Nằm gần trục đường Nguyễn Văn Linh, những nền đất ở khu dân cư An Phú Tây (huyện H.Bình Chánh, TP.HCM) từng được nhiều người dân địa phương ao ước sở hữu.
Vào những ngày đầu tháng 7/2019, trong vai người đi mua đất, chúng tôi biết giá đất nền dạng thấp ở đây lên đến 30 triệu đồng/m2 và hầu hết đã có chủ. Ít ai biết, trong năm 2018, khi TP.HCM vẫn đang sốt đất, nhiều lô đất đẹp ở đây lại được Công ty TNHH một thành viên Phát triển khu công nghiệp Tân Thuận (IPC) sang nhượng với giá rất bèo.
|
Một dự án của IPC tại huyện Nhà Bè, TP.HCM |
Gấp gáp tìm đối tác khi chưa định giá đất
Dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây vốn do Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) làm chủ đầu tư, IPC là đơn vị góp vốn vào dự án theo ba hợp đồng với tổng số tiền hơn 492 tỷ đồng để được chuyển nhượng nền đất.
Đầu tháng 3/2016, IPC bắt đầu có thư mời hợp tác đầu tư kinh doanh khu An Phú Tây với tổng diện tích đất hơn 136.700m2.
Thông tin được IPC đăng trên hai tờ báo trong hai đợt; đợt 1 vào các ngày 7, 8, 9/3/2016 và đợt hai vào các ngày 7, 11, 14/3/2016 với nội dung: “Vui lòng liên hệ với chúng tôi từ ngày ra thông báo này đến hết ngày 14/3/2016”.
Vào thời điểm đó, không ít nhà đầu tư cảm thấy kỳ lạ, không hiểu vì sao thời gian kêu gọi đầu tư lại gấp gáp đến vậy. Thư mời kêu gọi đầu tư ngày 14/3 nhưng lại thông báo ngày này cũng hết hạn tham gia.
Sau khi có thư mời, những lô đất của IPC được một công ty và ba cá nhân tham gia đầu tư. Vào thời điểm này, đất của IPC được Công ty cổ phần Định giá và Đầu tư kinh doanh bất động sản Thịnh Vượng (Công ty Thịnh Vượng) thẩm định với giá dao động từ 6,4-6,7 triệu đồng/m2 đối với đất nền và khoảng 5,9 triệu đồng/m2 đối với đất chung cư.
Việc thẩm định giá này nhằm xác định giá trị tài sản của IPC. Nhưng, cùng trong một ngày, Công ty Thịnh Vượng cũng có một chứng thư thẩm định giá với cùng nội dung nhưng với mục đích khác, là “xác định giá trị thị trường để phục vụ công tác mua bán đất”.
Theo Thanh tra TP.HCM, hai chứng thư thẩm định giá do Công ty Thịnh Vượng thực hiện đều diễn ra sau thời điểm IPC có thư mời hợp tác đầu tư. “Điều này cho thấy, IPC mời đối tác kinh doanh trước khi có chứng thư thẩm định giá đất. Việc làm này là không phù hợp, vì phải có chứng thư thẩm định giá trước mới có cơ sở mời đối tác thỏa thuận hợp tác đầu tư” - Thanh tra TP.HCM nhận định.
|
Dự án khu dân cư Long Thới, huyện Nhà Bè |
Không cần vốn, vẫn bán đất với giá bèo
Như đã đề cập ở trên, thư mời hợp tác kinh doanh của IPC đưa ra hạn chót là ngày 14/3/2016 nhưng chỉ có một công ty có thư tham gia đúng hạn, còn ba cá nhân gửi thư sau thời hạn quy định nhưng cũng được tham gia.
Đến năm 2018, khi chuyển nhượng đất nền, IPC không kêu gọi đầu tư rộng rãi mà chuyển nhượng cho ông N.V.T. và ông P.L.C. rất nhiều nền đất.
Qua xác minh, Thanh tra TP.HCM nhận thấy, bản chất của việc chuyển nhượng đất nền nói trên không phải là hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh. “Việc Công ty IPC chuyển nhượng số lượng lớn đất nền dự án cho một số cá nhân thay vì tổ chức qua sàn giao dịch bất động sản, không tổ chức đấu giá là chưa phù hợp và cũng không cần thiết vì IPC chưa cần vốn” - Thanh tra TP.HCM lập luận.
Liên quan đến giá đất ở dự án trên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, vào năm 2008, IPC góp vốn với Công ty SADECO với giá 6,6 triệu đồng/m2; sau đó, IPC chuyển nhượng lại với giá 7 triệu đồng/m2 (đã tính thuế VAT). Thanh tra TP.HCM xác định, giá bán đất dù có tăng 6% nhưng lãi suất ngân hàng qua nhiều năm tăng đến 42%.
|
Khu định cư An Phú Tây là một trong số những dự án mà IPC bán đất với giá thấp bất thường, đang được Thanh tra TP.HCM kiến nghị chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ sai phạm - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Một bất thường khác cũng được Thanh tra TP.HCM phát hiện là: giá đất thẩm định thấp hơn giá thị trường.
Cụ thể, năm 2016, giá đất của IPC được thẩm định dao động từ 6,4-6,7 triệu đồng/m2; đến năm 2018, giá thẩm định dao động từ 8,05-8,73 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, từ năm 2016, theo bảng giá công bố bán ra của Công ty SADECO, giá đất đã dao động từ 8,2-14 triệu đồng/m2.
Như vậy, nếu so với giá từ 8 năm trước, giá đất chuyển nhượng của IPC không những không tăng mà còn giảm một cách khó hiểu. Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư bất động sản ở TP.HCM cho rằng, năm 2018, TP.HCM đang sốt đất mà IPC lại bán đất rẻ hơn giá từ năm 2016 thì không thể tin được.
Theo Thanh tra TP.HCM, trong việc chuyển nhượng nền khu định cư An Phú Tây, đơn giá thẩm định và đơn giá bán của IPC thấp hơn đơn giá công bố và đơn giá bán của SADECO nhưng IPC vẫn căn cứ giá thẩm định để chuyển nhượng.
Việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước nên cần chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ sai phạm và xử lý.
Gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng
Thanh tra TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM cho chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra các vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng liên quan đến Công ty IPC, gồm: vụ chuyển nhượng khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, dự án chuyển nhượng đất nền khu dân cư Long Thới, dự án chuyển nhượng đất nền tại khu định cư An Phú Tây...
Theo xác định của Thanh tra TP.HCM, khi chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước 2 (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), Công ty IPC đã tạo ra giá chuyển nhượng thấp hơn giá bồi thường do UBND huyện Nhà Bè thực hiện, gây thất thoát 134 tỷ đồng (làm tròn số).
Đối với dự án Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), Thanh tra TP.HCM xác định, nếu so với giá bảo toàn vốn do IPC tự tính, cộng với chi phí sử dụng đất và thuế giá trị gia tăng, có khả năng IPC đã gây thiệt hại hơn 43 tỷ đồng.
|
Vì sao IPC được ví “gà đẻ trứng vàng”?
Công ty IPC được thành lập năm 1989, cơ sở hoạt động ban đầu có tên gọi “Chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận”. Đến năm 2004, Công ty IPC được chuyển sang hoạt động theo mô hình “công ty mẹ - công ty con” theo quyết định của UBND TP.HCM. Đến năm 2010, IPC được chuyển thành công ty TNHH một thành viên, là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ.
Đến cuối năm 2018, IPC có chín công ty, gồm một công ty con, bốn công ty liên doanh và bốn công ty liên kết. Cụ thể, công ty con là Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL).
Các công ty liên doanh gồm: Công ty TNHH Sepzone Linh Trung, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH), Công ty Cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Hiệp Tân (HTC). Bốn công ty liên kết gồm: Công ty cổ phần Long Hậu (LHG), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), Công ty TNHH Tân Thuận (TTC), Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
IPC cùng với công ty con và những công ty liên doanh, liên kết thực hiện nhiều dự án quan trọng như dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), dự án Cảng khu công nghiệp Cát Lái, dự án cầu và đường vào cảng khu công nghiệp Cát Lái, dự án Trung tâm Dịch vụ - công nghiệp phục vụ cảng khu công nghiệp Cát Lái, dự án Khu định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh), dự án Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước 2…
Do tham gia nhiều dự án lớn nên IPC được ví là “gà đẻ trứng vàng”.
|
Nhóm phóng viên