thì tới giờ, nhà văn Nguyễn Việt Hà vẫn chưa hề nhận được. Cả hai vụ việc đưa đến một câu hỏi: dám “xài chùa” nhưng không dám nhận, có lẽ nào, mở miệng thừa nhận mình đã sai và xin lỗi đàng hoàng thật sự khó với nghệ sĩ?

Nhung vu 'cam nham' tho, nhac - Da 'vo phep' con... quanh co
Dù vi phạm bản quyền, Người lạ ơi vẫn được vinh danh là Bài hát của năm ở giải thưởng âm nhạc Zing Music Awards 2018

Ngang nhiên đến thế là cùng!

Trong văn chương, các nhà văn/nhà thơ - đối tượng được xem là “dễ tính” nhất quả đất, nếu có tác phẩm bị đạo, thường chỉ cần một lời xin lỗi chính thức, rồi mọi thứ cũng dễ dàng cho qua. Song, không phải kẻ đạo thơ văn nào cũng dám làm dám chịu. Không ít người mãi lý sự cùn, cố bảo vệ ánh hào quang (đánh cắp từ người khác) của bản thân.

Đình đám nhất có lẽ phải kể lại trường hợp của tác giả Lê Thủy (tên thật Võ Thị Lệ Thủy, nguyên trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung, Đắk Nông). Chỉ “đạo” một tác phẩm đã là vết nhơ khó gột rửa trên đường văn. Vậy mà Lê Thủy lại đạo hàng loạt tác phẩm của nhiều nhà văn có tên tuổi. “Đạo” vài ý thơ văn đã đáng bị lên án, Lê Thủy đạo truyện ngắn của người khác, thay tên đổi tựa và ngang nhiên nhận đó là sáng tạo của mình. Thủy thuộc dạng đạo văn có… thâm niên - trong khoảng thời gian dài từ năm 2011-2016.

Khi bị phát hiện, chẳng những không nhận sai, Lê Thủy còn có những lý giải hết sức kỳ dị về hành vi “đạo”. Trước thì một mực cho rằng, các truyện ngắn bị tố đạo văn ấy do mình viết trước các tác giả khác (!); sau lại bảo vì “thích quá, từng sáng tác, nhưng giờ không viết được nữa”, rồi viện lý do có ai biết tạp chí Nâm Nung (Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông). Trên trang cá nhân, cách đây không lâu, tác giả này còn viết một dòng trạng thái dài, cho rằng bản thân đạo văn để “cố tình chứng tỏ” cho những tác giả địa phương thấy rằng, một truyện ngắn hay là như thế nào (?!).

Nhung vu 'cam nham' tho, nhac - Da 'vo phep' con... quanh co
Tác giả Lê Thuỷ nhiều lần bị xử lý vì đạo văn, thơ

Vụ việc gần nhất là chuyện Hà Ngọc đạo truyện ngắn của Tống Ngọc Hân (TP.Hà Nội), viết thành thơ, nhờ nhạc sĩ phổ nhạc rồi tổ chức sự kiện ra mắt, mời ca sĩ hát tác phẩm đạo văn. Ngang nhiên đến thế là cùng!

Sân khấu cũng lắm vụ “trời ơi đất hỡi”

Sân khấu cũng không thoát nạn xài chùa tác phẩm nghệ thuật. Việc vi phạm tác quyền diễn ra như cơm bữa ở cả sân khấu kịch lẫn cải lương, nhưng hiếm có vụ việc nào được xử lý đến nơi đến chốn. Kết quả là việc chôm kịch bản sân khấu diễn ra ngày càng nhiều và ngang nhiên hơn. Những chuyện lùm xùm bản quyền như kịch bản Nợ sữa, Tô Ánh Nguyệt, Tía ơi má về, Đời cô Lựu, phim Lô tô... bị nêu trên truyền thông chỉ là phần nổi bé nhỏ của tảng băng chìm khổng lồ về tác quyền và cách ứng xử của một bộ phận những người làm sân khấu.

Cách đây chưa lâu, diễn viên Bình Tinh đã bày tỏ bức xúc công khai trên trang cá nhân về việc nhiều đồng nghiệp lấy kịch bản của mẹ cô (tác giả Bạch Mai) biểu diễn mà không xin phép gia đình, dù trước đó gia đình cô đã có những phản ứng rất mạnh về việc này. Các kịch bản, âm nhạc của gia đình Tuồng cổ Minh Tơ, nhiều kịch bản của NSND Thanh Tòng được sử dụng cho các chương trình game show, show diễn cá nhân, chương trình chuyên đề về cải lương tuồng cổ… vẫn được “lấy” một cách bất chấp, dù chưa được sự đồng ý của gia đình.

Nhung vu 'cam nham' tho, nhac - Da 'vo phep' con... quanh co
Hai ca khúc của Châu Đăng Khoa bị tố lấy trong tác phẩm Những nỗi buồn không tên không xin phép

Khi biết chuyện, gia đình NSND Thanh Tòng đã tìm cách liên lạc, nhưng sau những lời hứa hẹn chỉ là sự im lặng và tiếp tục “cầm nhầm” hết lần này đến lần khác - từ kịch bản nguyên tuồng đến các trích đoạn. Tức nước vỡ bờ, gia đình NSND Thanh Tòng phải nhờ đến sự can thiệp từ cơ quan quản lý thì người sử dụng mới xin phép, nhưng cũng chỉ là nhờ thông qua người khác.

“Tôi nghe âm nhạc của mình ở khắp nơi - từ các chương trình hát cúng đình, show cải lương đến game show truyền hình. Buồn hơn là những sáng tác từ tim, từ óc của mình lại được sử dụng như mớ xà bần. Quân sĩ ra báo cũng sử dụng âm nhạc của tôi ca diễn tùy hứng”. 

 Nhạc sĩ Minh Tâm 

Chuyện sử dụng kịch bản nhưng không xin phép tác giả còn xảy ra phổ biến ngay trong chính môi trường đào tạo nghệ thuật, cả công lập lẫn tư nhân. Nhiều tác giả chưng hửng khi vô tình đến xem các buổi thi học kỳ của sinh viên và phát hiện những trích đoạn của mình được chọn làm bài thi.

Mới đây, một tác giả vô tình biết tác phẩm của mình được chọn làm trích đoạn thi tốt nghiệp môn tiếng nói sân khấu của một lớp đào tạo tư nhân, khi đọc thư mời tham dự buổi thi của người khác. Một sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cũng từng hồn nhiên chọn dựng vở tốt nghiệp từ kịch bản đang được xếp lịch biểu diễn của một sân khấu chuyên nghiệp, bất chấp việc dựng vở thi tốt nghiệp của mình ảnh hưởng ra sao đến doanh thu của sân khấu. Khi bị phát hiện và nhắc nhở, sinh viên trên mới đến gặp tác giả để xin phép.

Không nỡ từ chối, nhất là với tinh thần giúp đỡ việc học tập của sinh viên - thế hệ kế thừa, tác giả và sân khấu đành đồng ý cho phép sử dụng với yêu cầu sinh viên phải cam kết chỉ sử dụng kịch bản làm bài thi.

Nhung vu 'cam nham' tho, nhac - Da 'vo phep' con... quanh co
Toàn bộ tâm thư xin lỗi của Phạm Hồng Phước

Kết cục chỉ có ê chề

Trước đây, để được cấp phép biểu diễn, các cá nhân, tổ chức phải chứng minh mình đã được tác giả hoặc gia đình cho phép sử dụng tác phẩm. Nhưng theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP thì việc cấp phép cho một chương trình biểu diễn không còn yêu cầu phải có bằng chứng xác nhận những tiết mục, tác phẩm trong chương trình đã được tác giả hoặc gia đình tác giả cho phép. Đây là kẽ hở cho một bộ phận người làm nghề thiếu ý thức và tự trọng lợi dụng để xâm phạm quyền tác giả.

Trong khi đó, các chế tài đối với hành vi vi phạm vẫn chưa đủ mạnh, mới dừng lại ở mức phạt hành chính nhẹ nhàng, không đủ sức răn đe. Ở lĩnh vực sân khấu, mới chỉ có vụ việc bôi bẩn tác phẩm Tô Ánh Nguyệt bị phạt hành chính do bị dư luận phản ứng quá mạnh. Tuy nhiên, mức phạt chỉ 15 triệu đồng cho hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả và xuyên tạc tác phẩm, gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Đáng nói, có những trường hợp, hành vi “dùng đồ người khác không xin phép” còn được trao thưởng, vinh danh. Kết quả Zing Music Awards 2018, vừa công bố chiều 10/1, đã vinh danh ca khúc Người lạ ơi ở giải thưởng quan trọng nhất: Bài hát của năm. Bên cạnh giải lớn này, ca khúc “đạo thơ” người khác này còn chiến thắng ở một hạng mục Ca khúc rap/hip-hop được yêu thích. Bỏ qua cộng đồng fan, phải chăng, cả những người ngồi ghế hội đồng chuyên môn cũng “bất chấp” mà cổ xúy, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật?

Nhung vu 'cam nham' tho, nhac - Da 'vo phep' con... quanh co
Hai đoạn thơ của Linh Linh xuất hiện trong ca khúc của Châu Đăng Khoa

Là một trong những tác giả có kịch bản được mượn mà không xin phép, tác giả Trần Văn Hưng bức xúc: “Điều còn đáng buồn hơn thực trạng mượn không xin phép là thái độ, cách ứng xử của các bạn trẻ. Họ nghiễm nhiên sử dụng tác phẩm của người khác như của mình. Khi bị phát hiện, nhiều em vẫn cứ giả lơ như không biết. Một số bạn tìm gặp tác giả xin phép và xin lỗi, nhưng bao giờ cũng đính kèm lý do abcd… chứ hiếm ai chịu nhận mình sai và xin lỗi một cách chân thành. Cảm giác như những lời xin lỗi, xin phép đó chỉ cho có lệ, trong tình huống bị ép buộc, để khỏi ảnh hưởng đến chương trình, tên tuổi của mình”.

Có nhiều lý do khiến các tác giả bị vi phạm bản quyền đành chấp nhận yên lặng: ngại bị chê trách là ích kỷ, sợ bị cho là tạo scandal để đánh bóng tên tuổi… Ngoài ra, tác giả hoặc người thân không có thời gian và đủ kiên nhẫn đeo đuổi những vụ kiện tụng, nhất là khi tác phẩm bị sử dụng trái phép hàng loạt. Nhưng quan trọng hơn, nghệ sĩ vốn sống thiên về cảm xúc; việc phải kiện tụng, đưa nhau ra tòa là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng khi quyền tác giả đã bị xâm hại đến mức nghiêm trọng, với thái độ bất chấp, coi thường của những “kẻ trộm”, tòa án nên được xem là lựa chọn tối ưu để tự bảo vệ quyền lợi của mình và người thân.

Những vụ vi phạm bản quyền luôn để lại nỗi chán ngán, thất vọng với người trong giới. Có những vụ việc nổi đình nổi đám trên mạng xã hội, cuối cùng khép lại bằng sự thỏa thuận, dàn xếp giữa những người trong cuộc. Cũng có những vụ, kẻ trộm cố cãi cho bằng được, nhưng khi sự thật phơi bày, lại chỉ còn nỗi ê chề cúi mặt. Hệ lụy là những “nạn nhân” bị cuốn vào vòng xoáy vô duyên cớ, phải mệt mỏi chứng minh tác phẩm bị đạo là đứa con tinh thần của mình. Thậm chí, có tác giả quá mệt mỏi, đành chấp nhận lời xin lỗi qua loa và đồng ý với quan điểm “chỉ là viết sau chứ không phải đạo”.

Nhung vu 'cam nham' tho, nhac - Da 'vo phep' con... quanh co
Mạng xã hội là nơi giúp tác giả phát hiện tác phẩm được sử dụng mà không xin phép

Sự thật chỉ có một. Trắng đen chỉ là vấn đề thời gian hoặc tùy vào sự hối lỗi sớm hay muộn của người vi phạm. Thời đại internet, không có gì che giấu mãi được. Vụ “đạo” nào rồi cũng sẽ bị phát hiện. Nói như nhà văn Đỗ Bích Thúy, đạo văn người khác cũng là cách nhanh nhất loại bỏ bản thân mình ra khỏi cuộc chơi văn chương. Đạo tác phẩm người khác là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, tự hủy hoại danh tiếng bản thân. Dù có giải quyết bằng cách nào, những người “cầm nhầm” cũng tự phơi ra cho công chúng thấy họ là kẻ háo danh, trơ trẽn, bất tài, lười sáng tạo, thiếu ý thức, đánh mất lòng tự trọng… 

“Nhà trường và thầy cô đã xem nhẹ việc tôn trọng tác quyền và chất xám của tác giả. Một biên bản đồng ý của tác giả, cho phép sử dụng kịch bản thi học kỳ, tốt nghiệp là cần thiết. Ngoại trừ tác giả đó quá xa xưa, còn tìm tác giả trong thời đại 4.0 không khó. Các bạn trẻ chưa được tập thói quen xin phép, tôn trọng tác quyền và chất xám sáng tạo của người khác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên hình thành lối ứng xử không tốt. Thêm nữa, sử dụng sáng tạo của người khác là làm thui chột sự sáng tạo của chính người nghệ sĩ đó. Lợi bất cập hại”.

 Đạo diễn Bùi Quốc Bảo

Nhóm Phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI