Thanh tra TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM cho chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ các sai phạm gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Sài Gòn thành Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn.
Đây là công ty con, trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Đất 55 triệu đồng/m2, định giá 5 triệu/m2
Nằm sát khu đô thị mới Thủ Thiêm nên giá đất của khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM cũng cao chót vót. Năm 2017, đất nền ở những vị trí đẹp tại đây có giá 55 triệu đồng/m2. Thế nhưng, khi góp vốn đầu tư, Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) chỉ định giá 5 triệu đồng/m2.
Dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi do Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Sài Gòn (viết tắt là IPD - tiền thân của ESL) làm chủ đầu tư. Đây là dự án thành phần của dự án 174ha do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2001. Đến năm 2007, UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Sài Gòn với diện tích hơn 143.000m2 để đầu tư xây dựng hạ tầng.
Sau khi cổ phần hóa thành ESL, năm 2017, dự án trên của ESL được Công ty Quốc Cường Gia Lai gửi văn bản xin hợp tác đầu tư. Ban đầu, ESL từ chối nhưng sau đó lại bất ngờ mời Công ty Quốc Cường Gia Lai tham gia.
Công ty Quốc Cường Gia Lai không đầu tư mà giới thiệu công ty thành viên của mình là Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phát tham gia và được ESL chấp nhận. Thời điểm này, Công ty Hiệp Phát chỉ mới thành lập được vài tháng và chưa thực hiện dự án nào.
Để cùng đầu tư dự án trên, ESL góp vốn bằng hình thức quy ra tiền một số khu đất. Cụ thể, khu đất có tổng diện tích hơn 45.000m2 được quy đổi thành 223 tỷ đồng, tương đương 5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi thời điểm trên được thẩm định từ 35-55 triệu đồng/m2.
|
Khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, nơi Thanh tra TP.HCM phát hiện công ty con của IPC định giá đất thấp hơn giá trị thật cả chục lần khi góp vốn đầu tư - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Theo Thanh tra TP.HCM, việc ESL chỉ chọn một đối tác duy nhất để đầu tư là không đảm bảo quyền lợi cho nguồn vốn nhà nước; mặt khác, Công ty Hiệp Phát chỉ mới thành lập nên cũng không có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.
Thanh tra TP.HCM xác định: “Như vậy, thực chất của việc thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án trên là nhằm chuyển nhượng dự án khi có đầy đủ tính pháp lý. Với giá thẩm định như vậy, sẽ gây thất thoát, thiệt hại cho vốn doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, vào thời điểm thanh tra (tháng 4/2018), các bên đã ngừng hợp tác đầu tư và thanh lý hợp đồng”.
Làm giảm giá trị tài sản nhà nước
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cảng Cát Lái (Q.2) là cảng biển lớn của TP.HCM, có vị trí chiến lược, nhưng sau khi giao cho ESL khai thác, đã rơi vào tình trạng trì trệ.
Theo xác định của Thanh tra TP.HCM, do không đủ nguồn lực và kinh nghiệm nên ESL phải liên kết, hợp tác với nhiều đơn vị khác, dẫn đến thiếu hiệu quả trong khai thác. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng cảng khu công nghiệp Cát Lái đã được chấp thuận từ năm 2002 và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2018 nhưng đến nay, chỉ xong phần giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và ký hợp đồng thuê đất…
|
Cảng Cát Lái, một trong nhiều dự án do Công ty ESL khai thác không hiệu quả, đang được Thanh tra TP.HCM đề nghị chấn chỉnh - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Dự án xây dựng cảng Cát lái là một trong nhiều ví dụ cho thấy sau khi cổ phần hóa, ESL không những không mạnh hơn mà còn suy yếu. Đằng sau sự suy yếu của doanh nghiệp này là các dấu hiệu làm giảm giá trị tài sản nhà nước một cách đáng ngờ.
Một trong những tài sản có giá thấp bất thường khi cổ phần hóa được Thanh tra TP.HCM xác định là công trình trên khu đất số 938/180 Nguyễn Thị Định, Q.2 do không được Công ty IPD xây dựng phương án sử dụng đất theo quy định trước khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, tài sản này trong sổ sách có giá hơn 11 tỷ đồng nhưng khi xác định lại, có giá hơn 25 tỷ đồng (tăng lên hơn 14 tỷ đồng).
Một vụ khác cũng có dấu hiệu làm giảm giá trị tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, đó là khi Công ty IPD góp vốn bằng quyền sử dụng đất có diện tích hơn 1.800m2 cùng với Công ty TNHH Địa ốc Linh Thành để thực hiện dự án thành phần tại vùng bổ sung khu đô thị mới Nam Sài Gòn.
Cụ thể, hai bên nhất trí định giá khu đất là 5 tỷ đồng để làm giá trị góp vốn nhưng không được cơ quan chức năng thẩm định giá. Theo Thanh tra TP.HCM, việc này không tuân thủ nguyên tắc thị trường, có dấu hiệu làm giảm giá trị tài sản nhà nước.
Những khoản nợ hàng chục tỷ đồng
Thanh tra TP.HCM xác định, trong quá trình liên doanh, liên kết, Công ty con của IPC cũng gây ra nhiều khoản nợ lớn, khó thu hồi. Cụ thể, Công ty cổ phần Cơ khí và Đúc kim loại Sài Gòn (Sameco) trong giai đoạn từ năm 2007-2017 liên tục thua lỗ hoặc lãi rất ít nhưng ESL vẫn liên kết, tiếp tục cho vay với số tiền lớn, hơn 17 tỷ đồng để Công ty Sameco trả các khoản nợ cũ, làm cho nợ không ngừng tăng lên.
Đến nay, khoản nợ hơn 37 tỷ đồng từ Công ty Sameco khó có khả năng thu hồi. Ngoài ra, còn một số khoản nợ hơn 3,3 tỷ đồng khi liên doanh với các công ty khác cũng không có khả năng thu hồi vì các công ty này đã giải thể.
|
Nhóm phóng viên