'Những vì sao thành phố': Những vì sao quần tụ trong mưa...

20/10/2018 - 06:59

PNO - Trời mưa cũng không ngăn được những 'vì sao' quần tụ tại nhà má Tám Rành ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM trong đêm 19/10.

Chương trình nghệ thuật Những vì sao thành phố do Hội LHPN TP.HCM và Báo Phụ Nữ TP phối hợp tổ chức, diễn ra nhân 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2018), 8 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2008 – 20/10/2018) và Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phần lễ được làm một cách ngắn gọn, để nhường chỗ cho 9 tiết mục trong chương trình, bao gồm cả ca nhạc và sân khấu. Xen lẫn các tiết mục là những thước phim tư liệu quý, những câu chuyện có thật về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc mà ở đó, những người phụ nữ Việt Nam, con cháu của bà Trưng, bà Triệu đã góp phần dệt thêu gấm vóc non sông này. Tham gia chương trình có sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Thy Trang, ca sĩ Phương Thanh, Hồ Trung Dũng, Nguyễn Hồng Ân, Lê Mai…

'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...

Ca sĩ Lê Mai

Ra đời vào năm 1983, ca khúc Đất nước lời ru của nhạc sĩ Văn Thanh Nho nhanh chóng nhận được yêu mến của đông đảo khán thính giả cả nước. Lê Mai, học trò của ca sĩ Lệ Quyên trong chương trình Thần tượng Bolero chính là người cất tiếng hát ru đã có từ thời mẹ Âu Cơ khai thiên lập địa, mở đầu chương trình này: “Ru con mẹ ru con/ Tiếng ru cả cuộc đời/ Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời”.

Những người mẹ cất lời ru con bằng câu dân ca ngọt ngào trong bão giông đó sau này đi vào huyền thoại. Để rồi khi Phương Thanh cất tiếng hát ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên sân khấu, thì ở hồ sen bên ngoài sân khấu, hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Điều (hay còn gọi là má Tám) nhỏ bé, gầy guộc trên chiếc thuyền độc mộc với chiếc đèn măng-sông leo lét trong mưa phụ họa khiến nhiều người có mặt thực sự bị ám ảnh.

'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
Mẹ Nguyễn Thị Điều phụ họa cùng Phương Thanh trong ca khúc Huyền thoại mẹ

Ít ai biết được rằng, cách đây mấy chục năm, trên con sông Hàm Luông dài dằng dặc của tỉnh Bến Tre, cũng chính má Tám chèo thuyền trong đêm tối lần lượt tiễn chồng rồi hai người em trai đi bộ đội. Cha má Tám hy sinh năm má 11 tuổi, hai người em trai cũng đi mãi không về, chồng là bác sĩ quân y may mắn sống sót qua trận mạc nhưng về già, cũng bị hàng loạt vết thương trên người hành hạ. Bản thân má cũng là một huyền thoại, tham gia Đội quân tóc dài, không ít lần bị giặc bắt. Sự xuất hiện ngắn ngủi của má Tám trong chương trình như một lát cắt đồng hiện, lột tả sâu sắc và chân thực hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong gian khó.

'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
Nghệ sĩ Thy Trang
'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
NSND Bạch Tuyết

Nhưng những người mẹ nhỏ bé đó cũng là những người có thể thay chồng dấy binh kháng chiến, những người vợ, người mẹ buông rèm nhiếp chính, vượt lên nỗi hoang mang giữa vận nước- tình nhà vẫn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Điều đó lần lượt được thể hiện qua hai trích đoạn cải lương nổi tiếng: Tiếng trống Mê Linh (tác giả Việt Dung – Vĩnh Điền, thể hiện: nghệ sĩ Thy Trang) và Hoàng hậu của hai vua (tác giả Lê Duy Hạnh, thể hiện: NSND Bạch Tuyết).

Có một điều đặc biệt ở đây, 2 nghệ sỹ gần như độc diễn, lột tả được khí tiết của đàn bà trong những lúc nước sôi lửa bỏng của dân tộc: Một Trưng Trắc trước giờ ra lệnh tiến binh lại tế sống chồng sau khi vẹn tròn đạo nghĩa, một Thái hậu Dương Vân Nga, để giữ vai trò nhiếp chính, đã phải tự đào huyệt chôn hết tất cả trái ngang vào lòng. NSND Bạch Tuyết xuất hiện và độc diễn ở khu vực nhà bát giác mà không phải là sân khấu chính; phần biểu diễn được phát qua hai màn hình led, mở ra độ lùi về mặt thời gian, lịch sử, làm cho câu chuyện được nhìn nhận đa chiều hơn.

'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
Ca sĩ Nguyễn Hồng Ân

Tiếp nối chương trình là hai ca khúc: Người mẹ Bàn Cờ (Nhạc: Trần Long Ẩn, thơ: Nguyễn Kim Ngân, thể hiện: Nguyễn Hồng Ân) và Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (sáng tác Lư Nhất Vũ, thể hiện: Tốp ca), kéo câu chuyện từ thời dựng nước sang giữ nước một cách uyển chuyển, nhịp nhàng. Ca sĩ Nguyễn Hồng Ân chia sẻ: “Ý tưởng đưa chương trình về nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành (tên thường gọi là Má Tám Rành) rất đặc biệt, lạ. Ân không có cảm giác mình đến đây để biểu diễn, mà đang cùng mọi người về nguồn, về lại những năm tháng không thể nào quên được của dân tộc”.

'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
NSƯT Mỹ Hằng hóa thân thành nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai trong tác phẩm  Sáng mãi niềm tin

Trong trang phục chiếc quần lụa đen, áo trắng, quàng khăn rằn, NSƯT Mỹ Hằng hóa thân thành Nguyễn Thị Minh Khai ôm con, giã từ trước khi đi công tác trong trích đoạn Sáng mãi niềm tin (tác giả Lê Duy Hạnh). Chỉ qua một trích đoạn nhỏ, NSƯT Mỹ Hằng đã làm bật lên khí tiết, phẩm chất cách mạng của người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy.

Chương trình kết thúc bằng hai ca khúc mang âm hưởng lãng mạn cách mạng: Đêm thành phố đầy sao (nhạc sỹ Trần Long Ẩn, thể hiện: Hồ Trung Dũng) và Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (nhạc sỹ Xuân Hồng, thể hiện: Tốp ca). Thành phố cho em tuổi thơ, cho em mộng mơ và tình yêu như mùa xuân cũng là thành phố đầy những vì sao mang vóc dáng đàn bà. Đây cũng là ca khúc chủ đề của chương trình biểu diễn nghệ thuật, như một nén nhang thơm, gửi tới những người mẹ, người chị đã ngã xuống vì nền độc lập này.

'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
Ca sĩ Hồ Trung Dũng
'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
Tốp ca hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh kết thúc chương trình

Như bà Lê Thị Thu (Út Hường, thư ký riêng của nguyên trưởng Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định Lê Thị Riêng), nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em nói: “Chiến tranh đã đi qua hơn 43 năm, sẽ không có ai bị lãng quên, sẽ không có bất cứ điều gì được phép lãng quên bởi máu đã đổ trên nền độc lập và lý tưởng thiêng liêng của chúng tôi”.

'Nhung vi sao thanh pho': Nhung vi sao quan tu trong mua...
Chương trình Những vì sao thành phố tưởng nhớ, tri ân những người phụ nữ Việt Nam anh hùng

Ngày miền Nam giải phóng, nữ biệt động thành kiệt xuất của đất sài Gòn – Gia Định ngày xưa - bà Lê Hồng Quân - chỉ còn một cánh tay, cánh tay còn lại bị bại liệt, đôi chân bị hàng trăm mảnh đạn găm vào mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức buốt. Đến xem chương trình, bà không khỏi xúc động khi gặp lại những gương mặt đồng đội thân thuộc của mình.

“Nếu hôm nay vì mưa mà không đi thì rất uổng. Xem chương trình, nhất là vở Tiếng trống Mê Linh, cho tới Sáng mãi niềm tin, tôi nhớ những chị em của mình quá. Nên có và cần phải có những chương trình như thế này, để giáo dục cả chính những người trong cuộc, luôn nhắc rằng, để có thể đi đến được nền độc lập ngày hôm nay, chúng ta đã đấu tranh, hi sinh như thế nào”, nữ biệt động chia sẻ.

Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Tôi có một may mắn đó là tham gia nhiều chương trình ý nghĩa như thế này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được hát trên một mảnh đất đặc biệt, gắn với một cá nhân cụ thể nên những gì mình cảm nhận trở nên chân thực hơn. 

Nghệ sĩ Thy Trang: Hơn 10 năm qua, tôi không nhớ được mình đã hóa thân vào vai Trưng Trắc bao nhiêu lần. Mỗi lần lại có cảm giác khác nhau. Nhưng đây là lần đầu tiên, được diễn ở một nơi đặc biệt như thế này. Bình thường, chúng tôi chạy sô bên ngoài nhiều nhưng dịp này, luôn dành ra một ngày để tham gia diễn những chương trình ý nghĩa, có tính chất như thế này.

Bà Huỳnh Thị Xí, cháu ngoại má Rành:

Đã có nhiều chương trình văn nghệ được tổ chức ở đây nhưng đây là lần đầu tiên, có một chương trình quy mô, hoành tráng và được đầu tư kĩ càng như thế này. Chương trình diễn ra đúng dịp 20/10, ngày Phụ nữ Việt Nam, lại càng ý nghĩa hơn. Gia đình vừa ý, vừa lòng, mát ruột lắm.

Bài: Đậu Dung
Ảnh: Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI