Những trẻ nào có thể nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết?

24/08/2022 - 06:40

PNO - Sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam với số ca mắc, tử vong liên tục tăng cao. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ dưới một tuổi, trẻ thừa cân béo phì và trẻ mắc COVID-19.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - lý giải, so với trẻ bình thường thì trẻ thừa cân, béo phì được đánh giá có nguy cơ bệnh trở nặng cao hơn, khó điều trị và dễ mắc các biến chứng nguy hiểm hơn.

Khi trẻ dư cân, béo phì bị SXH Dengue tấn công sẽ có phản ứng nhiều hơn và mạnh hơn so với trẻ bình thường. Một trong những phản ứng chính là trẻ dễ sốc, sốc nặng và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. “Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ sốc cao gấp đôi trẻ có cân nặng tiêu chuẩn. Do trẻ béo phì dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận”, bác sĩ Tiến nói. 

Bên cạnh đó, trẻ nhũ nhi (dưới một tuổi) cũng là đối tượng có thể gặp nguy hiểm nếu mắc SXH. Bởi trẻ nhũ nhi chưa phát triển toàn diện, khó có thể chống chọi được sự tấn công mạnh của vi-rút gây bệnh. Dấu hiệu SXH ở trẻ nhũ nhi cũng không rõ ràng, có thể kèm theo triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp như nôn ói, tiêu chảy hay ho, sổ mũi… làm cho trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm bệnh và điều trị sai hướng. Một khi trẻ vào sốc SXH, tái sốc hay gặp biến chứng nặng như suy đa tạng, suy hô hấp rất dễ rơi vào nguy kịch, thậm chí tử vong. 

Chưa kể, trẻ có thể nhiễm COVID-19 và SXH cùng lúc, hoặc mắc SXH sau khi đã khỏi COVID-19 cũng có nguy cơ trở nặng. Do COVID-19 gây tổn thương phổi, viêm phổi làm suy hô hấp và hình thành cục máu đông; còn SXH gây sốc, suy giảm chức năng hệ tuần hoàn, gây chảy máu. Nếu điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng đông, kháng viêm như thông thường, tình trạng chảy máu sẽ nặng nề hơn. Nếu điều trị SXH bằng truyền dịch, truyền máu và chế phẩm máu trên bệnh nhân viêm phổi sẽ khiến khó thở, nhanh suy hô hấp hơn.

P.An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI