Những trở ngại "níu chân" nông sản Việt vào EU

10/10/2020 - 17:20

PNO - Hiện trái cây của Việt Nam xuất khẩu tươi đi EU chỉ đi nhiều bằng máy bay nên giá thành bán ra cao, khó hấp dẫn người tiêu dùng châu Âu.

Chia sẻ với các DN nông nghiệp trong Hội nghị “EVFTA – Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra tại TPHCM ngày 10/10, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM đánh giá, tỷ lệ tận dụng giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hoá (C/O) ưu đãi theo các Hiệp định FTA của Việt Nam còn hạn chế. 

Trái cây tươi Việt Nam có mặt nhiều hơn tại các nước
Trái cây tươi Việt Nam có mặt nhiều hơn tại các nước

Với nhóm ngành hàng cà phê, hạt tiêu, hạt điều và mật ong tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã được xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, không phải chủng loại hàng nào cũng phù hợp với thị trường EU, chẳng hạn với cà phê, Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu Robusta, tuy nhiên nhu cầu của EU là cà phê Arabica. Do đó, có trường hợp DN nhập khẩu Arabica về pha trộn với Robusta để xuất khẩu. Hoặc là đối với hạt điều, dù xuất khẩu rất nhiều nhưng nguyên liệu trong nước chỉ được 40%, còn 60% phải nhập về chế biến. Ông Nam cảnh báo, nếu quán lý không tốt nguồn gốc, xuất xử sản phẩm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nông sản xuất khẩu vào EU.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng EVFTA giúp rau quả Việt thuận lợi hơn nhờ mức thuế được đưa về 0%. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao, dư lượng hoá chất độc hại tồn dư trong sản phẩm cũng như trên bề mặt sản phẩm được quy định rất ngặt ngèo dẫn đến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn hiếm. Diện tích canh tác theo hướng an toàn như Global GAP chưa phổ biến, áp dụng còn ít, chỉ 3-4% diện tích tồng trọt.

Đó là còn chưa kể tới kỹ thuật thu hái, bảo quản sau thu hoạch còn yếu. Hiện trái cây của Việt Nam xuất khẩu tươi đi EU chỉ đi nhiều bằng máy bay, xuất khẩu bằng đường biển khá ít, nên giá thành bán ra cao, khó hấp dẫn người tiêu dùng châu Âu. “Nếu chúng ta có thể bảo quản rau quả trên 40 ngày thì khả năng xuất khẩu đi EU rất có triển vọng mở rộng, vì có thể vận chuyển bằng container lạnh, giá thành rẻ hơn. Ngay cả có xuất khẩu cho các thị trường khác như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn… thậm chí Trung Quốc thì Việt Nam sẽ chiếm thế thượng phong hơn so với các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines,…” ông Nguyễn cho biết.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI