edf40wrjww2tblPage:Content
Nur Shazana Mohamed Salleh
“Một ngày trước khi MH17 cất cánh, con gái tôi hỏi xin bức ảnh của cháu trai, nó bảo nhớ thằng bé quá. Nó cũng hỏi ảnh của vợ chồng tôi. Con gái tôi hẹn sẽ trở về nhà vào ngày đầu tiên của lễ Hari Raya để cùng gia đình ra thăm mộ người thân” - ông Mohamed Salleh Shamsuddin thuật lại những lời nói cuối cùng của con gái ông, nữ tiếp viên hàng không Malaysia Airlines Nur Shazana Mohamed Salleh (31 tuổi). Từ bé, Nur Shazana mơ ước trở thành tiếp viên hàng không, cô đã làm việc cho MAS chín năm. Vậy là, mong ước giản dị của Shazana, được về thăm gia đình mãi mãi chìm vào hư vô.
Ba mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh, nạn nhân tai nạn máy bay MH17
Với chị Nguyễn Ngọc Minh (37 tuổi) cùng con gái Đặng Minh Châu (17 tuổi) và con trai Đặng Quốc Duy (13 tuổi), định mệnh thật ác nghiệt. Đầu những năm 2000, Minh cùng chồng con định cư ở Hà Lan. Năm 2013, chồng chị Minh qua đời vì tai nạn. Từ đó đến nay, chị Minh chưa có dịp về lại Việt Nam. Trên chuyến bay MH17, chị Minh đưa các con về thăm ông bà ngoại ở Hà Nội, và dự tính cùng người thân du lịch Đà Nẵng. Giờ đây, tấm hình ba mẹ con chị Minh quây quần bên nhau đã trở thành hình thờ, đặt trong ngôi nhà của bố mẹ chị ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mong muốn lớn nhất của thân nhân chị Minh là sớm đưa được thi thể của ba mẹ con chị về với đất mẹ.
Gia đình sáu người của ông Tambi Jiee và bà Ariza Ghazalee
Không hiếm những gia đình mà tất cả thành viên cùng có mặt trên chuyến bay MH17, họ ra đi, để lại nỗi đau khôn nguôi “đầu bạc khóc đầu xanh”, như chuyện nhà của bà Abang Anuar, 72 tuổi, ở đảo Borneo (Malaysia). Con gái, con rể và bốn cháu ngoại của bà đều là nạn nhân của MH17. Ông Tambi Jiee, 49 tuổi, và vợ của ông Ariza Ghazalee, 46 tuổi, cùng bốn con của họ lên máy bay để trở lại Malaysia sau ba năm người chồng làm việc ở Kazakhstan. Ông Jiee làm việc cho hãng Royal Dutch Shell nhiều năm nay và đã phải nhiều lần chuyển nơi làm theo yêu cầu của hãng. Sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, bây giờ, Jiee mới được chấp thuận chuyển về Malaysia. Khi hay tin đó, cả Ariza lẫn các con hết sức mừng rỡ. Các bé đều phải đi học tại nước mà bố chúng làm việc, điều đó không thể xem là tốt cho bọn trẻ. Ariza đã đăng một bức ảnh trên Facebook cho thấy hành lý của gia đình khi họ chuẩn bị cho chuyến bay khởi hành từ sân bay Schiphol ở Amsterdam. Kèm theo đó là lời nhắn: “17/7/2014, chúng tôi bắt đầu hành trình mới, Alhamdulillah (xin Trời phù hộ)”. Đoạn đời mới của gia đình sáu người này mãi mãi kết thúc cùng MH 17.
Cũng “khóc kẻ đầu xanh”, nhưng bố mẹ của ba đứa trẻ Mo (12 tuổi), Evie (10 tuổi) và Otis Maslin (8 tuổi) còn chồng chất nỗi đau khi cha của họ cũng là hành khách trong chuyến bay MH17 này. Ông Nick Norris (68 tuổi) đem ba đứa cháu trở về Úc sau kỳ nghỉ thú vị ở Hà Lan để tụi nhỏ kịp đi học. Gần 90 trẻ em thiệt mạng cùng chuyến bay MH17, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Thảm kịch kinh hoàng này không chỉ cướp đi ước mơ của những “mầm xanh” mà đã để lại cho thế giới khoảng trống khó bù đắp, khi có nhiều chuyên gia và người hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS cũng thiệt mạng lần này, bởi họ đang trên đường đến Melbourne (Úc) để dự một hội nghị.
Theo Françoise Barre-Sinoussi, chủ tịch Hiệp hội Phòng chống AIDS thế giới, con số chuyên gia, nhân viên phòng chống HIV/ADIS qua đời không lên đến 100. Bà Barre-Sinoussi cho biết: “Ngoài giáo sư Joep Lange và ít nhất năm chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, có thể có thêm một số nạn nhân là người hoạt động trong lĩnh vực phòng chống AIDS”.
GS JoepLange
Ông Joep Lange, 60 tuổi, là giáo sư của trường đại học (ĐH) Amsterdam. Ông là một trong những người đầu tiên dùng chính bản thân mình để tìm hiểu cơ chế hình thành căn bệnh thế kỷ này hồi năm 1983. Đó là thời điểm HIV chưa được xác định là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS. Từ đó, giáo sư Lange đã dâng hiến cả đời mình cho sự nghiệp phòng chống căn bệnh thế kỷ.
“Kể từ khi giáo sư Jonathan Mann và vợ qua đời vì tai nạn máy bay cách nay 17 năm, chưa bao giờ phong trào phòng chống AIDS lại bị thiệt hại lớn đến thế khi mất đi những người ưu tú nhất trong lĩnh vực này”, giáo sư Robin Weiss của ĐH London nói.
Ông Lange từng nói: “Hy vọng là đến ngày tôi chết, chúng ta đã loại được AIDS khỏi danh sách các bệnh không thể chữa trị”. Bây giờ thì mong ước của ông Lange đã không thành, nhưng chắc chắn các đồng nghiệp cũng như các học trò của ông vẫn tiếp tục cuộc chiến chống bệnh AIDS. Điều đó thể hiện qua việc Hội nghị Quốc tế về AIDS thứ 20 vẫn được tổ chức tại Melbourne như dự kiến, dù trước đó nhiều người kêu gọi tạm hoãn hội nghị này như một cách tỏ lòng thương tiếc giáo sư Joep Lange.
Gia đình năm người của luật sư John Allen
Cái chết của giáo sư Joep Lange là mất mất lớn, nhưng không vì thế mà người ta quên những giấc mơ mãi mãi dang dở của những hành khách khác. Đó là trường hợp của John Allen. Gia đình Allen sống ở Hilversum, một thành phố nhỏ ở phía bắc Hà Lan, gồm Allen là luật sư, vợ ông Sandra Martens là giáo viên và ba con trai Chris (16 tuổi), Julian (14), Ian (8). Cả năm người trong gia đình này đều đã tử nạn trên chuyến bay MH17 khi đang trên đường đến nghỉ hè ở Bali. Ngoài công việc chính thức ở một công ty luật, John dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi làm HLV bóng đá cho một đội bóng địa phương, bởi cả ba cậu con trai của ông đều đam mê bóng đá và mong một ngày nào đó được khoác áo đội tuyển Anh hoặc Hà Lan. Bây giờ, giấc mơ bóng đá đã hoàn toàn tan biến...
Karlijn Keijzer
Karlijn Keijzer, năm nay 25 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Amsterdam, là một cô gái năng động và học rất giỏi. Cô được học bổng đại học của ĐH Indiana (Mỹ); trong thời gian học, Keijzer luôn là tay chèo xuất sắc của đội tuyển chèo thuyền của trường. Vừa tốt nghiệp cử nhân hóa học, Keijzer nhận được học bổng nghiên cứu sinh và cô đã ăn mừng tin này bằng cách cùng bạn trai đến Indonesia, trước khi trở lại Mỹ theo đuổi con đường học vấn. Bây giờ thì không còn ai có thể thấy Keizjer ở phòng thí nghiệm hay trên đường đua, bởi cô và bạn trai đều có mặt trên chuyến bay MH17 định mệnh ấy.
THIỆN NGA