Những trào lưu chữa bệnh 'không thể tin nổi' chỉ có ở Việt Nam

15/03/2018 - 20:00

PNO - Không chỉ trào lưu sinh con thuận tự nhiên hay việc chống tiêm ngừa vắc xin, tẩy chay uống sữa... mới khiến dư luận hoang mang. Thực tế, tại Việt Nam từng xảy ra nhiều trào lưu chữa bệnh "không thể tin nổi".

Vợ chồng tan nát vì cấn thai ảo

Nhung trao luu chua benh 'khong the tin noi' chi co o Viet Nam

Năm 2009, người dân cả nước rộ lên tin nhiều phụ nữ vô sinh, hiếm muộn... bỗng có thai nhờ đến một địa điểm cầu khấn ở Thủ Đức, TP.HCM. Chị em muốn có thai sẽ được bắt mạch, phát thuốc (dạng viên nén) mỗi ngày uống từ 2-3 viên, rồi tự đứng cầu nguyện.

Sau khi uống thuốc nhiều ngày, bụng các phụ nữ to lên thật, nhưng khi ngừng uống vài tuần thì bụng xẹp trở lại. Điều kỳ lạ là nhiều người đi cầu thì vài tháng sau có biểu hiện nôn ói, chóng mặt nhưng vẫn có chu kỳ kinh! “Thai phụ” được khuyên không được siêu âm, chỉ đợi đến khi nào có dấu hiệu chuyển dạ thật mới vào bệnh viện.

Thời điểm đó, người dân khắp các tỉnh/thành đổ dồn về TP.HCM khấn có bầu, có nơi cả xóm đến 15 người rủ nhau đi cầu thai. Người dân miền Trung vật vạ bắt xe đò vào Sài Gòn tìm cách cầu con. Đặc biệt, những thai phụ này... không bao giờ đẻ. Có người bụng to 17 tháng cũng chưa sinh con, nhưng tin đồn đã có 50 ca sinh nở.

Nhung trao luu chua benh 'khong the tin noi' chi co o Viet Nam

Khi trào lưu này lan rộng, nhiều phụ nữ đang điều trị hiếm muộn cầu con bỗng bỏ ngang điều trị mà chạy theo tin đồn khấn bầu, dẫn đến tiền mất tật mang.

TS.BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM: Tất cả phương pháp điều trị cho người dân phải được ngành y tế thử nghiệm trước khi ứng dụng trên con người. Đừng vì tin đồn, chạy theo phong trào... tiền mất tật mang.

Lúc ấy, nhiều gia đình vợ chồng xào xáo vì vợ mang thai nhưng không đẻ, nhiều ông chồng cho rằng các bà vợ bị lừa, còn các phụ nữ nhẹ dạ cả tin cho rằng con chưa chịu ra vì các ông chồng không có đức tin. Một số gia đình thì rơi vào nghi ngờ lẫn nhau, do chồng đi công tác lâu ngày, vợ ở nhà có thai. Có trường hợp người vợ thức tỉnh chỉ mong bụng xẹp xuống vì sợ hàng xóm dị nghị...

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, các phòng khám sản khoa liên tục tiếp nhận những phụ nữ mang thai đến siêu âm những tháng cuối thai kỳ té ngửa vì trong bụng bầu không có thai nhi.

Sau đó, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế vào cuộc cho rằng trào lưu này không có cơ sở khoa học. “Không thể có thai khi đã phẫu thuật cắt buồng trứng, cắt tử cung; không thể gọi là có thai khi vẫn có kinh nguyệt hàng tháng.

Còn các bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM phân tích: khi người phụ nữ trễ kinh một tuần thì siêu âm đã thấy thai nhi. Cho dù thai nhi có nằm trong hay ngoài tử cung cũng đều ghi nhận được hình ảnh em bé qua siêu âm. Không có chuyện thai nhi trong bụng mẹ mà siêu âm không thấy. 

Nhiều phụ nữ bụng to lên có thể do mang khối u hoặc do uống thuốc tích nước... ở bụng. Hoặc cũng có thể do đa phần phụ nữ đến cầu con do hiếm muộn, trong đó có nhiều người mắc buồng trứng đa nang. Ở những bệnh nhân này thành bụng thường dày lên mà người bệnh ít để ý đến... Với những ca sinh nở có thể do trùng khớp thời gian điều trị hiếm muộn hoặc ngẫu nhiên có bầu như bệnh đa nang buồng trứng thi thoảng vẫn "dính" mà không phải điều trị.

Dù nhiều giải thích khác nhau, nhưng sự thật là các bà bầu này bụng ngày to lên và không bao giờ đẻ.

Chữa bá bệnh bằng nước tiểu

Nhung trao luu chua benh 'khong the tin noi' chi co o Viet Nam

Năm 2011, người dân ở xã Giao Tân, Giao Thủy, Nam Định cũng chạy theo trào lưu chữa bệnh bằng nước tiểu của chính bản thân, chứ không đến bệnh viện, dù bị bất cứ bệnh gì.

Chuyện bắt nguồn từ căn bệnh ung thư vú của chị Nguyễn Thị A. vào năm 2010 ở Nam Định. Sau 4 tháng uống thuốc tây, tiêu tốn nhiều tiền bạc nhưng bệnh vẫn không đỡ mà ngược lại khối u ác tính ngày một to thêm. Xóm giềng cho rằng chị sắp lìa đời nên nhiều người đến thăm, trong đó có người hàng xóm tên V. đọc một cuốn sách “Niệu liệu pháp” và nói chị dùng thử nước tiểu để chữa bệnh.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: Nguy hiểm nhất là bệnh ung thư mà chạy chữa không khoa học thì bệnh càng nặng thêm, dễ dẫn đến tử vong.

Muốn chữa bệnh theo liệu pháp này phải ăn kiêng tuyệt đối như không rượu bia, nước chè, kiêng mặn... chỉ được ăn nhạt, ăn hoa quả, uống thêm sữa... Sau đó, sức khỏe chị A. hồi phục và từ câu chuyện đó, nhiều người dân đã tin vào cách trị bệnh của “nước thánh”.

Thế nhưng, nhiều bác sĩ nhận định, chị A. đỡ bệnh có thể hiệu quả thuốc ngấm trước đó, chứ không phải do nước tiểu. Thậm chí, người bệnh không điều trị vẫn có thể sống thêm một thời gian, quan trọng là phụ thuộc tâm lý của người bệnh.

Bởi nước tiểu là một loại nước để bài tiết các chất độc hại, thải loại từ cơ thể nên rất bẩn, không thể dùng để chữa bệnh được, đặc biệt là nước tiểu của người lớn, người bệnh ung thư.

Và Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cũng từng có việc nhiều bệnh nhân đang điều trị ung thư bỏ bệnh viện tin theo cách trị liệu thanh lọc cơ thể. Sau một thời gian, hàng loạt bệnh nhân quay trở lại bệnh viện với giai đoạn trễ.

Săn lùng xáo tam phân chữa 5 bệnh ung thư

Nhung trao luu chua benh 'khong the tin noi' chi co o Viet Nam

Vào năm 2011, người dân cả nước đổ xô về Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên để mua cho được cây xáo tam phân đang cháy hàng. Giá cây xáo tam phân tăng lên vùn vụt, từ chỗ vài trăm nghìn leo đến vài triệu đồng/kg. Nhiều người tin rằng cây xáo tam phân chữa được 5 bệnh: ung thư vú, đại tràng, buồng trứng, cổ tử cung, gan.

Câu chuyện bắt đầu từ một bệnh nhân ở Ninh Vân (Khánh Hòa) cho rằng bị ung thư gan sau thời gian dài và bệnh viện trả về. Bệnh nhân được người dân chỉ uống thử cây xáo tam phân đã khỏi bệnh; từ đó tin đồn bay xa.

Được giá, cây xáo tam phân bị đào bới cạn kiệt ở các khu rừng ở Ninh Vân sang tận Đại Lãnh (Khánh Hòa) đến Vũng Rô (Phú Yên). Để có xáo tam phân bán với giá cao, nhiều thương lái làm xáo tam phân giả để bán. Nhiều người dân nghe tin đồn cũng mua tích trữ lượng xáo tam phân đang cạn kiệt.

Nhung trao luu chua benh 'khong the tin noi' chi co o Viet Nam

Trước tình trạng rối ren, dư luận hoang mang, để tìm sự thật về cây xáo tam phân; ngày 24/9/2012 Sở Y tế Khánh Hòa đã gửi công văn số 1885/SYT - NDV và mẫu xáo tam phân khai thác ở Khánh Hòa ra Viện Dược liệu nhờ xác minh. Viện Dược liệu cũng nêu cây xáo tam phần an toàn với các hoạt chất, chứ không kết luận được có trị được bệnh ung thư ở người hay không.

Thời điểm bấy giờ, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đông y đã lên tiếng cảnh tỉnh, dù cây xáo tam phân là cây thuốc quý cũng cần chờ nghiên cứu trên thực nghiệm đến lâm sàng rất dài, nhất là với tự ý điều trị bệnh ung thư. Và việc chữa bệnh ung thư từ cây thuốc không đơn giản, nhà nghiên cứu phải biết chất gì trong cây đó mới tách ra được... trong khi bệnh ung thư thì không thể bỏ điều trị, dù chỉ 1 ngày.

Sau một thời gian, chuyện săn lùng cây xáo tam phân đã giảm nhiệt.

Tuệ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI