Những trường hợp nào được tuyển sinh đầu cấp trái tuyến?

04/05/2024 - 06:06

PNO - Trước thông tin Sở GD-ĐT TPHCM cho phép tuyển sinh trái tuyến, nhiều phụ huynh mong muốn con sẽ được học ở trường gần nơi làm việc, gần nơi cư trú thực tế, hoặc anh chị em học cùng trường… Tuy nhiên, việc “cho phép” này cụ thể như thế nào, cần đảm bảo những điều kiện gì?

Đảm bảo đủ chỗ cho học sinh cư trú gần trường trước

Những ngày gần kết thúc năm học, chị Quỳnh Như (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) hỏi thăm khắp nơi về chuyện đăng ký cho con vào lớp Một. Hiện gia đình chị đang ngụ ở phường 14 nhưng muốn cho con vào học Trường tiểu học Lương Thế Vinh thuộc phường 8. “Nghe thông tin thành phố không cấm tuyển sinh trái tuyển, tôi cũng hy vọng nhưng không biết là tuyển trái tuyến đến đâu, cần điều kiện gì để con được đi học ở phường khác” - chị nói.

Học sinh Trường tiểu học Minh Đạo (quận 5, TPHCM) trong ngày khai giảng năm học 2023-2024
Học sinh Trường tiểu học Minh Đạo (quận 5, TPHCM) trong ngày khai giảng năm học 2023-2024

Tương tự, vợ chồng anh Thế Trung (tạm trú tại quận 11, TPHCM) cũng đang băn khoăn. Suốt những năm tiểu học, con trai anh học ở quận 10. Gần đây, gia đình chuyển sang đăng ký tạm trú tại phường 7, quận 11 nên muốn cho con về học THCS tại đây. “Tôi đọc thông tin tuyển sinh từ khắp nơi, cũng hỏi thăm nhiều người nhưng vẫn chưa biết con sẽ được phân về đâu. Tôi chỉ muốn con được học gần nhà để thuận lợi cho việc đưa đón” - anh chia sẻ.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban giữa Sở GD-ĐT TPHCM và các trưởng phòng GD-ĐT trên địa bàn diễn ra ngày 23/4, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc sở - đã nhấn mạnh: năm học 2024-2025, việc tuyển sinh đầu cấp dựa trên tiêu chí chính là nơi ở thực tế của học sinh, chứ không phải địa chỉ thường trú hay chỗ học trước đó của các em. Còn “lý do khác” là những trường hợp ban tuyển sinh quận, huyện được linh động giải quyết cho phù hợp với tình hình địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - lấy ví dụ: nếu phụ huynh phải chuyển chỗ làm hoặc không có điều kiện cho con học gần nhà thì địa phương có thể linh động sắp xếp chỗ học phù hợp. Có nghĩa là, sở không cấm tuyển sinh đầu cấp trái tuyến, ngoài địa bàn, nhưng trước hết phải đảm bảo đủ chỗ cho học sinh cư trú gần trường trước. Trên cơ sở hướng dẫn chung của sở, mỗi quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể và thông tin để phụ huynh hiểu, chủ động theo dõi.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân - thông tin: quận dựa theo nơi ở thực tế của học sinh để tuyển sinh, lãnh đạo các phường đã điều tra được hầu hết thông tin này. Các phường hiện đã hoàn thành chia tuyến cho học sinh. Trường nào có nhiều phụ huynh đăng ký thì phòng sẽ can thiệp ngay từ đầu để tránh quá tải. Việc không cấm tuyển sinh trái tuyến chỉ áp dụng với những quận xa nhau. Nếu học sinh ở Bình Tân thì không thể qua Tân Phú học được vì lộ giới 2 quận giáp ranh nhau. Nhưng nếu người dân ở những quận cách xa đến quận Bình Tân đi làm, muốn cho con học ở đây thì phòng sẽ cho phép tuyển trái tuyến.

Vị trưởng phòng giải thích rõ: “Thông tin địa lý (GIS) chỉ là một phần, phải dựa theo nhiều thứ khác mới cân bằng được. Không thể tránh khỏi trường hợp học sinh tốt nghiệp cùng trường tiểu học, nhà gần nhau nhưng bị phân tuyến 2 trường xa nhau vì khả năng tiếp nhận của từng trường, từng phường là khác nhau. Quận cũng đang thiếu trường THCS nên nhiều học sinh ở phường Bình Hưng Hòa B phải qua phường khác học. Với những học sinh mới đến quận và bị sót, nếu trường gần nhất hết suất thì phòng sẽ phân cho học trường kế bên vì các trường cũng khá gần nhau”.

Phụ huynh cần cung cấp đúng thông tin

Ông Nguyễn Văn Hiếu khuyên phụ huynh cần cung cấp địa chỉ nơi ở thực tế để tạo điều kiện cho học sinh đi học gần nhà. Các phòng GD-ĐT cũng cần phối hợp với ban chỉ đạo tuyển sinh để xác định đúng những thông tin này, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tế của người dân.

Ông Ngô Văn Tuyên cũng cho biết, nếu có trường hợp học sinh đúng tuyến trường A nhưng đăng ký trường B vì thuận tiện, không phải đi qua những con đường lớn và trường B còn chỗ thì phòng vẫn đáp ứng. Nhưng nếu không còn suất, phòng sẽ giải thích để phụ huynh quay về trường A. Ông lý giải: “Việc tuyển sinh sẽ dựa vào nhu cầu của người dân và khả năng đáp ứng của các trường. Học tập gần nhà là điều thuận tiện nhất nhưng nhiều phụ huynh có xu hướng “chạy trường”, vì cảm giác trường này tốt hơn trường kia. Do đó, phòng đề nghị trường nào chưa được phụ huynh tin tưởng cố gắng nâng cao chất lượng, trình độ giáo viên, phương pháp giảng dạy”.

Tại Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú), bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường đang chờ kế hoạch của UBND quận và Phòng GD-ĐT mới xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Đối với tuyển sinh lớp Một, quy trình tuyển sinh được chia làm 2 đợt. Đợt 1 ưu tiên tuyển sinh các trường hợp đang cư trú thực tế trên địa bàn; đợt 2 tuyển sinh tiếp nếu đơn vị chưa tuyển đủ học sinh. Năm nay, trường tuyển 8 lớp Một, tương đương 370 học sinh. Đối với học sinh lớp Sáu, ngoài lưu ý phụ huynh việc đăng ký trường gần nhà, trường hướng dẫn phụ huynh rà soát lại mã định danh, sau đó cập nhật chính xác mã định danh của học sinh và đối chiếu lại thông tin trên trang cơ sở dữ liệu của sở. Bà nói thêm: “Phụ huynh phải là người trực tiếp đăng ký, nếu không xem như danh sách không có tên trẻ. Giai đoạn này, vai trò của UBND phường là chính, trường chỉ phối hợp trong công tác tuyên truyền”.

Bà Lê Thị Thanh Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) - nhấn mạnh: tất cả quy trình tuyển sinh đều được thực hiện trực tuyến, mã định danh đã có nên thông tin của học sinh hoàn toàn tra ra được. Do đó, những phụ huynh “chạy trường”, khai khống thông tin cư trú khi bị phát hiện sẽ bị trả về theo đúng tuyến. Lúc này, phụ huynh phải chịu trách nhiệm, nếu trường đúng tuyến đã đủ sĩ số thì càng khó khăn cho học sinh. Năm nay, trường tuyển 13 lớp Sáu, tùy tình hình cơ sở vật chất sẽ sắp xếp lại.

Bà nhắn nhủ: “Các trường học hiện nay đều hết sức nỗ lực để lo về chuyên môn và xây dựng hình ảnh, trường nào cũng có mặt mạnh. Có những trường phụ huynh hay né tránh nhưng thầy cô ở đó lại rất chăm chút, có tinh thần trách nhiệm cao, kết quả học tập của học sinh cũng cao nên phụ huynh không cần lo lắng mà tìm cách chạy trường cho con”.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết phòng đang trình kế hoạch tuyển sinh lên cấp trên. Bước rà soát dữ liệu của học sinh đã thực hiện xong, cơ bản đạt gần 100%. Sau khi kế hoạch tuyển sinh ban hành, phụ huynh sẽ rà soát lại lần nữa và chờ đến ngày nhận thông tin phân bổ chỗ học. Thủ Đức ưu tiên cho con em trên địa bàn thành phố trước. Những trường hợp đặc biệt sẽ giải quyết sau khi kết thúc các đợt tuyển sinh chính thức.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI