Những vợ chồng cùng xung phong ra tuyến đầu chống dịch

30/08/2021 - 07:15

PNO - Với quyết tâm cao độ, đồng lòng ra tuyến đầu, nhiều cặp vợ chồng là bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện ở TPHCM phải tạm gửi con cái, cha mẹ già yếu cho người thân, bạn bè để lên đường chống dịch. Những nỗi nhớ gia đình nhỏ phải được nén lại, chờ đợi ngày đoàn tụ lớn, khi dịch COVID-19 chính thức được đẩy lùi.

Tạm xa gia đình nhỏ để có sự đoàn tụ lớn

Những ngày TPHCM phát hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), bác sĩ Ngô Duy Đăng Khoa được cử đến chợ này với nhiệm vụ giám sát công tác phòng, chống dịch. Ít lâu sau, vợ của anh - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (công tác tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM) - cũng lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12.

Lúc đó, khó khăn lớn nhất của gia đình bác sĩ Ngô Duy Đăng Khoa và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc không phải là nỗi sợ “kẻ thù vô hình”, mà là sự bất an khi phải để lại nhà hai đứa con trai cùng người mẹ đã 83 tuổi bị bệnh tim giai đoạn cuối. 

Không có nhiều thời gian, bác sĩ Kim Cúc chỉ kịp gọi con trai đến, căn dặn kỹ càng về thuốc men, triệu chứng, cũng như cách chăm sóc bà. Tin vào các con, nhưng bác sĩ Kim Cúc cũng khó mà yên lòng. Lần công tác này, chị chưa biết khi nào sẽ về nhà, bởi xong nhiệm vụ, chị cũng phải cách ly phòng dịch một thời gian.

“Là bác sĩ phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi biết sự nguy hiểm của loại virus này. Mẹ tôi lớn tuổi, lại bị bệnh tim. Để giữ an toàn cho gia đình, từ ngày anh Khoa nhận nhiệm vụ, anh thuê khách sạn ở, tự cách ly với gia đình, chưa một lần về nhà. Nhớ mẹ hay muốn dặn dò tôi và các con, anh đều phải gọi điện thoại. Thỉnh thoảng anh cũng ghé nhà, không chắc bản thân mình an toàn, anh đứng ngoài cổng nhìn con rồi đi ngay. Lần này tôi đi cũng sẽ như vậy. Dịch bệnh phức tạp khó hẹn ngày trở về, chỉ hy vọng mẹ tôi sẽ bình an, tin tưởng hai con sẽ chăm sóc tốt cho bà ngoại. Tôi và anh Khoa sẽ thật cẩn thận, chờ ngày đoàn tụ”, bác sĩ Kim Cúc tâm sự.

“Chống dịch như chống giặc”, bác sĩ Kim Cúc không dám hứa hẹn với con, chỉ biết mạnh mẽ hơn để chồng an tâm công tác, để hai con không cảm thấy sợ hãi khi ba mẹ vắng nhà. Chị cố gắng chăm sóc chu toàn cho bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi. Nhìn người bệnh, chị cũng đỡ nhớ mẹ mình, càng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm đẩy lùi dịch bệnh, rồi trở về với mẹ.

Không chỉ riêng vợ chồng bác sĩ Kim Cúc, vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Phấn cũng đồng lòng ra tuyến đầu chống dịch. Điều dưỡng Hồng Phấn ngày đêm cùng đồng nghiệp tất bật với chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Càng hạn chế được F0, thì tuyến đầu càng có thể giảm tải, tập trung điều trị cho các bệnh nhân trước đó. Bởi nơi tuyến đầu, chồng của chị - điều dưỡng Huỳnh Minh Đạt - đang ngày đêm chiến đấu không ngừng với “kẻ thù vô hình” COVID-19.

Nhớ lại ngày nhận lệnh điều động khẩn của Sở Y tế TP.HCM về việc tham gia công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 1, điều dưỡng Huỳnh Minh Đạt cùng 12 y, bác sĩ của Bệnh viện Da Liễu chỉ kịp xếp vài bộ quần áo cho vào ba-lô đã chuẩn bị sẵn từ lâu, nhờ người thân gửi con nhỏ về quê để yên tâm chống dịch.

Do tính chất công việc, anh chị không có thời gian cố định, hơn ba tháng nay, muốn gặp nhau cũng chỉ dám nhắn tin vào buổi tối, nếu trùng thời điểm cả hai tạm xong việc, anh chị liền “sum vầy online” với con qua các ứng dụng điện thoại. 

Anh Minh Đạt nói: “Bệnh viện dã chiến là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, nên nguy cơ lây nhiễm khá cao, công việc cũng không cố định, chỉ kết thúc khi sức khỏe bệnh nhân ổn định. Nếu có người trở nặng, cả ê-kíp phải tăng tốc cấp cứu, nếu may mắn thì vài tiếng đồng hồ, còn ngược lại, một hai giờ sáng hay xuyên đêm là bình thường. Được thấy vợ an toàn, nghe tiếng con qua điện thoại thì rất vui. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của tôi và đồng nghiệp là bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, hết bệnh trở về, đoàn tụ cùng người thân. Càng nhiều người xuất viện, càng nhiều sự sum vầy, rồi không lâu nữa, chúng ta sẽ có một cuộc đoàn tụ lớn. Đó là ngày chiến thắng dịch COVID-19”.

Chúng ta sẽ thắng trận dịch này!

Trong số nhân viên của Bệnh viện Da Liễu TPHCM xung phong “ra trận”, có vợ chồng anh Bùi Hiển Vinh và chị Đỗ Ngọc Thùy Trâm. Họ phải gửi hai con cho ông bà nội để yên tâm chống dịch. Nếu anh Hiển Vinh hăng hái đăng ký lái xe cứu thương chở bệnh nhân F0 cho Trung tâm Cấp cứu 115, thì chị Thùy Trâm cũng viết đơn xin lo công tác hậu cần cho bệnh viện dã chiến. 

 

 

Những lúc không phải chở F0, anh Hiển Vinh lại qua thăm vợ, vợ chồng vẫn “giữ khoảng cách” để đảm bảo an toàn - ẢNH: PHẠM AN
Những lúc không phải chở F0, anh Hiển Vinh lại qua thăm vợ, vợ chồng vẫn “giữ khoảng cách” để đảm bảo an toàn - Ảnh: Phạm An

Hằng ngày, chị Thùy Trâm cùng đồng nghiệp tất bật lo từng bữa ăn cho các y bác sĩ, các lực lượng hỗ trợ chống dịch, chuẩn bị văn phòng phẩm, khuân vác hàng viện trợ… cùng nhiều công việc không tên khác, còn anh Hiển Vinh chở người bệnh F0 xong cũng ở lại cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 3. 

Hai bệnh viện dã chiến khác nhau, nhưng cách nhau chỉ năm đến bảy phút đi bộ. Chiều chiều, vào những ngày không phải chở người bệnh F0, anh Hiển Vinh lại qua thăm vợ, cùng nhắc về con cái để có động lực “chiến đấu”. Đứng cách nhau hơn hai mét, anh chị cũng tranh thủ gọi điện về cho gia đình để mọi người yên tâm thấy mình vẫn khỏe mạnh, vợ chồng vẫn được ở cạnh nhau trong thời điểm dịch bệnh khốc liệt này.

Đón người thương vừa hoàn thành nhiệm vụ sau 21 ngày “chiến đấu” chống dịch tại Khu cách ly tập trung ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, nhưng điều dưỡng Châu Mỹ Vy chỉ có thể nhìn chồng qua khung cửa kính khu cách ly dành cho nhân viên y tế. Nhóm của điều dưỡng Phan Thanh Bình (chồng điều dưỡng Mỹ Vy) phải cách ly phòng dịch COVID-19 tại đây, sau khi kết thúc nhiệm vụ. Chị Mỹ Vy và anh Thanh Bình đều là điều dưỡng Khoa Hồi sức và sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM.

 

 

Hay tin chị Mỹ Vy xin tăng cường vào Đơn vị điều trị COVID-19, anh Thanh Bình chỉ kịp nhắn vợ cẩn thận - ẢNH: PHẠM AN
Hay tin chị Mỹ Vy xin tăng cường vào Đơn vị điều trị COVID-19, anh Thanh Bình chỉ kịp nhắn vợ cẩn thận - Ảnh: Phạm An

Trước đó, chị Mỹ Vy tham gia đội hình phản ứng nhanh của bệnh viện, đi khắp nơi lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi được điều động. Sau đó không lâu, anh Thanh Bình cũng ra tuyến đầu. Hoàn thành nhiệm vụ đợt 1, cả điều dưỡng Bình và Vy đều về bệnh viện cách ly tập trung. Cách nhau 200 mét, đôi vợ chồng trẻ chỉ có thể chào nhau qua khung cửa sổ bệnh viện, hoặc nhìn nhau qua điện thoại cho đỡ nhớ.

Bảy ngày cách ly tại khu tập trung của bệnh viện, đồng nghiệp của cả hai thường xuyên chứng kiến tâm trạng “ngồi trên đống lửa” của điều dưỡng Thanh Bình, khi đếm từng ngày để được về nhà. Hỏi: “Thế có cùng nhau chiến đấu nữa không?”, anh Thanh Bình rưng rưng: “Đi lâu quá rồi, cho em về vài hôm. Vy hơi ốm rồi, nhớ quá. Để em về dặn dò vợ vài câu, rồi mình sẽ lại tiếp tục cùng nhau”.

Thế mà, điều dưỡng Thanh Bình chưa kịp về, đã nghe tin điều dưỡng Mỹ Vy đăng ký ở lại. Chị nói: “Đã đi là chấp nhận rủi ro, nhớ lắm chứ, nhưng em giờ ở chung với người bệnh F0 rồi, nguy cơ hơn anh Bình nhiều. Về vài ngày, lỡ lây cho anh ấy thì sẽ xa nhau lâu hơn”. Biết tin vợ xong nhiệm vụ trong đội phản ứng sớm, đã âm thầm xin vào tăng cường cho Đơn vị điều trị COVID-19 của bệnh viện, anh Thanh Bình hơi giận, nhưng lo nhiều hơn. Anh gọi điện cho vợ, nhắc chị bảo trọng, cùng lời chúc bình an. Rồi chính anh cũng viết đơn xin ở lại…

Đang viết, điện thoại có tin nhắn đến: “Chúng ta sẽ thắng trận dịch này”, kèm theo biểu tượng trái tim. Anh Thanh Bình nhìn qua khung cửa sổ bệnh viện, vợ anh đang đứng đó, rưng rưng nước mắt… 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI