Những trò lố từ âm nhạc giễu nhại

08/01/2014 - 10:28

PNO - PN - Thời gian qua, nhiều sản phẩm âm nhạc giễu nhại dựa theo những vụ việc nóng trong xã hội như Anh không đòi quà (Karik), Những cô nàng ham vật chất (Minh Quân), Chuyện thằng say, Tại sao bạn đến trái đất này? (MTV), Thanh niên nghiêm...

“Bắt tai” người nghe và đạt đến hàng chục triệu lượt nghe, nhưng ca từ lẫn những đoạn rap trong các MV này chỉ là tập hợp những ngôn từ ngô nghê, sống sượng, nửa Anh nửa Việt như: “Chỉ có ở trong phim mà thôi/ Nên đừng có ai ham mộng mơ đến một túp lều tranh hai trái tim vàng”, “Yêu thêm một người có chắc là mình sẽ good lên…” (ca khúc Forever Alone của Justa Tee có 50 triệu lượt nghe, lọt vào top 3 ca khúc của năm Zing Music Awards 2013), “Nhìn anh chạy SHi nhưng thực chất anh không có gì/

Tất cả những thứ anh xài đều là do bạn bè cho mượn free” (Hai thế giới - Wowy và Karik hát) “Đã cố gắng phấn đấu trở thành một bad boy/ Nhưng xã hội bây giờ thì cho em xin khỏi” (Thanh niên nghiêm túc), “Nàng bảo rằng em thích, thích Louis Vuiton thích Hermes, thích Chanel thích Gucci. But I don’t have money” (Những cô nàng ham vật chất), “Lên trời cao ta gặp chị Hằng, gặp chị Hằng ta nói với chị, I love you là I love you” (Lên nóc nhà).

Nhung tro lo  tu am nhac  gieu nhai
Từ phiên bản Anh không đòi quà (ảnh dưới, phải) bị tố đạo clip của Karik và OnlyC,
đến nay đã có hàng chục clip chế ăn theo ở khắp các tỉnh thành, sang Úc,
có cả phiên bản trẻ em (ảnh trên, trái) bất chấp việc đã cơ quan chức năng đã xử phạt một vài nhóm

Minh Quân đầu tư hẳn một clip hoành tráng với hàng loạt tên tuổi như Quang Thắng, Vân Dung, An Tây… để chê bai những cô nàng ham vật chất, thế nhưng ca khúc (được ghi là) do anh sáng tác không khác gì một bài “nhạc chế” với beat nhạc quen thuộc mà nghèo nàn, ca từ lặp đi lặp lại từ “nàng đầu tiên” đến “nàng hai”, “nàng ba” và chỉ liệt kê các nhãn hiệu nổi tiếng. Hay cơn sốt “Anh không đòi quà” của OnlyC và Karik đã kéo theo một trào lưu “cởi đồ nơi công cộng” (và trước ống kính - ảnh) dù kịch bản chỉ là nhái y hệt clip nước ngoài. (Sự khuyến khích cởi đồ này từng xuất hiện trong ca khúc Nóng của Big Daddy và Hạnh Sino với những câu như Nóng như thế này thì làm sao phải mặc).

Nội dung phê phán thói ham vật chất chiếm nhiều nhất trong những ca khúc giễu nhại, dù là nói về chuyện say (MTV), chuyện ế (Karik - Windy Quyên, Justa Tee) hay chuyện bị tình phụ (Wowy). Những góc tối của showbiz, chuyện tự kỷ của giới trẻ, chuyện thời tiết nóng bức, chuyện phê thuốc cũng được thể hiện qua nhiều câu hát như: “Anh ở trong nhà đứng soi trước gương thấy ai như ông già” (Tự kỷ - Cao Long sáng tác), “Lúc lắc nào, vòng 1 thấp thoáng mời chào vì nàng thả rông quay clip choáng váng bao người xem” (Tại sao bạn đến trái đất này - MTV), Lên là lên là lên là lên, lên nóc nhà là bắt con gà, chọc tiết gà là chọc tiết gà, ăn thịt gà là ăn thịt gà... (phần rap nền trong clip nhảy Lên nóc nhà của Dumbo và nhóm Poreotics).

Chạy theo những sự kiện thời sự nóng hổi gây tranh cãi, những trào lưu của giới trẻ là cách dễ dàng để có được sự chú ý nhưng cũng “chóng nở chóng tàn” theo những cơn sốt của “cư dân mạng” về sự kiện đó. Trong thời buổi “ngồn ngộn” thông tin, do chỉ ăn theo mà không có giá trị nghệ thuật nên những sản phẩm âm nhạc giễu nhại này chỉ tồn tại một thời gian. Tuy vậy, hậu quả của những sản phẩm này gây ra lại không như thế. Sau khi tung ra clip cổ xúy cho những hành động lột đồ phản cảm, hot girl của Anh không đòi quà cũng ngay lập tức tranh thủ “khoe, cởi” khắp các trang báo để nổi tiếng. Và làn sóng các cô gái đua nhau cởi đồ quay clip có thể chưa dừng lại.

 HIỀN MINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI