Những ước mơ già

29/08/2020 - 06:17

PNO - Ngày cầm quyết định nghỉ hưu, bà Hằng không cảm thấy buồn vì mình đã già, không còn cơ hội cống hiến cho gia đình và xã hội.

Chẳng phải bà đã từng sở hữu tấm bằng thạc sĩ, là giám đốc trung tâm văn hóa của một tỉnh, và hiện đang có một gia đình hạnh phúc hay sao? Từng biến ước mơ thành hiện thực rồi, còn buồn gì nữa?

Nói thế, không phải bây giờ vì già, bà không có quyền mơ ước, chẳng qua ước mơ của bà đã trở nên giản dị, cụ thể hơn mà thôi. Ước mơ lớn nhất của bà Hằng bây giờ là sức khỏe. Có sức khỏe mới sống vui với đời, với cháu con. Bà sợ cảnh ngồi xe lăn, sợ sống đời thực vật, vừa đau đớn bản thân, vừa vất vả người thân. Bà ước nếu được “ra đi”, thì một sớm mai nào đó, người nhà không thể đánh thức bà trở dậy, ước mình “đi” thật nhẹ nhàng, như sợi tơ mỏng bay lên trời xa, mà ra đi ngay tại ngôi nhà thân yêu của mình, chứ không phải ở bệnh viện sặc mùi thuốc sát trùng. 

Nếu ngày trẻ ao ước tích lũy thật nhiều tiền, thì lúc già chỉ cần có sức khỏe, đơn giản là để thoải mái nở một nụ cười, để dễ dàng cảm nhận chút hương trong lành buổi sớm, để nhận biết cháu con sum vầy bên ta, thì còn hạnh phúc nào hơn. Ước mơ của bà chỉ thế thôi, nhưng không biết ông trời có chịu thương hay không, có cho bà được sống khỏe mạnh dài lâu hay không.

Cố gắng sống khoẻ và tích cực mỗi ngày, là cách chuẩn bị cho tương lai của người gia. Ảnh minh họa
Cố gắng sống khoẻ và tích cực mỗi ngày, là cách chuẩn bị cho tương lai của người gia. Ảnh minh họa

Vẫn biết lo xa mệt óc, nhưng rõ ràng không thể chủ quan với sức khỏe khi tuổi ngày càng cao, khi bệnh tật đã âm thầm bủa vây, chỉ chực chờ cơ hội là tấn công, thân già này làm sao “đỡ” cho kịp?

Xóa tan lo toan, bà chỉ còn cách duy trì thể dục đều đặn như lâu nay. Năm giờ sáng, hòa theo dòng người đi bộ. Tuổi này không còn sức đi nhanh, thì cứ thong thả, miễn để duy trì đôi chân khỏe khoắn, đi đến khi nào “mệt quá đôi chân này” thì quay trở về. Và còn phải duy trì lối suy nghĩ tích cực, rồi thì ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, điều độ. Đọc sách báo, cũng là cách tập thể dục cho bộ não, duy trì sự minh mẫn. Những ước mơ giản dị ấy, bà gọi là những ước mơ già. 

Ông bà đã cố gắng không làm phiền con cháu cho tới khi không thể. Ảnh minh họa
Ông bà Năm đã cố gắng không làm phiền con cháu cho tới khi không thể, nhưng... Ảnh minh họa

Ước mơ tiếp theo là con cháu phải có cuộc sống hạnh phúc, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, đó là phước phần lớn nhất của người già. Chẳng ông bà cha mẹ nào dửng dưng khi thấy con cháu mình có đời sống hôn nhân trục trặc, con cái hư hỏng, sống khổ sở thiếu thốn, ốm đau bệnh tật, không biết yêu thương nhau...

Thử hỏi, nếu bà Hằng chẳng may bị bệnh, mà con cháu bất hòa, thì bà sống không bằng chết. Một người già mang tâm lý ăn bám, làm phiền, sao có thể không lo nghĩ khi thấy con cháu mệt mỏi vì mình.

Bà Hằng chỉ mong con cháu hiểu rằng, chẳng ai thích mình già đi hay làm phiền người khác, nhưng đành phải chấp nhận quy luật nghiệt ngã của thời gian. Câu chuyện của cụ ông sát vách, mà mỗi lần nghĩ tới, bà Hằng không khỏi ưu tư. 

Chuyện là, những năm cuối đời, vợ chồng ông Năm vẫn không sống chung với gia đình đứa con trai duy nhất, vì chưa muốn làm phiền con, vì bản thân còn khỏe, có thể tự chăm sóc nhau. Đến khi bà Năm bị bệnh đãng trí, không kiểm soát vệ sinh thì ông mới nhờ con, vì lúc này ông đã không còn khỏe. Tiếng là nhờ, nhưng chi phí ông lo hết.

Phần ông, trước khi lú lẫn, ông giao hết tiền bạc cho con trai, nhờ con quan tâm ông những ngày cuối đời. Thế nhưng con trai đã dùng số tiền ấy vào việc riêng, bất hiếu, bỏ bê cha già. Ông buồn rồi chết sau đó không lâu. Câu chuyện ám ảnh bà. Nhưng bà tin rằng đó là trường hợp cá biệt. Bà vẫn mơ và tin vào những ước mơ già, thực tế, giản dị của mình. 

Phi Khanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI