Những tuyệt tác bị chối từ

13/06/2016 - 07:11

PNO - Có không ít tác phẩm văn chương từng bị biên tập viên của các nhà xuất bản (NXB) thẳng thừng từ chối nhưng về sau trở thành kiệt tác, thậm chí đoạt giải Nobel.

Vậy các nhà văn vĩ đại đã vượt qua nghi ngại để ở lại cùng thời gian như thế nào?

Tính cả sách và phim, tổng lợi nhuận thu về từ loạt tác phẩm Harry Potter đến nay đã vượt quá 25 tỷ USD. Sức ảnh hưởng của cậu bé phù thủy khó có bộ sách hay nhân vật hư cấu trong văn chương đương đại nào sánh kịp. Ấy thế mà mấy ai ngờ Harry Potter lại có số phận lận đận khi mới khai sinh.

Thuở bắt tay vào viết tác phẩm để đời, nữ văn sĩ J.K. Rowling đang phải sống nhờ khoản tiền trợ cấp ít ỏi. Lúc ấy bà nghèo đến nỗi sau khi viết Harry Potter và hòn đá phù thủy, bà phải cặm cụi gõ lại toàn bộ bản thảo để gửi đến NXB. Khi gửi bản thảo đi, buồn thay, nó bị NXB thẳng tay quẳng vào sọt rác. Cả với những nơi nhận kế tiếp, câu trả lời chung mà Rowling nhận được là: "Nó quá dài đối với trẻ con!".

Nhung tuyet tac bi choi tu
Nhung tuyet tac bi choi tu
Bản in tác phẩm của J.K. Rowling và Alice Munro ở Việt Nam

Với tâm trạng chán nản, nữ nhà văn đem sách đến NXB Christopher Little chỉ bởi vì tên của nó nghe như tên một nhân vật trong sách thiếu nhi. Nhưng kết quả là một viên trợ lý ở đây ngay lập tức từ chối và cho rằng cuốn truyện không có khả năng kiếm tiền. Vẫn còn may, vì nể tình, họ chuyển tác phẩm đến NXB khác, là Bloomsbury của ông chủ Nigel Newton.

Không tin tưởng lắm ở cuốn truyện, ông này có một cách thử là đưa cho cô con gái tám tuổi đọc. Kết quả, cô bé say sưa đọc một lèo và đòi được… đọc thêm. Không bỏ lỡ cơ hội, câu trả lời của Nigel với tác giả của Harry Potter sau đó là: “Cần thêm nhiều cuốn nữa của bà và chúng có thể giúp ta kiếm được đủ tiền để sống trên một hòn đảo làm bằng vàng”.

Trường hợp của Harry Potter không phải hiếm gặp. Mới đây, Thư viện Anh công bố trên mạng rất nhiều tuyệt tác bị từ chối khác, ví dụ như NXB Faber & Faber “loại từ vòng gửi xe”: NXB The Egoist từ chối tiểu thuyết A Portait of the Artist as a Young Man (Bức họa người nghệ sĩ là thanh niên, 1916) hay NXB Virginia Woolf khước từ Ulysses (1922) của nhà văn James Joyce.

Gần đây, có câu chuyện “tuyệt tác bị chối từ” được nhiều người biết tới là trường hợp của Alice Munro, nhà văn nữ thứ 13 trên thế giới ghi tên mình vào lịch sử giải Nobel. Tuy nhiên, trước khi được thán phục là “bậc thầy truyện ngắn” thì biên tập viên của NXB Knopf đã từng từ chối tác phẩm của bà với lời lẽ: “Không nghi ngờ gì, rằng các quý bà có thể viết văn, nhưng rõ ràng bà chỉ là một nhà văn viết truyện ngắn”. Lúc bấy giờ, cuốn sách Lives of Girls and Women của bà thường bị nhầm lẫn là tiểu thuyết, cho dù cả đời bà chỉ chú tâm viết… truyện ngắn. Còn tập truyện ngắn đầu tay của Munro bị nhận định là kén khách.

Chính việc chỉ viết truyện ngắn trong suốt cuộc đời cầm bút khiến Alice Munro chưa bao giờ đứng ở danh sách đầu trong bảng cá cược những cái tên nhiều khả năng “ẵm” giải Nobel. Thế mà nhà văn người Canada ấy bất ngờ làm nên chuyện, mà còn là chuyện “vĩ đại”. Nếu chỉ vì những lời từ chối của NXB với việc viết truyện ngắn, cho rằng điều đó khó thu hút độc giả và vì thế tác giả nản lòng, chuyển hướng, thì liệu rằng đỉnh vinh quang có gọi tên Alice Munro như ngày hôm nay?

Tất nhiên, nữ nhà văn của Trốn chạy (tập truyện ngắn đã được in ở Việt Nam) hiểu rõ sự lựa chọn của mình và cũng không lạ gì chuyện tác phẩm hay bị phụ bạc, vì luôn thiếu gì lý do giải thích cho chuyện này, nhưng chỉ thời gian và giá trị thật của một tác phẩm, một con người mới là lời hồi đáp xác đáng nhất. Điều này thấy rõ qua một ví dụ khác về tuyệt tác On the road (tựa ở Việt Nam là Trên đường) của Jack Kerouac.

Biên tập viên của Knopf đã viết: “Một tài năng đi sai hướng. Cuốn tiểu thuyết màu mè và kém thuyết phục này sẽ chỉ có doanh số khiêm tốn và đón những lời công kích…”. Vậy mà ai ngờ, cuốn tiểu thuyết vĩ đại này sau đó đã bán được hàng triệu bản và từ 1957 đến nay vẫn được tái bản liên tục không chỉ ở Canada, Mỹ.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI