Những trường hợp nào được tạm hoãn, miễn tham gia dân quân tự vệ?

28/10/2019 - 10:56

PNO - Trong buổi thảo luận về Luật Dân quân tự vệ tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, vấn đề tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ dân quan tự vệ trong thời bình được đưa vào báo cáo giải trình.

Sáng 28/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Võ Trọng Việt - trình bày trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Về việc tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật; có ý kiến đề nghị cân nhắc vì cho rằng, dự thảo luật quy định về diện đối tượng quá rộng.

Nhung truong hop nao duoc tam hoan, mien tham gia dan quan tu ve?
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Võ Trọng Việt - trình bày báo cáo

Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng tạm hoãn khi có một người trong gia đình đang tham gia lực lượng dân quân tự vệ, người đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, hộ cận nghèo, quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng diện đối tượng được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với một số đối tượng được tạm hoãn, miễn tại Luật Nghĩa vụ quân sự, nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho công dân học tập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống, vì nhu cầu dân quân tự vệ chỉ chiếm khoảng 3,5% so với tổng số công dân trong độ tuổi.

Về đề nghị bổ sung một số đối tượng được tạm hoãn, miễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, người đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông thuộc đối tượng tạm hoãn, đã được quy định tại điểm h, khoản 1 của điều này.

Nhung truong hop nao duoc tam hoan, mien tham gia dan quan tu ve?
Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 28/10

“Trường hợp trong gia đình có nhiều người trong độ tuổi, người trong hộ cận nghèo, quân nhân phục viên, xuất ngũ chuyển ngành chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên không thuộc diện chính sách ưu tiên, nếu tạm hoãn, miễn cho họ, sẽ không bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Mặt khác, hằng năm, thời gian huy động dân quân tự vệ để thực hiện nhiệm vụ không nhiều (trung bình từ 20 đến 30 ngày) nên không ảnh hưởng nhiều đến gia đình của dân quân tự vệ” - ông Võ Trọng Việt trình bày.

Về đề nghị quy định cụ thể thời gian tạm hoãn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định tiêu chí, điều kiện tạm hoãn cho từng đối tượng nên khi không còn tiêu chí, điều kiện này, công dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Về việc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn, có ý kiến đề nghị tách điều này thành hai điều quy định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn và đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ.

Có ý kiến đề nghị bỏ quy định bị đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ đối với người “bị kết án theo bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật,  vì cho rằng quy định này đã bao hàm trường hợp “bị khởi tố bị can”.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI