Những ước vọng của thế giới cho năm mới

04/01/2022 - 05:11

PNO - Khép lại năm 2021 đầy khó khăn và biến động, thế giới bước sang năm 2022 với ước nguyện về cuộc sống bình thường mới, đại dịch sẽ không còn là nỗi lo thường trực, bên cạnh niềm hy vọng về hòa bình và bình đẳng giới.

Ước nguyện bình an, hòa bình và bình đẳng giới 

Trong vài tuần qua, hàng chục ngàn người Mỹ đã xếp hàng ở quảng trường Thời đại để xét nghiệm COVID-19, họ cũng viết lên những hy vọng cho năm 2022 trên những tờ giấy nhỏ tạo thành “Bức tường điều ước”. Dù chỉ là một khoảnh khắc, mọi người đều mong muốn thoát khỏi nỗi lo của thực tại, cùng hướng đến một điều ước lớn lao. Tất cả những hy vọng ấy đã được thổi bay trong cơn bão hoa giấy đêm giao thừa. Ban đầu, sức nóng từ đám đông tại quảng trường khiến hoa giấy lơ lửng trên không trung. Sau đó, những điều ước theo gió bay khắp thành phố, lan tỏa hy vọng về sự kết thúc của đại dịch. 

 

Đứa trẻ ôm trong tay những lời ước nguyện hòa bình cùng hoa giấy tại buổi lễ mừng năm mới ở quảng trường Thời đại, New York, Mỹ - ẢNH: REUTERS
Đứa trẻ ôm trong tay những lời ước nguyện hòa bình cùng hoa giấy tại buổi lễ mừng năm mới ở quảng trường Thời đại, New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Vào ngày 31/12, Nhật hoàng Naruhito đã cầu nguyện cho những người thiệt mạng trong đại dịch thông qua một đoạn video thay cho lời chúc mừng năm mới. Đây là năm thứ hai cung điện hủy bỏ buổi gặp mặt công chúng để hạn chế lây nhiễm COVID-19. Ngồi cạnh hoàng hậu Masako, Nhật hoàng Naruhito đã ca ngợi và cảm ơn các bác sĩ cũng như nhân viên chăm sóc sức khỏe, đồng thời bày tỏ quan ngại đối với các quốc gia có hệ thống y tế kém phát triển và thiếu khả năng tiếp cận vắc xin.

Ông chia sẻ: “Bằng cách trân trọng hơn bao giờ hết sự kết nối giữa mọi người, chia sẻ nỗi đau và hỗ trợ lẫn nhau, tôi hy vọng từ sâu thẳm trái tim mình rằng chúng ta sẽ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này”. Hoàng hậu Masako cũng gửi thông điệp của riêng mình: “Tôi chân thành hy vọng rằng 2022 sẽ là một năm bình yên và thịnh vượng hơn cho người dân, dù chỉ là một chút”.

Trong khi đó giữa lòng châu Âu, Đức Giáo hoàng Francis gửi lời chúc mừng năm mới tới thế giới, khuyến khích mọi người tập trung vào điều tốt đẹp gắn kết tất cả, lên án bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời thừa nhận rằng đại dịch đã khiến nhiều người sợ hãi và chật vật trong bối cảnh bất bình đẳng kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Phụ nữ - đặc biệt là các bà mẹ - nhìn thế giới không phải để khai thác mà để nuôi dưỡng sự sống. Phụ nữ nhìn bằng trái tim. Họ kết hợp ước mơ và khát vọng với thực tế cụ thể, không trừu tượng hay thực dụng”.

Theo Đức Giáo hoàng Francis, những người mẹ biết cách vượt qua trở ngại và bất đồng nhằm tạo dựng hòa bình bởi vì họ biết cách “gìn giữ”, cùng nhau dệt nên tấm vải của sự sống từ những sợi chỉ khác nhau. Ông cũng bày tỏ hy vọng về nỗ lực chung của thế giới để bảo vệ phụ nữ khi đại dịch càng làm gia tăng nạn bạo hành gia đình.

Tiêm phòng để giảm áp lực cho y, bác sĩ

Các bác sĩ và y tá trên toàn thế giới đã trải qua hai năm đầy áp lực của đại dịch. Nhưng sự ủng hộ của công chúng đối với những người làm công tác tiền tuyến dường như đã vơi dần đi. Kim Olson - y tá phụ trách đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Bergan Mercy, bang Nebraska (Mỹ) - cho biết: “Trong hai năm qua, thế giới của chúng tôi thực sự đảo lộn. Mỗi ngày lại càng tiếp tục trở nên khó khăn hơn. Tại ICU, chúng tôi như đang chết chìm, cả về tình cảm và thể chất”. Dù vậy, những y tá như Olson vẫn tiếp tục cố gắng, hết ca này đến ca khác, vì họ không muốn đánh mất niềm đam mê với nghề. Theo Olson, một lời “cảm ơn” đơn giản từ bệnh nhân, gia đình và bạn bè có thể giúp họ đứng vững trong những ngày đen tối nhất.

Bên cạnh lòng biết ơn, cộng đồng có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho y, bác sĩ bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ nhập viện. Kathryn Ivey - một y tá ICU 29 tuổi ở Murfreesboro, bang Tennessee - cho biết chỉ mới có 51% dân số tại bang này được tiêm chủng đầy đủ. Năm mới 2022, cô chỉ ước mọi người đi tiêm chủng và đeo khẩu trang ở mọi nơi. 

Tiêm chủng cũng là ước nguyện của một bà mẹ 47 tuổi đang nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bang Minnesota. Jen Bollig sống với cảm giác tội lỗi rằng cô ấy suýt khiến năm đứa con của cô trở nên mồ côi vì cô đã không tiêm phòng và sau đó nhiễm COVID-19. May mắn, Jen đã vượt qua cửa tử và đang hồi phục. Cô muốn dùng câu chuyện của mình để khuyến khích những người khác tiêm phòng, tránh những đau đớn và nỗi sợ hãi cô đã phải chịu đựng và cầu mong thế giới sẽ không có những lựa chọn sai lầm như mình. 

Linh La (theo Reuters, NPR, Star Tribune, Al Jazeera, CBC)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI