Những vết xe đổ

21/03/2019 - 08:46

PNO - Bạn giương đôi mắt to đen láy nhìn xoáy vào tôi, nói một câu mà đến giờ tôi vẫn không thể quên: bà ấy sinh con vì người đàn ông bà ấy yêu chứ không phải vì thương tôi.

Tôi biết bạn khi chúng tôi 18 tuổi. Gia cảnh bạn đơn chiếc, chỉ có hai mẹ con. Cha đã bỏ rơi mẹ để đi theo người tình khi bạn chưa kịp chào đời. Bạn học giỏi nhưng lúc nào cũng tỏ ra bất cần. Cùng tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường nhưng bạn luôn đến trễ, mặc cho những thành viên khác chờ đợi. Vài lần chúng tôi góp ý, bạn bảo tính bạn vậy, nếu không đồng ý thì bạn không tham gia nữa, thế thôi. 

Nhung vet xe do

Rồi bạn bỏ học khi vừa bước sang năm thứ tư. Hôm ấy, bạn tâm sự với tôi rằng muốn bỏ nhà đi, vì chán mẹ. Tôi hỏi vì sao, bạn bảo vì không thích sống với một bà mẹ nghèo. Bạn sợ hãi cái nghèo và muốn thoát khỏi nó. Có người giúp bạn làm giàu và bạn muốn sáng hôm sau tỉnh dậy không phải bước ra từ căn nhà ẩm thấp mùa mưa nước ngập đến gối, còn mùa hè thì nóng đến cháy da.

Tôi khuyên bạn hãy nghĩ đến sự hy sinh của mẹ. Bà đã làm việc cật lực để có đủ tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con và cho bạn vào đại học. Bà phải rất yêu thương khi sinh ra và nuôi dưỡng bạn. 

Bạn giương đôi mắt to đen láy nhìn xoáy vào tôi, nói một câu mà đến giờ tôi vẫn không thể quên: bà ấy sinh con vì người đàn ông bà ấy yêu chứ không phải vì thương tôi.

Tôi hỏi: nếu bà ấy sinh ra bạn vì người đàn ông đó, thì tại sao khi ông ấy bỏ bà, bà vẫn không bỏ bạn?

Bạn im lặng. Nhưng rồi bạn vẫn rời xa mẹ, đi biệt tăm. Mẹ bạn tìm đến nhà từng đứa bạn để hỏi, không bỏ sót một chỗ nào bà nghĩ là bạn có thể đến, trong suốt nhiều năm.
Mãi đến một ngày cuối năm trước, tôi mới gặp lại bạn, khi bạn đang trên hành trình tìm đứa con gái mười lăm tuổi. Nó bỏ nhà đi theo bạn trai vì chán học và vì bạn làm nó xấu hổ với bạn bè khi đẩy xe bánh tráng trộn đến bán trước cổng trường nó.

Niềm vui ngày gặp lại sau mười mấy năm trôi tuột. Bạn khóc. Bạn nói bạn ân hận lắm và có lỗi với mẹ vô cùng. Tôi hỏi về mẹ bạn. Bạn bảo bà mất rồi, từ lâu.

Một câu chuyện khác, người đàn bà trung niên đành sống cô đơn khi các con bà nhất quyết phản đối chuyện bà đi bước nữa. Họ bảo bà cần gì thì chúng lo hết, cần bao nhiêu cũng chu cấp nhưng tuyệt đối không cho bà đến với người đàn ông khác.

Ngày xưa, cha bà mất sớm, mẹ một mình nuôi ba đứa con. Một người đàn ông đã thương yêu mẹ từ khi bà ấy chưa lấy chồng và vẫn âm thầm đi bên cạnh. Mẹ sợ thiệt thòi cho ba đứa trẻ mất cha nên không nhận lời mà chờ cho đến khi các con có thể tự lập. Lần đầu tiên, mẹ e dè hỏi ý các con là khi đứa con gái út - chính là bà, sắp lấy chồng. Bà đã khóc lóc và “làm dữ” với mẹ, bảo nhà chồng sắp cưới sẽ gièm pha và biết đâu chừng hủy cưới vì “mẹ hai đời chồng, ai dám lấy con”. Lần thứ hai, mẹ mời các con họp mặt để nhắc lại ý định cũ. Cũng chính bà là người phản đối kịch liệt nhất. “Mẹ mà lấy chồng là con không về nhà này nữa”. Đó là lần cuối cùng, mẹ đề cập việc đi bước nữa.

Cho đến khi đứa con trai duy nhất của bà nói những câu mà bà từng nói với mẹ, bà mới hiểu hết đau đớn tổn thương của mẹ ngày xưa. 

Sự đời, cũng có khi “cây đắng sinh trái ngọt” hoặc “cây ngọt cho trái đắng”, nhưng dường như số đông vẫn là “sóng trước xô đâu, sóng sau xô đấy”. Dạy con bằng roi vọt hay bằng tấm gương sáng chói bên ngoài không thể mang lại kết quả tốt đẹp. Con sẽ soi vào tấm gương cha mẹ để hình thành tư duy và lối sống. Thế nhưng, không ít người vẫn loay hoay “dạy con bằng gì?”. 

Diễm Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI