Trong buổi chiều oi ả với cái nắng 370C của tháng 5/2021, khi nghe bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) gọi tên, người đàn ông 45 tuổi tất tả chạy đến. Mái tóc đã bạc phân nửa, khuôn mặt thư sinh, hiền lành với nụ cười ngây ngô, bệnh nhân Hà Văn K., ngụ tại Q.11, TPHCM, hỏi: “Em được ra viện hả bác sĩ?”.
“Luôn nghe ai nói bên tai mua đất xây mộ cho mình”
Anh K. đã nhiều lần điều trị choáng điện vì căn bệnh tâm thần phân liệt kháng thuốc và kèm theo nhiều triệu chứng khác. Mỗi lần bệnh, trong đầu anh luôn có tiếng “xúi giục” mua đất làm mộ vì mình sắp chết do ung thư. Khi còn ở nhà, anh K. hay lấy xe lên các nghĩa trang ở tận tỉnh Bình Dương để mua đất xây mộ cho mình. Bác sĩ Nguyễn Giang, phụ trách Khoa Động kinh Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho hay: “Bệnh nhân K. luôn đòi về để đến bệnh viện đa khoa khám ung thư vùng bụng. Dù trước khi vào điều trị bệnh tâm thần phân liệt, gia đình đã đưa bệnh nhân K. đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng kết quả không mắc ung thư. Những lúc đó, bệnh nhân không chịu và chạy ra giữa đường la hét, lăn lê. Cuối cùng, gia đình lại đành đưa vào bệnh viện tâm thần chữa trị”.
|
Người bệnh chờ đợi khám trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 |
Lần gần đây, khi nhập viện, trong đầu anh K. lại xuất hiện ảo thanh, nói với bệnh nhân không được ăn. Dù bác sĩ cho uống nhiều loại thuốc nhưng không cải thiện. Không còn cách nào khác, các bác sĩ phải sử dụng choáng điện, bởi nếu để bệnh nhân không ăn nhiều ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Dù vậy, sau nhiều ngày chữa trị, anh K. vẫn nghĩ mình bị ung thư nhưng đã từ bỏ việc đi mua đất xây mộ. Bác sĩ Nguyễn Giang hỏi: “Thế giờ anh còn muốn về đi mua đất nữa không?”. “Dạ, không bác sĩ ạ. Người ta không bán nữa. Thôi em đi xem ti vi tiếp đây”, bệnh nhân K. tươi cười trả lời. Hiệu quả điều trị này nhờ các bác sĩ sử dụng phương pháp choáng điện cho anh suốt thời gian dài.
Không chỉ bệnh nhân tâm thần phân liệt mà nhiều người bị trầm cảm nặng cũng phải sử dụng phương pháp choáng điện này. Nhiều năm trước, bác sĩ Giang cũng chứng kiến một nam bệnh nhân mắc chứng trầm cảm nặng, phải sử dụng biện pháp “mạnh” là choáng điện. Anh N., làm công nhân, chỉ lo làm việc, tăng ca để kiếm tiền chăm lo cho gia đình nhỏ. Nhưng đồng lương không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Sau ba năm, vợ chồng anh ly hôn. “Nhưng có lẽ căn bệnh trầm cảm đã ngấm ngầm từ lâu nên gặp cú sốc ly hôn, anh N. đã tự sát. Anh uống loại thuốc diệt rệp nhưng được đưa vào viện cấp cứu kịp thời. Dù vậy, bệnh nhân nhất quyết không ăn uống vì cho rằng, kiểu gì mình cũng chết”, bác sĩ Giang nhớ lại.
Dù sử dụng thuốc, bệnh nhân vẫn không ăn và chỉ nằm một chỗ. Không thể chờ đợi thuốc có tác dụng (sau 10-14 ngày), các bác sĩ đã sử dụng phương pháp choáng điện. Sau bốn lần, bệnh nhân N. đã ăn uống trở lại. Theo bác sĩ Giang, trong ngắn hạn, choáng điện là phương pháp chữa trị rất hiệu quả và khá an toàn.
Tại sao phải sốc điện?
Bác sĩ Giang cho hay, vài chục năm trước, dù chỉ định trong y văn vẫn chặt chẽ nhưng thực tế thuốc men chưa tốt và trình độ của bác sĩ còn hạn chế nên việc choáng điện được sử dụng khá “thoáng”. Thời điểm 20 năm trước, khi bác sĩ Giang mới về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, mỗi ngày có đến vài chục bệnh nhân sử dụng phương pháp choáng điện. Nhưng càng ngày, thuốc tốt hơn, trình độ bác sĩ cao hơn nên đưa ra chẩn đoán, chỉ định sử dụng thuốc cũng chính xác. Do đó, các trường hợp cần choáng điện chỉ dùng cho những bệnh nhân nặng.
Hiện nay, hầu như chỉ những trường hợp tâm thần phân liệt kháng thuốc kèm theo các hành động như chống đối không ăn, kích động… mới sử dụng phương pháp choáng điện. Sau khi choáng điện, bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc để duy trì. Thông thường, bệnh nhân chỉ sử dụng một liệu trình khoảng 4-8 lần/đợt. Nếu làm quá nhiều đợt, bệnh nhân sẽ xuất hiện tác dụng phụ. Tùy đáp ứng của mỗi bệnh nhân, mỗi lần choáng điện sẽ cách nhau vài ngày hoặc mỗi ngày một lần. Bác sĩ Giang cho biết: “Choáng điện là biện pháp cuối cùng trong điều trị tâm thần kháng thuốc. Hầu như bệnh nhân có cải thiện tốt sau khi sử dụng phương pháp này”.
Choáng điện là sử dụng dòng điện chạy qua các tế bào thần kinh, tạo ra một cơn động kinh rồi trở lại trạng thái bình thường. Dù vậy, có nhiều bác sĩ không dám làm vì sợ, do không lường hết được nguy cơ. Do vậy, theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, phương pháp này chỉ sử dụng trong các bệnh viện chuyên khoa. Các phòng khám tư nhân không được sử dụng vì có mức độ rủi ro. Hiện nay, bệnh viện sử dụng phương pháp choáng điện gây mê, song song với phương pháp choáng điện “sống”.
Dù có hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, phương pháp này chỉ sử dụng trong các đợt bệnh cấp. Nếu bệnh nhân trầm cảm nặng mà có ý định hoặc hành vi tự sát, treo cổ, nhảy lầu, bỏ ăn uống… thì mới sử dụng. Tuy nhiên, dù bệnh nhân có các triệu chứng trên mà các loại thuốc không còn đáp ứng nhưng dưới 16 tuổi và có các bệnh về tim mạch hoặc nội khoa khác thì cũng không được sử dụng.
Mỗi liệu trình, choáng điện sẽ kéo dài khoảng 8 lần/đợt. “Nhưng thông thường, các bệnh nhân trầm cảm nặng chỉ cần sốc điện 3-4 lần đã có sự cải thiện rõ rệt, nhiều người khỏi bệnh. Khi thực hiện, nguyên tắc là không cho bệnh nhân biết và phải được thực hiện ở phòng kín để không tạo nỗi lo sợ cho những trường hợp khác”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Gia Huy