Những trường hợp nào cần mổ bỏ túi mật?

05/03/2019 - 10:00

PNO - Mổ bỏ túi mật tương đối an toàn, ít biến chứng. Cuộc sống của bệnh nhân sau đó vẫn diễn ra bình thường, và chỉ cần hạn chế bớt những bữa ăn no chứa quá nhiều chất béo.

Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ở mặt dưới của gan nhằm lưu trữ mật. Gan tạo ra dịch mật giúp cơ thể phân hủy và hấp thụ chất béo. Sau đó túi mật lưu trữ thêm mật từ gan và giải phóng mật khi có nhiều chất béo cần tiêu hóa.

Nếu không có túi mật quá trình tiêu hóa vẫn diễn ra bình thường. Mật sẽ tiếp tục đến ruột non, nhưng sẽ không được lưu trữ dọc đường vào túi mật.

Khi nào cần cắt bỏ túi mật

Túi mật không phải lúc nào cũng khỏe mạnh. Dịch mật có thể dày, đặc gây tắc nghẽn dọc theo đường dẫn vào và ra khỏi túi mật. Đồng thời, một số cá nhân có tỷ lệ hình thành sỏi mật cao.

Sỏi mật là sự lắng đọng của các chất trong mật, xuất hiện bên trong túi mật và ống mật. Chúng có thể nhỏ như hạt cát hoặc lớn bằng quả bóng golf.

Nhung truong hop nao can mo bo tui mat?
Túi mật giúp dự trữ dịch mật, và giải phóng chúng khi bữa ăn có nhiều chất béo cần tiêu hóa

Sỏi mật cũng có thể dẫn đến viêm túi mật cấp tính hoặc mãn tính, đôi khi là nhiễm trùng. Triệu chứng sỏi mật thường gồm đầy hơi; buồn nôn, nôn; đau vùng bụng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ túi mật nếu sỏi gây đau đáng kể và đẫn đến các biến chứng khác.

Bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ túi mật nếu cơ quan này gây ra vấn đề nghiêm trọng, cấp tính hoặc mạn tính. Một số vấn đề y tế dễ dẫn đến việc cắt bỏ túi mật bao gồm:

- Rối loạn chức năng đường mật: Xảy ra khi túi mật không xả dịch mật đúng cách, do khiếm khuyết trong chuyển động co bóp.

- Sỏi túi mật: Bệnh trở nên nghiêm trọng khi sỏi mật di chuyển đến ống mật chung, nơi chúng có thể bị mắc kẹt, gây ra tắc nghẽn.

- Viêm túi mật

- Viêm tụy.

Các loại phẫu thuật túi mật

Các bác sĩ có thể loại bỏ túi mật theo một trong hai cách:

-Mổ mở: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vết mổ trên bụng để lấy túi mật ra, thường áp dụng nếu bệnh nhân bị rối loạn chảy máu, mắc bệnh túi mật nặng, rất thừa cân hoặc đang trong ba tháng cuối của thai kỳ.

- Mổ nội soi cắt túi mật: Thay vì rạch vết mổ dài ở bụng , bác sĩ sẽ thực hiện bốn vết cắt nhỏ để nhét một ống rất mỏng, linh hoạt có chứa đèn và máy quay video vào bụng bệnh nhân nhằm quan sát túi mật tốt hơn. Tiếp theo, bác sĩ sẽ chèn các công cụ đặc biệt để loại bỏ nội tạng bị bệnh.

Đối với cả hai loại phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân.

Nhung truong hop nao can mo bo tui mat?
Quá trình hồi phục từ phẫu thuật nội soi sẽ ngắn hơn phẫu thuật mở

Những rủi ro của việc cắt bỏ túi mật

Quá trình cắt bỏ túi mật hiếm xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, mọi ca phẫu thuật đều mang một số rủi ro nhất định. Trước khi mổ, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất và lịch sử y tế đầy đủ để giảm thiểu những rủi ro này.

Rủi ro của việc cắt bỏ túi mật mở bao gồm: phản ứng dị ứng với thuốc gây mê hoặc các loại thuốc khác; chảy máu quá nhiều; các cục máu đông; tổn thương mạch máu; các vấn đề về tim, chẳng hạn như nhịp tim nhanh, đau tim hoặc suy tim; nhiễm trùng; tổn thương ống mật hoặc ruột non; viêm tụy.

Sau khi phẫu thuật

Bệnh nhân có thể xuất viện khi các chỉ số sức khỏe ổn định và có dấu hiệu phục hồi lâm sàng mà không xuất hiện biến chứng. Thời gian nằm viện thường lâu hơn đối với ca mổ hở.

Bác sĩ cần chắc chắn rằng bệnh nhân không bị chảy máu, buồn nôn hoặc đau quá mức. Nhân viên y tế cũng sẽ theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng, như sốt hoặc mủ có dẫn lưu tại nơi phẫu thuật.

Nhung truong hop nao can mo bo tui mat?
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần đi lại nhiều nhưng hạn chế vận động mạnh để tránh tổn thương vết mổ

Theo Mayo Clinic (Mỹ), quá trình phục hồi hoàn toàn từ phẫu thuật túi mật theo cách mổ mở có thể mất khoảng 4-6 tuần. Một số cách bạn có thể ngăn ngừa các biến chứng sau phẫu thuật bao gồm:

- Đi bộ thường xuyên để ngăn ngừa cục máu đông;

- Uống nhiều nước để tránh mất nước;

- Đừng nâng vật nặng quá 4kg trong 4-6 tuần;

- Rửa tay trước và sau khi chạm vào khu vực xung quanh vị trí vết mổ;

- Thay băng định kỳ theo hướng dẫn;

- Tránh mặc quần áo chật có thể cọ xát vào vết mổ.

Tấn Vĩ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI