Cho dù bạn có đọc bao nhiêu bài viết về thai kì hay trò chuyện với bao mẹ bầu đi chăng nữa thì bạn vẫn luôn tự hỏi những gì mình đang cảm thấy liệu có bình thường hay không.
Nếu trong thai kì bạn có những triệu chứng dưới đây, hãy gọi ngay cho người đỡ đầu, bác sĩ hay đơn vị chịu trách nhiệm về kì thai sản của bạn.
Đau bụng giữa
Nếu bạn cảm thấy đau rõ rệt hoặc đau thành vùng ở bụng giữa hoặc bụng trên, có thể buồn nôn hoặc không thì có thể bạn bị mắc chứng khó tiêu nghiêm trọng, ợ nóng, loét dạ dày hoặc cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm.
Nếu bạn đang ở giai đoạn thứ 2 của thai kì thì bạn cần phải chú ý đến triệu chứng này vì nó còn có thể gây ra chứng tiền sản giật rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Đau bụng dưới
Khi cảm thấy đau ở 1 bên hay cả 2 bên ở vùng bụng dưới, bạn nên đi khám ngay lập tức để chắc chắn rằng không có gì bất thường xảy ra.
Đau bụng dưới cũng có thể là dấu hiệu của:
- Mang thai ngoài tử cung.
- Sẩy thai, sinh non.
- U xơ bị vỡ và chảy máu.
- Nhau thai rời khỏi tử cung.
Tuy nhiên, những trường hợp này ít xảy ra hơn.
Sốt nhưng không bị cúm hay cảm lạnh
Nếu bạn bị sốt (trên 37.5 độ C) nhưng bạn không bị cúm hay cảm lạnh, hãy thu xếp đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nếu bạn sốt lên đến 39 độ C hoặc hơn thì hãy gọi bác sĩ NGAY LẬP TỨC. Nhiệt độ cơ thể vượt quá 39 độ C có nhiều khả năng sẽ gây tổn hại đến thai nhi.
Tầm nhìn bị mờ, thường xuyên nhìn thấy những đốm nhấp nháy
Hãy gọi bác sĩ hoặc hộ sinh nếu trong nửa thứ hai của thai kì, thị lực của bạn kém đi với những triệu chứng như: nhìn một thành hai, quáng gà, nhìn không rõ hay thấy những đốm hoặc đèn nhấp nháy.
Những rối loạn thị giác liệt kê trên đây có thể là những dấu hiệu của chứng tiền sản giật.
Phù nề trên cơ thể
Sưng hoặc phù nề ở tay, mặt và mắt là những dấu hiệu thường gặp ở cuối thai kì. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không cần quan tâm quá nhiều đến vấn đề này.
Nhưng nếu bạn bị phù nề nghiêm trọng, cùng với đó là cơn đau đầu dữ dội hoặc vấn đề về tầm nhìn thì có thể bạn mắc chứng tiền sản giật. Nếy bạn thấy bất kì điều nào trong những triệu chứng này, hãy gọi ngay bác sĩ hoặc hộ sinh.
Đau đầu dữ dội kéo dài
Nếu cơn đau đầu của bạn kéo dài từ 2-3 giờ và bạn bị rối loạn thị giác hay phù nề nghiêm trọng, có thể bạn đã mắc chứng tiền sản giật thường diễn ra trong nửa thứ hai của thai kì hoặc gần đến ngày sinh.
Âm đạo chảy máu
Chảy máu hoặc có những đốm máu nhỏ mà không cảm thấy đau là triệu chứng bình thường ở đầu thai kì. Bạn có thể bị chảy máu nhiều khi các hormone vẫn tiếp tục thúc đẩy chu kì kinh nguyệt của bạn. Đừng lo lắng vì triệu chứng này sẽ tự biến mất và không ảnh hưởng gì đến thai nhi.
Mặc dù vậy, hãy gọi cho bác sĩ hoặc hộ sinh nếu bạn bị chảy máu ở bất kì giai đoạn nào của thai kì. Có thể chảy máu âm đạo báo hiệu những biến chứng nghiêm trọng nếu nó là:
- Máu chảy có màu đậm hơn so với máu trong chu kì kinh nguyệt của bạn. Nếu bạn gặp triệu chứng này, cộng với đau bụng ở một bên, có thể bạn đã mang thai ngoài tử cung.
- Chảy máu nhiều, đau lưng và đau bụng có thể là dấu hiệu khi bị sẩy thai.
- Chảy máu đột ngột, không đau đớn - khi bạn mắc chứng nhau tiền đạo, bạn có thể kiểm tra kĩ khi đi siêu âm vào tuần thứ 20 của thai kì.
- Máu trong hoặc đục, có hoặc không các cục máu ở những tuần cuối của thai kì thì có thể nhau thai bị bong sớm. Điều này xảy ra khi nhau thai tách dần ra khỏi thành tử cung. Tùy vào vị trí hay mức độ bong tróc của nhau thai mà bạn bị chảy máu nhiều hay ít, đau đớn hay không cảm thấy gì.
- Chảy máu nhiều: bạn có thể phải sinh non, trước tuần thứ 37 của thai kì.
Trong giai đoạn cuối của thai kì, chảy máu ồ ạt là rất hiếm.
|
Mẹ bầu cần theo dõi thân nhiệt trong thai kì. |
Âm đạo rò rỉ chất lỏng
Nếu có chất lỏng rỉ ra từ âm đạo của bạn trước tuần thứ 37 thì rất có khả năng bạn bị vỡ ối sớm. Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt. Nếu vỡ ối sau tuần thứ 37, bạn cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Một khi bạn bị vỡ ối, bé sẽ không được bảo vệ và có nguy cơ nhiễm trùng rất cao và bạn có thể sẽ phải chuẩn bị cho một ca sinh non. Ở bệnh viện, các bác sĩ sẽ đảm bảo cho bạn và con bạn được chăm sóc một cách đúng đắn và an toàn nhất.
Đột nhiên cảm thấy rất khát nước
Bạn đột nhiên khát và nước tiểu của bạn có màu vàng sậm, đó là những dấu hiệu của người bị mất nước. Bạn cần uống nước nhiều hơn khi mang thai.
Nếu bạn thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều hơn, có thể bạn bị bệnh tiểu đường thai kì, nhưng bệnh này không có triệu chứng nào cụ thể.
Tiểu đường trong thai kì làm tăng nguy cơ biến chứng cho bạn và bé, nên hãy đến bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.
Cảm thấy bỏng rát khi tiểu tiện
Bạn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu nếu bạn:
- Cảm thấy đau hoặc rát khi tiểu tiện.
- Thường xuyên phải đi tiểu tiện, cho dù vừa đi xong đã lại có cảm giác buồn.
- Nước tiểu đục, có máu, có mùi.
- Tiết nhiều mồ hôi, mệt mỏi và cảm thấy lạnh.
- Đau bụng dưới, hoặc đau đớn khắp nơi.
Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào trên đây, hãy gặp bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Nôn mửa liên tục
Bạn sẽ bị mất nước và kiệt sức nếu nôn mửa nhiều lần một ngày, mặc dù điều này không gây hại cho bé. Bạn cần nói chuyện với bác sĩ hoặc hộ sinh về chứng nôn nghén, nôn dữ dội và dai dẳng, đặc biệt là khi bạn chẳng thể ăn uống gì. Có thể bạn cần được điều trị trong bệnh viện.
Nôn mửa vào nửa sau của thai kì, kèm với đó là đau dữ dội ngay dưới xương sườn, phù nề nặng ở mặt, tay hoặc chân là dấu hiệu của chứng tiền sản giật.
Nôn mửa kèm theo đó là tiêu chảy cũng có thể là do ngộ độc thực phẩm hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa. Nếu bạn nôn mửa, sốt cao và đau ở phần lưng, lưng dưới hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, có thể thận của bạn đang có vấn đề.
Cảm thấy mệt và chóng mặt
Ngất xỉu hoặc cảm thấy choáng váng là một dấu hiệu cho thấy bạn chưa ăn đủ ngày hôm đó. Nhưng nó cũng có nghĩa rằng bạn bị huyết áp thấp, điều này xảy ra phổ biến trong những tuần đầu của thai kì vì hormone progesterone làm giãn các mạch máu của bạn.
Nhiều phụ nữ cảm thấy chóng mặt khi mang thai. Nhưng nếu bạn có triệu chứng đó kèm theo việc nhìn không rõ, hãy đến gặp bác sĩ để chắc chắn rằng mọi thứ đều ổn.
Chuyển động của bé chậm lại
Nếu chuyển động của bé ngừng hoặc chậm sau tuần thứ 24 có nghĩa là thai nhi không khỏe mạnh. Nếu bạn nhận thấy rằng em bé của bạn chuyển động ít hơn bình thường, hãy liên hệ với hộ sinh hoặc bệnh viện của bạn.
Và nếu bạn đang ở tuần thứ 28 hoặc hơn, hãy làm việc này ngay lập tức. Hãy tìm hiểu thêm về các chuyển động của bé và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Ngứa khắp người
Nếu bạn bị ngứa trầm trọng, đặc biệt là vào ban đêm, bạn có thể mắc chứng ứ mật thai kì (OC). OC là bệnh phát từ gan và bạn sẽ bị vàng da khi mắc bệnh này, nước tiểu của bạn sẫm màu và phân nhạt màu hơn so với bình thường.
Nếu bạn bị ngứa nhẹ thì không phải lo lắng quá nhiều. Ngứa là triệu chứng hoàn toàn bình thường khi làn da của bạn phải căng ra để chứa bé đang ngày một lớn lên.
Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra khi bị ngứa dữ dội. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn bị ngứa hơn vào ban đêm và vùng ngứa tập trung vào lòng bàn chân và lòng bàn tay của bạn.
Bị ngã và đập bụng xuống
Ngã hay va đập không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng hãy gọi cho bác sĩ hoặc hộ sinh ngay trong ngày hôm đó.
Nếu bạn trượt ngã trên cầu thang và xương cụt của bạn bị thâm tím, bạn không cần phải lo lắng. Em bé của bạn được bảo vệ tốt bởi bào thai và nước ối. Tuy nhiên, va đập vào bụng của bạn có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng, như chấn thương xương, gân hay dây chằng.
Nếu bạn cảm thấy bụng co thắt, rò rỉ chất lỏng, hoặc chảy máu, hãy gọi bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn ngay lập tức, hoặc đến trung tâm cấp cứu gần nhất để kiểm tra.
Chỉ là cảm thấy không ổn
Nếu bạn không chắc chắn về triệu chứng, không cảm thấy như bình thường, hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy không thoải mái, hãy tin tưởng bản năng của bạn và gọi bác sĩ hoặc hộ sinh của bạn. Nếu có vấn đề gì, bạn sẽ được giúp đỡ ngay lập tức. Nếu không có gì là sai, bạn sẽ về nhà và cảm thấy yên tâm hơn.
Các bác sĩ hoặc hộ sinh của bạn rất vui lòng khi nhận được những cuộc gọi như thế này, và sẽ rất hạnh phúc khi có thể cho bạn lời khuyên. Cơ thể bạn đang thay đổi rất nhanh chóng, đôi khi rất khó để biết được những gì bạn đang trải qua là có bình thường hay không, hoặc liệu có gì để lo lắng hay không.
Thu Phương